03/10/2018
Ngày 25/6/2015, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, trong đó quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo. Trong quá trình kiểm tra, giám sát việc triển khai Luật đến nay phát sinh nhiều hành vi vi phạm các quy định trong lĩnh lực quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo. Hiện nay, các mức xử phạt hành vi vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển được quy định tại nhiều văn bản chuyên ngành khác nhau có liên quan đến các hoạt động trên biển…
Quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT bao gồm: Vi phạm các quy định về vận chuyển, lưu giữ hàng hóa trên biển có nguy cơ gây sự cố môi trường; khai thác nguồn lợi, tài nguyên biển; lưu giữ, xử lý chất thải (vi phạm các quy định về đổ chất thải xuống biển, bao gồm chất thải thông thường và chất thải nguy hại); vi phạm các quy định về phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng trái quy định về BVMT; hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu; các quy định về thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu, thông tin về môi trường; quy định về BVMT, sử dụng công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động BVMT; hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về BVMT.
Về xử phạt VPHC trong lĩnh vực Hàng hải, Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 11/12/2017 của Chính phủ quy định: Vi phạm quy định về BVMT do tàu thuyền gây ra; BVMT do hoạt động khai thác cảng biển; về an toàn, an ninh, trật tự, vệ sinh đối với các hoạt động liên quan đến tàu thuyền; hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu; hoạt động quản lý tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển tại cảng biển.
Nghị định số 162/2013/NĐ-CP quy định một số hành vi vi phạm về BVMT biển gồm: Vi phạm các quy định về BVMT biển khi thuyền nước ngoài chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc tàu thuyền chở chất phóng xạ, chất độc hại hoặc nguy hiểm đi qua lãnh hải Việt Nam; BVMT biển do tàu thuyền gây ra (để rò rỉ nước thải có lẫn dầu xuống biển; xả, thải nước có lẫn dầu hoặc các loại chất độc hại, đổ chất thải nguy hại, chất thải có chứa chất phóng xạ xuống các vùng biển, đảo,thềm lục địa...); hoạt động vận chuyển chất thải nguy hại; BVMT biển do tàu thuyền gây ra...
Xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoảng sản, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ quy định: Vi phạm các quy định về thăm dò, khai thác sử dụng nước biển; về phòng, chống xâm nhập mặt; vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản biển; quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm do, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới nước...
Thực tiễn áp dụng các quy định về xử phạt hành chính hiện nay
Trong thực tiễn áp dụng các chế tài hành chính cho thấy, vẫn còn bất cập giữa các quy định của các văn bản về xử phạt VPHC và việc áp dụng các quy định vào trong quá trình thực thi pháp luật trên các vùng biển về hiệu lực của văn bản, thẩm quyền xử lý vi phạm, mức phạt tiền đối với các hành vi VPHC trong cùng một lĩnh vực, gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền thực thi pháp luật trên biển và trong tìm hiểu, nghiên cứu và chấp hành của người dân.
Tỉnh Quảng Nam diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu trên biển
Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về xử phạt hành chính nêu trên chưa quy định hành vi vi phạm trong xây dựng chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ. Hiện mới có một số quy định về hành vi vi phạm như: điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quản lý tài nguyên hải đảo; kiểm soát ô nhiễm, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc và nhận chìm ở biển; quan trắc, giám sát tổng hợp và hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển... Mặt khác, có một số văn bản quy phạm pháp luật đều quy định 1 hành vi vi phạm nhưng mức xử phạt lại khác nhau. Hành vi vi phạm về kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đươc quy định tại Khoản 7, Điều 33 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 xử phạt từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không có kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu, ô nhiễm hóa chất từ tàu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Tuy nhiên, theo Khoản 3, Điều 25 Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 11/12/2017 quy định xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với hành vi không có kế hoạch ứng phó sự cố dầu tràn; kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu, ô nhiễm hóa chất theo quy định, hay Khoản 7, Điều 17 Nghị định số 93/NĐ-CP ngày 20/8/2018 quy định phạt từ 80.000.000 đồng đền 100.000.000 đồng hành vi đổ bùn đất, chất thải từ nạo vét không đúng vị trí quy định. Mặt khác, tại Khoản 4 Nghị định số 142/NĐ-CP ngày 11/12/2017 quy định phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với hành vi đổ bùn, đất, chất thải từ nạo vét không đúng vị trí quy định, Điều 26 Nghị định 162/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với hành vi nhận chìm, đổ, thải dưới 120kg chất thải nguy hại là từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; mâu thuẫn với Điều 23 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với hành vi chôn, lấp, đổ, thải dưới 100kg chất thải nguy hại là từ 100.000.000 đồng đến 150.000.0000 đồng...
Có thể thấy, hệ thống văn bản pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường biển còn chồng chéo, thiếu đồng bộ; chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Thêm vào đó, công tác quản lý hoạt động vận tải biển, khai thác khoáng sản, khai thác cảng biển, hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản thiếu chặt chẽ khiến các đối tượng chạy theo lợi ích kinh tế, cố tình vi phạm như: không đầu tư xử lý chất thải mà xả trực tiếp ra biển gây ô nhiễm môi trường biển; trong hoạt động đánh bắt hải sản,…những hành vi gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng và gây hậu quả rất lớn, đặc biệt là các hành vi không đảm bảo an toàn hàng hải gây ra các vụ tai nạn do va quệt, đâm va của các tàu vận tải dầu, các hóa chất độc hại khác hay sự thải bỏ, nhận chìm chất thải không đúng quy định...
Để tăng cường công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo thì việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật quy định các hành vi, hình thức và mức xử phạt chi tiết đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
TS. Nguyễn Minh Trung, ThS. Lại Đức Ngân, ThS. Đỗ Thị Như Ngọc
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)