Banner trang chủ

Cần nỗ lực đấu tranh trong cuộc chiến chống buôn bán ngà voi

03/05/2019

     Hiện nay, tình trạng buôn bán ngà voi vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam, song việc đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán ngà voi lớn vẫn chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt trên khía cạnh xử phạt. Trao đổi về vấn đề trên, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV- tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và giáo dục môi trường) để rõ hơn về thực trạng buôn bán ngà voi, từ đó kiến nghị giải pháp đấu tranh, xử lý.

- Xin bà cho biết thực trạng buôn bán ngà voi và các sản phẩm được chế tác từ ngà voi trong những năm gần đây?

Bà Bùi Thị Hà: Theo đánh giá của ENV, tình trạng buôn bán ngà voi và các sản phẩm chế tác từ ngà voi vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Việt Nam không chỉ là một thị trường tiêu thụ tiềm năng mà còn đóng vai trò là địa bàn trung chuyển đặc biệt quan trọng được các "đường dây tội phạm" sử dụng để đưa động vật hoang dã đến tiêu thụ tại một số quốc gia khác trong khu vực.

    Từ đầu năm 2010 đến cuối năm 2018, ENV đã ghi nhận khoảng 150 vụ việc vi phạm về ngà voi với tổng khối lượng ngà voi bị thu giữ lên đến hơn 53 tấn. Đặc biệt, có đến hơn 30 vụ việc vận chuyển ngà voi bị bắt giữ, khối lượng ngà thu giữ lên tới hơn 500kg/vụ, chủ yếu phát hiện tại khu vực cửa khẩu, cảng biển.

     Tại các khu vực làng nghề điểm nóng về buôn bán, tiêu thụ ngà voi như Nhị Khê, tuy tình trạng buôn bán ngà voi không diễn ra công khai như những năm về trước nhưng các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm, thu giữ một khối lượng lớn ngà voi cho thấy tình trạng buôn bán, tiêu thụ ngà voi vẫn tiếp tục sôi động tại khu vực này.

    Không những vậy, hiện nay, rất nhiều đối tượng đang lợi dụng internet như một biện pháp hiệu quả để quảng cáo, buôn bán ngà voi trái phép.

- Theo ENV, vì sao Việt Nam lại được coi là “trung tâm” hay điểm trung chuyển của thị trường buôn bán ngà voi xuyên biên giới?

Bà Bùi Thị Hà: ENV cho rằng vị trí địa lý thuận lợi và một số hạn chế trong công tác xử lý vi phạm là những nguyên nhân chính khiến Việt Nam trở thành một điểm trung chuyển ngà voi quan trọng trong khu vực.

    Ví dụ, nếu nhìn vào số lượng khoảng 150 vụ vi phạm về ngà voi phát hiện từ năm 2010 đến năm 2018, chỉ có khoảng 30 vụ việc các đối tượng bị đưa ra xét xử, trong đó hình phạt tù giam cũng chỉ được áp dụng trong hơn 10 vụ việc vi phạm.

    Đặc biệt, trong hầu hết các vụ bắt giữ với số lượng đặc biệt lớn tại khu vực cảng, các cơ quan chức năng cũng không thể xử lý tội phạm do không tìm ra các đối tượng đứng đằng sau các công ty “ma” nhập khẩu ngà voi trái phép. Điều này cho thấy tuy Việt Nam đã khá thành công trong việc phát hiện và bắt giữ một số lượng lớn ngà voi nhưng lại chưa thực sự thành công trong việc xử lý các vi phạm liên quan đến ngà voi.

    Theo quan điểm của ENV, việc bắt giữ hàng hóa chỉ có ý nghĩa làm giảm lợi nhuận của các đối tượng phạm tội nhưng không thể ngăn chặn tội phạm. Chỉ khi các cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán ngà voi lớn thì mới có thể đấu tranh hiệu quả loại tội phạm này.

 

Những chiếc vòng được làm từ ngà voi đang được rao bán phổ biến

 

- Như bà nói thì nguyên nhân khiến vấn nạn buôn bán động vật hoang dã quý hiếm, đặc biệt là ngà voi vẫn chưa được ngăn chặn là do “lỗ hổng” về pháp lý?

Bà Bùi Thị Hà: Như đã trao đổi, chỉ khi các đối tượng vi phạm, đặc biệt là những đối tượng cầm đầu các đường dây vận chuyển, buôn bán ngà voi trái phép bị phát hiện và xử lý bằng hình phạt tù giam nghiêm khắc thì mới có góp phần ngăn chặn triệt để tình trạng buôn bán, tiêu thụ ngà voi.

    Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, công tác đấu tranh, xử lý vi phạm về ngà voi vẫn chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt trên khía cạnh xử phạt.

    ENV cũng gặp nhiều khó khăn khi thông báo vi phạm đến các cơ quan chức năng về các đối tượng buôn bán động vật hoang dã trên internet vì trong nhiều trường hợp, các cơ quan chức năng vẫn chưa đánh giá đúng tính nghiêm trọng của các hành vi quảng cáo, buôn bán sản phẩm ngà voi trên internet để xử lý triệt để các đối tượng vi phạm.

    Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam đang lưu trữ một khối lượng ngà voi khổng lồ lên tới hơn 50 tấn tại các kho dự trữ nhà nước mà chưa có giải pháp xử lý triệt để.

    Trong năm 2016, trước thềm Hội nghị Hà Nội về chống buôn bán quốc tế động vật hoang dã, Việt Nam đã có bước tiến đáng kể khi lần đầu tiên tiến hành tiêu hủy hơn 2 tấn ngà voi và 70kg sừng tê giác là tang vật tịch thu trong một số vụ vi phạm trước đó.

    Nỗ lực này của Chính phủ Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, coi đó là một thông điệp thể hiện thái độ không khoan nhượng và quyết tâm ngăn chặn tình trạng buôn bán ngà voi và sừng tê giác. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó đến nay, Việt Nam không tiếp tục có các động thái khác để thể hiện quyết tâm của đất nước trong nỗ lực đấu tranh phòng chống tội phạm về động vật hoang dã.

     Trong khi đó, nhiều quốc gia trên khắp thế giới như Bỉ, Cộng hòa Séc, Gabon, Pháp, Philippin, Mỹ, Kenya hay thậm chí Trung Quốc cũng đã và đang có những hành động quyết liệt để tham gia vào “tuyên ngôn chung” chống lại tình trạng săn bắt, buôn bán voi và tê giác bằng cách tổ chức thường niên những buổi tiêu hủy kho tang vật động vật hoang dã hoặc tiêu hủy số lượng lớn ngà voi.

    Chính vì vậy, ENV cho rằng cần có một giải pháp đồng bộ, hiệu quả xử lý triệt để các đối tượng vi phạm dù cho đó là những vi phạm nhỏ lẻ trên internet hay những đường dây buôn bán động vật hoang dã lớn.

    Chỉ có xử lý các đối tượng vi phạm bằng hình phạt tù giam nghiêm khắc mới có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa tội phạm cũng như tiến hành tiêu hủy tang vật ngà voi để khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực đấu tranh với loại tội phạm về ngà voi này.

Trân trọng cảm ơn bà!

 

Lê Chính (Theo Báo Điện tử VietnamPlus)

Ý kiến của bạn