08/07/2019
Hiện nay, cả nước có hơn 2.700 cây Di sản được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam gắn biển công nhận. Cây vừa là chứng tích về một thời lịch sử hào hùng của dân tộc, vừa là một tụ điểm giao lưu văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của làng xã. Riêng xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, có 8 cây di sản như thế.
Mỗi cây nơi đây là một câu chuyện lịch sử, một nét đẹp văn hóa tâm linh mà mỗi người dân trong xã vẫn hằng ngày có ý thức trân trọng, gìn giữ. Tiếc thay, sau khi được cấp biển di sản từ năm 2013, 8 cây thì đã chết mất 3. Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là cần nhanh chóng bảo tồn những cây di sản quý hiếm này như thế nào?
1. Qua cầu Nhật Tân khoảng 10km theo hướng sân bay quốc tế Nội Bài rẽ theo quốc lộ 2, qua hồ Đồng Quan để tìm về xã Minh Phú. 8 cây di sản của Minh Phú nằm rải rác trong hai thôn Thanh Trí và Phú Thịnh.
Qua những ruộng lúa xanh mướt mát ở hai bờ đê lộng gió, chúng tôi tìm vào thôn Thanh Trí. Các cụ cao niên trong thôn đã chờ sẵn ở cổng đền Cây Sanh. Nhắc đến cây di sản, các cụ lặng người xúc động.
Cụ Dương Văn Lợi, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi trong thôn bảo: “Cả xã có 8 cây được công nhận là cây di sản. Riêng thôn đây có 4 cây, cây đa lông, cây sanh, cây bồ kết, cây nhãn. Với chúng tôi cây không chỉ là một thực thể bình thường mà còn có hồn cốt, nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ của cả một dòng họ, thôn xóm mỗi khi đi xa nhớ về quê hương, nguồn cội. Mỗi cây gắn với một khu di tích tâm linh, như cây đa ở đình thì gọi là đình Cây Đa, cây sanh sống bên cạnh đền gọi là đền Cây Sanh, cây nhãn mọc trước cửa đền gọi là đền Dõng Nhãn”.
Cả 4 cây này được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam gắn biển công nhận Di sản vào năm 2013. Vậy mà chỉ 2 năm sau, cây đa bị trận bão lớn, gặp một cơn lốc xoáy, đã đổ ập xuống, còn trơ ra hai cái cội. Cụ Lợi buồn rầu nói: “Mất cây đa trên 500 năm tuổi như mất đi người thân. Người trẻ buồn đã đành nhưng người già như chúng tôi còn buồn hơn. Ngay từ nhỏ chúng tôi đã chứng kiến bao nhiêu chuyện vui buồn ở gốc đa già cỗi dưới mái đình cổ kính ấy”.
Các cụ cao niên trong thôn Thanh Trí và cán bộ xã Minh phú bên cây sanh di sản
Vị thầy lên đến núi này bảo gia đình viên quan là đất ở đây phong thủy hữu tình, kì thực rất thích hợp để có một ngôi đền thờ Mẫu Thượng ngàn và các vị sơn thần. Viên quan nghe vậy bèn tức tốc cho xây cất ngôi đền thờ. Đền rộng chừng 20 m2, nằm cheo leo trên núi, chỉ có mái mà không có cửa.Các cụ trong thôn kể: Cây nhãn ở đền Dõng Nhãn có số phận kì lạ. Đền Dõng Nhãn nằm trên quả núi nhỏ, phía dưới có dòng suối chảy uốn quanh róc rách, phía trước đền là cây nhãn lâu năm, thân xù xì rêu phong vào mùa quả sai trĩu trịt. Trước đây, ở đấy là một vùng hoang vu rậm rạp, cây cối mọc chằng chịt, người dân ở đây không biết cây nhãn đấy có tự bao giờ, trước khi có đền hay sau khi có đền. Chỉ nghe các cụ truyền lại rằng, xưa kia có một viên quan xã mời một vị thầy thông Nho, y, lý, số.
Theo lời cụ Nguyễn Văn Kẹo - một bô lão trong làng - thì bậc hiền nhân ngày xưa suy nghĩ rất sâu sắc, làm đền có mái mà không có cửa đóng then cài, ý của cụ là muốn cho khách lỡ độ đường xa đi gặp cảnh trời mưa hoặc hôm trời nắng vào trú lại đền để nghỉ ngơi dưỡng sức. Con cháu ngày nay cũng thuận theo ý của cụ khi xưa, ngôi đền qua nhiều lần trùng tu vẫn giữ nguyên lệ cũ, đền không làm cửa.
Trước đền là cây nhãn già tỏa tán rộng mát rượi, dưới gốc nhãn có một giếng ngọc, nước trong vắt chưa bao giờ cạn. Ngày chiến tranh, bộ đội ta mỗi khi qua đây đều dừng chân chốn này để nghỉ ngơi và uống nước giếng mát lành. Hay vào những đêm tối trời, dưới ánh trăng, dân quân, du kích tắm giặt dưới gốc nhãn, những ngày tháng trôi qua khắc sâu bao kỉ niệm. Rồi dân trong thôn dần quen gọi là đền Dõng Nhãn. Năm 2013, tấm bia công nhận cây di sản được đặt trang trọng bên mé đền, nơi gần cây nhãn cổ thụ.
Cây nhãn ở đền Dõng Nhãn có chung số phận như cây đa ở đình. Năm 2016 cây nhãn già cũ kĩ bị mối mọt xông lên, ăn dần ăn mòn làm thân cây mục ruỗng. Người ta phải cắt ngang thân, còn gốc cây bám chặt vào lòng đất như không muốn rời đi. 2 năm trời gốc nhãn như khúc gỗ nằm bất động, tưởng cây vĩnh viễn chết nhưng vào dịp mùa xuân năm 2018, từ gốc nhãn chồi lên những mầm non xanh biếc, cây nhãn hồi sinh. Giờ đây, người dân trong thôn và khách thập phương hằng ngày vẫn hương, đăng, trà, quả, trước ban thờ bằng đá gần nơi gốc nhãn.
Cây sanh và cây bồ kết ở đền Cây Sanh là một chứng tích của lịch sử hào hùng thời kì đất nước trải qua hai cuộc chiến tranh gian khó chống Pháp và chống Mỹ. Ông Nguyễn Văn Lành - cán bộ phòng nông nghiệp xã Minh Phú, là một người con của thôn Thanh Trí - kể: Ngay từ ngày nhỏ, ông đã cùng chúng bạn ra khu vực đền Cây Sanh để chăn trâu cắt cỏ. Hồi đó, ở đây không có đường sá như bây giờ, cả một khoảng không rộng lớn cỏ lau ngút ngàn, đồng ruộng, mương rạch chằng chịt, ếch nhái râm ran.
Tuổi thơ ông cùng những đứa trẻ trong thôn chơi trò đuổi bắt, cưỡi ngựa, ném ống bơ ở dưới gốc cây sanh hàng trăm năm tuổi tỏa bóng mát này. Bao nhiêu năm trôi qua, những đứa trẻ ấy lớn lên, có người đi lập nghiệp phương xa, có người ở lại thôn dựng vợ gả chồng rồi sinh con đẻ cái. Cứ thế, bao thế hệ truyền từ đời cu,å rồi đến ông, sang đời bố, tới đời con cháu vẫn gắn liền cây sanh già kẽo kẹt trong thôn.
Các cụ cao niên trong thôn nói đến đền Cây Sanh ai nấy đều ngậm ngùi. Từ những năm kháng chiến chống Pháp, đây là con đường huyết mạch liên tỉnh, nối liền Thái Nguyên (vùng tự do) và Vĩnh Phúc (vùng hậu địch). Bao dân quân, du kích chở súng đạn, lương thực đi qua, nghỉ dưới tán cây sanh này. Trước đây, cây sanh và ngôi đền do một chủ đồn điền quản lý. Sau Cách mạng Tháng Tám, cụm di tích này được giao cho người dân trong thôn trông nom, chăm sóc.
Cụ Kẹo rưng rưng nước mắt nhớ lại, câu chuyện bi thương của ngày xưa dội về. Đó là một ngày mùa đông ảm đạm năm 1947, trong một lần quân ta bị rơi vào ổ phục kích của địch, chúng bắt được một anh du kích rồi trói lại trước cửa đền, gần gốc cây sanh. Bị quân Pháp tra tấn dã man nhưng anh vẫn một mực không khai. Giặc điên cuồng, hành hình anh du kích ấy. Người chiến sĩ cách mạng trung kiên ngã xuống, máu loang thấm đất.
Ngày hôm sau, người trong thôn lặng lẽ thu xác anh chôn cất. Sau này, mỗi lần đi qua nơi người du kích bị hành hình, dân trong thôn thường để một bông hoa, lúc thì hoa cúc, khi hoa hồng hoặc mùa sen là một bông sen. Cây sanh già như một nhân chứng sống của lịch sử.
Cây Sanh ở đền Cây Sanh
2. Thôn Phú Thịnh nằm cách thôn Thanh Trí chừng 2 km. Thuở xưa, Phú Thịnh còn có tên là Đình Phú, năm 2013 có 4 cây trong thôn được công nhận là cây di sản gồm có 2 cây đa lông, 1 cây đa tía và 1 cây táo ta.
Cách cây đa lông cổ thụ bên rìa đường trong thôn 5 bước chân là tấm biển di tích ghi rõ: “Thôn Đình Phú, xã Minh Phú là vùng đất lịch sử - văn hóa giàu truyền thống cách mạng. Thời kỳ 1939-1945 nhân dân thôn Đình Phú đã nuôi giấu và bảo vệ an toàn cho các đồng chí Trường Chinh, Lê Quang Đạo, Lê Thị Lịch (tức Liên), Vũ Ngọc Linh... Chi bộ đảng thôn Đình Phú đã lãnh đạo nhân dân tham gia mít tinh giành chính quyền huyện Kim Anh ngày 19-8-1945”.
Ông Lê Văn Thinh, trưởng thôn Phú Thịnh cho biết: Trong sách lịch sử của xã có ghi khi xưa ở đây có cái điếm canh nằm dưới gốc đa già, là nơi dừng chân của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên tuyến đường huyết mạch sang các địa phận khác. Nhiều cuộc họp bí mật của ta được tổ chức ở điếm canh. Các cụ cao niên trong thôn mỗi khi nhắc về thời kì kháng chiến hào hùng đó không khỏi dâng trào niềm thương nhớ, tự hào về mảnh đất truyền thống quê hương cách mạng. Những cây đa có tự bao đời vừa là nơi nương náu mát lành, vừa là tấm lá che chắn cho làng quê, dân quân, du kích trước mũi tên hòn đạn của quân thù.
Cụm đình chùa Phú Thịnh nằm cách tấm biển gắn di tích và cây đa lông di sản khoảng 10m. Trước sân chùa là 2 cây di sản, cây táo ta và ở bên mé góc chùa là cây đa tía sum sê xanh tốt. Ông Thinh ngậm ngùi: Năm 2016 cây đa lông gần bờ ao bị một trận bão, bật rễ và chết, giờ thôn chỉ còn lại có 3 cây di sản.
Cây táo di sản đặc biệt ở chỗ, khi chín vàng, rụng xuống sân chùa, quả vẫn ngon, không hề thối, giập. Người dân trong thôn lấy rổ ra hái, nhặt táo về ăn. Vào những ngày lễ, tết hay đêm rằm, mọi sinh hoạt làng xã được tổ chức trước sân chùa, dưới tán táo già.Cây táo trước sân chùa đẹp kiêu hãnh hiên ngang như một tráng sĩ, trên thân cây lác đác những bông hoa phong lan màu vàng mọc ra từng chùm lung linh dưới nắng. Ông Thinh bảo, có lẽ một loài chim nào đó đã tha cây lan thả lên cây táo, từ đó cây phong lan sống kí sinh trên thân cây táo già, hằng năm ra hoa. Vào mùa giáp tết là cây táo cho ra những quả ăn giòn tan, hơi dôn dốt chua.
Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Phú lo lắng: “Từ năm 2013, sau khi xã có 8 cây được phong cây di sản thì chỉ khoảng chưa đầy 3 năm sau, 3 cây di sản bị chết. Cây dõng nhãn, cây đa già cỗi có tự bao đời ở thôn Thanh Trí bị mối mọt ăn mất thân và bão đánh đổ. Cây đa lông hơn 700 năm tuổi ở thôn Phú Thịnh bị lốc đánh bật rễ. Sự việc này làm cho người dân trong xã hết sức đau lòng và đang tìm giải pháp khắc phục. Hiện nay, cán bộ phòng nông nghiệp của xã được cử đi học cách bảo vệ cây cổ thụ trước thiên tai, môi trường”.
Ông Tâm cũng cho biết: Giá như Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Hội Cây di sản Việt Nam sau khi gắn biển di sản cho cây, dừng lại xem xét nguy cơ cây có thể bị bật rễ do thiên nhiên, hư hỏng do môi trường. Những nhà chuyên môn tổ chức hướng dẫn chăm sóc, bảo vệ cây di sản, khắc phục mối mọt, chống đỡ những cây có nguy cơ đổ cho đại diện thôn thì có lẽ cây đã không bị mất đi như thế.
Việc gắn biển di tích di sản cho cây là khơi dậy niềm tự hào của người dân địa phương luôn ý thức trong việc bảo vệ cây, là gìn giữ nét đẹp văn hóa và tôn vinh giá trị lịch sử, bảo vệ nguồn gen quý hiếm. Bảo vệ cây cũng là một cách quảng bá và tiếp thị du lịch địa phương, để mọi người thêm hiểu và yêu về miền quê. Nhưng, nếu cứ cái đà gắn biển cây di sản xong mặc kệ giông bão và mối mọt thì cây sẽ tàn lụi và chết, chúng ta sẽ vĩnh viễn mất đi giá trị cốt lõi và thực chất, chỉ còn vỏ bọc hình thức qua những tấm biển bê tông, cột sắt vô nghĩa.
Trà My (Theo An ninh thế giới)