06/03/2019
Nền nông nghiệp sạch được định nghĩa là một nền nông nghiệp hữu cơ, giảm thiểu thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất… Theo đó, chính sách thuế tại Việt Nam cũng được thiết kế hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, hiện đại, hạn chế các chất vô cơ.
Luật thuế BVMT đã quy định, chất như thuốc diệt cỏ, trừ mối, bảo quản lâm sản khử trùng kho thuộc diện chịu thuế với thuế suất 500 - 2.000 đồng/kg; thuốc trừ mối 1.000 - 3.000 đồng/kg; thuốc bảo quản lâm sản 1.000 - 3.000 đồng/kg; thuốc khử trùng kho 1.000 - 3.000 đồng/kg.
Các lĩnh vực khuyến nông, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản áp dụng công nghệ cao được hưởng thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm. Chính sách thuế Thu nhập doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho lĩnh vực nông nghiệp với việc miễn thuế cho một số loại hình thu nhập, như: Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã; thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn; thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản.
Ngoài ra, thuế suất ưu đãi 10% được áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; nuôi trồng lâm sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất, khai thác và tinh chế muối, trừ sản xuất muối được miễn thuế theo quy định; đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm, bao gồm cả đầu tư để trực tiếp bảo quản hoặc đầu tư để cho thuê bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm. Thuế suất ưu đãi 15% được áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Các sản phẩm trồng trọt cũng được xếp vào đối tượng không chịu thuế Giá trị gia tăng hoặc được áp dụng thuế suất thuế Giá trị gia tăng thấp. Máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và một số dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp tưới, tiêu nước; cày, bừa đất; nạo vét kênh, mương, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp; phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác... cũng thuộc diện không chịu thuế Giá trị gia tăng. Một số dịch vụ nhằm giảm thiểu rủi ro trong ngành nông nghiệp như bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng, các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thủy sản... được miễn thuế Giá trị gia tăng.
Ở Việt Nam còn có một dòng thuế khá đặc biệt là thuế Sử dụng đất nông nghiệp. Từ năm 2003, Quốc hội đã quyết định miễn, giảm thuế này đến năm 2010 nhằm thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, đồng thời hỗ trợ nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2010, Quốc hội tiếp tục kéo dài chính sách trên đến năm 2020.
Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các chính sách pháp luật về thuế đã được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với điều kiện thực tế, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn được hưởng các mức ưu đãi về thuế cao nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, thay đổi cả phương thức sản xuất lẫn cách thức quản lý trong nông nghiệp, thì hệ thống thuế của Việt Nam cần được hoàn thiện hơn nữa để hỗ trợ phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hướng đến nông nghiệp sạch.
Trang trại rau sạch của Tập đoàn TH (Nghĩa Đàn, Nghệ An)
Chính sách thuế của một số nước
Trên thế giới, nhiều nước thiết kế chính sách thuế hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường.
Đơn cử, các chất sử dụng trong nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường như thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt nấm, diệt chuột, phân bón đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và tăng năng suất nông nghiệp nhưng lại gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ con người, bị nhiều nước đưa vào đối tượng chịu Thuế môi trường, thuế Giá trị gia tăng,… nhằm giảm thiểu việc sử dụng, đồng thời tạo ra một nguồn thu được dùng để giảm các tác động đến môi trường.
Thống kê của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính công bố mới đây cho hay, Thụy Điển là quốc gia đầu tiên trên thế giới đã đưa ra thuế đặc biệt về thuốc trừ sâu dựa trên khối lượng bán vào năm 1984, với mức thuế ban đầu là 4 SEK/kg, sau tăng dần đến mức hiện tại là 34 SEK/kg (tương đương 3,64 EUR/kg), chiếm khoảng 20% giá bán. Năm 1996, Đan Mạch đưa ra thuế đối với nhóm thuốc trừ sâu theo tỷ lệ trên giá bán buôn. Thuế suất đối với thuốc trừ sâu là 35%, thuốc trừ cỏ, diệt nấm và chất điều chỉnh tăng trưởng là 25%. Năm 2013, Đan Mạch đưa ra Chiến lược thuốc trừ sâu 2013 - 2015 nhằm ngăn ngừa việc gia tăng sử dụng thuốc trừ sâu, giảm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, thiên nhiên và nước ngầm. Theo đó, thuế được thay đổi sang cách tính theo thuế suất tuyệt đối (50 DKK/kg).
Bên cạnh đó, hầu hết các nước đều đưa ra những chính sách ưu đãi cho công nghệ sinh học được hưởng các ưu đãi. Có thể kể đến như: Miễn giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp (Malaysia, Trung Quốc); giảm nghĩa vụ thuế cho những đối tượng đủ điều kiện (Australia, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Canada, Nhật Bản, Italia…), cho phép khấu trừ bổ sung chi phí dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) với tỷ lệ cao (Trung Quốc, Thái Lan…); giảm thuế Thu nhập cá nhân và các khoản đóng góp an sinh xã hội đối với những cá nhân làm việc trong lĩnh vực công nghệ sinh học (Phần Lan).
Đặc biệt, nhiều nước còn ưu đãi thuế đối với các dự án nông nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Điển hình là Thái Lan, Chính phủ có chương trình thu hút nguồn vốn đầu tư vào các sản phẩm có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, trong đó, những dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp. Một số dự án được miễn thuế Thu nhập doanh nghiệp trong 3 - 5 năm như các dự án nuôi trồng thực vật và động vật có hoạt động nghiên cứu và phát triển, nhân giống vật nuôi với điều kiện sử dụng công nghệ hiện đại.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ngoài các ưu đãi thuế hiện nay, Việt Nam có thể tham khảo các chính sách thuế khác như giảm nghĩa vụ thuế cho những đối tượng đủ điều kiện; cho phép khấu trừ bổ sung chi phí dành cho nghiên cứu và phát triển với tỷ lệ cao; giảm thuế Thu nhập cá nhân và các khoản đóng góp an sinh xã hội đối với các cá nhân làm việc trong lĩnh vực công nghệ sinh học…
Thu Hằng (Nguồn Hải quan Online)