Cần kiểm soát, ngăn chặn việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Nhuệ - sông Ðáy
15/09/2015
Phiên họp lần thứ 6 Ủy ban BVMT lưu vực (LV) sông Nhuệ - sông Đáy (Ủy ban) đã đánh giá kết quả hoạt động của Ủy ban trong nhiệm kỳ thứ II (2013 - 2014) và định hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ III (2015 - 2016). Trong khuôn khổ Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Mai Tiến Dũng đã chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban cho Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang, theo quy định luân phiên.
Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Văn Quang về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy
Xin ông cho biết, một số kết quả triển khai Đề án BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy trong nhiệm kỳ II?
Ông Nguyễn Văn Quang: Trong nhiệm kỳ II (2013 - 2014), công tác BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 (tại Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 18/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ); Ban hành Quy chế quản lý, chia sẻ thông tin, dữ liệu môi trường LV sông Nhuệ - sông Đáy trên cổng thông tin điện tử đã được ban hành tại Quyết định số 02/QĐ-UBSNĐ ngày 5/3/2013.
Đặc biệt, Ủy ban đã tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình triển khai Đề án, giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh và khảo sát các nguồn thải lớn trên LV; Xử lý triệt để 38/43 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên 5 tỉnh thuộc LV theo Quyết định số 64/2003/QĐ-CP, 5 cơ sở còn lại đang trong giai đoạn triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường triệt để.
Bên cạnh đó, 5 tỉnh, TP đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy. Trong giai đoạn 2013-2014 đã có 34 văn bản về cơ chế, chính sách, chỉ đạo, điều hành được UBND 5 tỉnh, TP ban hành nhằm triển khai các hoạt động BVMT nói chung và BVMT LVsông Nhuệ - sông Đáy nói riêng. Hàng năm, các tỉnh, TP đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi, nạo vét khơi thông dòng chảy, xây dựng các phương án cân bằng và bổ cập nước; bố trí kinh phí triển khai Đề án BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy trên địa bàn, huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, chương trình của Đề án.
Mặt khác, Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đã hỗ trợ 58,4 tỷ đồng cho 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình nhằm khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường trên địa bàn.
Cùng với đó, Bộ TN&MT và UBND các tỉnh, TP trên LV sông Nhuệ - sông Đáy đã tổ chức điều tra các nguồn thải chính, trọng điểm để quản lý, kiểm soát và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải phục vụ quản lý; Xử lý các nguồn thải trên LV; Tổ chức hoạt động tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức BVMT, huy động sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động BVMT, trong đó các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể làm nòng cốt để đưa công tác BVMT tới cấp cơ sở.
Là tỉnh nằm đầu nguồn LV sông Nhuệ - sông Đáy, Hòa Bình đã triển khai các hoạt động gì để bảo vệ dòng sông, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Quang: Thực hiện Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án tổng thể BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020”; Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 18/8/2014 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch BVMT trong đó có nội dung về BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy; Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 16/10/2014 thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT; Phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 2883/QĐ-UBND ngày 4/12/2013.
Đồng thời, chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai công tác BVMT, thực hiện nhiệm vụ về BVMT; tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến Luật BVMT. Năm 2013, đã giao Sở TN&MT phối hợp với Văn phòng Ủy ban BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy, Tổng cục Môi trường tổ chức tập huấn công tác BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy tại huyện Lạc Thủy cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, các Sở, ngành, địa phương trong LV.
Bên cạnh đó, giao Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị có liên quan lập đề cương và triển khai trong thời gian tới thực hiện nhiệm vụ “Điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng môi trường vùng LV sông Nhuệ - sông Đáy tỉnh Hòa Bình, xây dựng kế hoạch BVMT LV giai đoạn 2015 - 2020’’.
Mặt khác, Sở TN&MT cũng đã triển khai các nhiệm vụ chuyên môn để đánh giá chất lượng môi trường, cụ thể như: quan trắc chất lượng đất, nước, không khí; Lập báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Hòa Bình, trong đó, đánh giá nhận xét diễn biến chất lượng môi trường LV sông Nhuệ - sông Đáy; Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá tình hình sử dụng và phát sinh chất thải (bao gồm cả chất thải nguy hại) đối với phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Đề xuất các giải pháp quản lý, BVMT”; Phê duyệt danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý theo quy định; Xây dựng kế hoạch và phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về BVMT của các cơ sở, kinh doanh; Xử lý nghiêm các cơ sở cố tình không chấp hành các quy định pháp luật về BVMT; Trong quá trình xem xét, lựa chọn các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án tại các địa phương thuộc LV sông Nhuệ - sông Đáy, không cấp phép đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng đối với các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban BVMT nhiệm kỳ III, ông có đề xuất gì để nâng cao hiệu quả quản lý BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy?
Ông Nguyễn Văn Quang: Để cải thiện chất lượng môi trường nước LV sông Nhuệ - sông Đáy, trong thời gian tới cần triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: Kiểm soát, ngăn chặn việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường, khu vực ô nhiễm môi trường; Cải tạo và phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm; Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường trên LV sông Nhuệ - sông Đáy; Quy hoạch hành lang cây xanh, diện tích rừng và các khu vực sinh thái cần được bảo vệ đến năm 2020, bảo tồn thiên nhiên và đa đạng sinh học.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Mai Tiến Dũng chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban
cho Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang (trái)
Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm về BVMT cho các cơ sở, kinh doanh và mọi tầng lớp nhân dân; Tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý về môi trường cho cán bộ. Tăng cường năng lực cơ sở vật chất, trang thiết bị và biên chế; Đẩy mạnh quan trắc, dự báo diễn biến chất lượng môi trường, xác định kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách của LV sông Nhuệ - sông Đáy.
Để việc triển khai Đề án BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy đạt hiệu quả cao, trước tiên, Bộ TN&MT cần thành lập và sớm đưa Chi cục BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy vào hoạt động; Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015, trong đó có các dự án thuộc LV sông Nhuệ - sông Đáy; Xây dựng ban hành Thông tư quy định hạn ngạch xả nước thải vào các LV sông liên tỉnh; đánh giá sức chịu tải của các nguồn tiếp nhận, phân vùng sử dụng và xác định hạn ngạch xả nước thải vào các nguồn tiếp nhận; phân bổ hạn ngạch xả nước thải; phát triển và quản lý thị trường trao đổi hạn ngạch xả nước thải trên LV sông Nhuệ - sông Đáy.
Các Bộ, ngành Trung ương có liên quan và UBND các tỉnh, TP thuộc LV sông tiếp tục phối hợp với Bộ TN&MT, Ủy ban BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy, để tổ chức và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 18/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Vũ Nhung (Thực hiện)
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015