16/03/2020
Ảnh hưởng của việc khai thác nước dưới đất dần hiện hữu trên địa bàn huyện Nhơn Trạch
Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên & Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 huyện đang khai thác nước ngầm vượt ngưỡng an toàn gồm: Biên Hòa, Long Khánh, Long Thành và Nhơn Trạch. Trong đó, Nhơn Trạch là địa phương có hoạt động khai thác nước ngầm báo động nhất với tổng lưu lượng khai thác khoảng 103.000 m3/ngày (trong khi đó lưu lượng khai thác an toàn của huyện Nhơn Trạch 14.000 m3/ngày), vượt ngưỡng khai thác an toàn của toàn huyện 7,35 lần.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vào mùa khô, lưu lượng và chất lượng nước ngầm tại huyện Nhơn Trạch ngày càng sụt giảm mạnh. Theo kết quả xét nghiệm số 336/KQ-KSBT ngày 25/2/2020 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - Sở Y tế tỉnh Đồng Nai về mẫu nước thô tại một số nơi KCN Nhơn Trạch cho thấy, chất lượng nước không đảm bảo cho việc sử dụng ăn uống, sinh hoạt vì độ pH=3,59 (có tính axit) là quá thấp so với tiêu chuẩn cho phép, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Ngoài ra, một số thông số khác trong nước cũng không đảm bảo là Clorua, hàm lượng Sulfate, Mangan...
Khảo sát tại khu vực xã Hiệp Phước (Nhơn Trạch), ông Nguyễn Thanh Toàn, người dân tại ấp 5 cho hay: Giếng nước của gia đình ông cùng hầu hết các giếng của hộ gia đình khác tại khu vực ấp 4, ấp 5 đều có hiện tượng nước giếng bị đóng váng và có mùi hôi, tanh rất khó chịu, không thể sử dụng được. Hiện nay, mặc dù khu vực này đã được sử dụng nước máy, tuy nhiên do e ngại về chi phí nên gia đình ông chỉ sử dụng nước máy cho việc ăn uống, tắm giặt.
Theo văn bản số 7814/STNMT-TNN, KS& BĐKH ngày 15/11/2019 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai ban hành có nêu, căn cứ Quyết định số 3081/QĐ-UBND ngày 30/08/2018 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc kết quả và kinh phí thực hiện dự án “Điều tra, đánh giá xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” cho thấy, xã Hiệp Phước thuộc vùng có lượng khai thác vượt trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất. Một phần xã Long Tân với xã Hiệp Phước là vùng có nước dưới đất bị nhiễm mặn. Điều đáng nói là khu vực này trước đây chưa bao giờ từng bị nhiễm mặn.
Khai thác nước ngầm tại các khu vực sản xuất tập trung với quy mô lớn - 2 Khu công nghiệp, một doanh nghiệp cấp nước đã chấp hành ngưng khai thác nước ngầm nhưng vẫn còn đó 2 khu công nghiệp vẫn sử dụng nước ngầm để sản xuất, kinh doanh. |
Trạm xử lý nước sạch của Công ty CP Cấp nước Nhơn Trạch đã ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh
Nghiêm trọng hơn nữa, trước tình trạng đẩy mặn kém trên sông Đồng Môn thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch đã xuất hiện tình trạng sụt lún, xâm nhập mặn tại một số nơi do nguồn nước dưới đất bị suy giảm mạnh, cụ thể là tại khu vực xã Long Tân tiếp giáp với xã Hiệp Phước - khu vực đang có tình trạng khai thác nước ngầm báo động.
Hạn chế khai thác nước dưới đất địa bàn huyện Nhơn Trạch - Chỗ làm, chỗ không
Nhơn Trạch là địa phương hoạt động công nghiệp náo nhiệt nhất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với 9 khu công nghiệp hoạt động. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh nhằm hạn chế khai thác, bảo vệ nguồn nước dưới đất, từ năm 2018, toàn bộ các giếng khoan của các doanh nghiệp buộc phải ngưng khai thác để sử dụng nguồn nước mặt từ hệ thống cấp nước tập trung của địa phương, không có trường hợp doanh nghiệp tiếp tục khai thác khi khu vực đã có hệ thống khai thác nước tập trung đến tận cửa.
Đối với các doanh nghiệp, ảnh hưởng từ việc dừng khai thác nước ngầm để thay thế bằng nguồn nước mặt từ hệ thống cấp nước sẵn có đối với sản xuất kinh doanh là không hề nhỏ. Tuy nhiên dưới dự nhất quán trong chủ trương và sự vận động của các cấp lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp dần ý thức được trách nhiệm, vai trò của mình trong việc bảo vệ môi trường nước dưới đất, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngoài các đơn vị sản xuất các mặt hàng công nghiệp thông thường, có thể kể đến các trường hợp: Công ty CP Cấp nước Nhơn Trạch, Công ty CP Vinatex-Tân Tạo - Là các đơn vị đầu mối cung cấp nước sạch cho hàng trăm doanh nghiệp trong khu vực quản lý nhưng các đơn vị này đã chủ động ngưng khai thác nước ngầm theo các giấy phép được cấp sang sử dụng nước cấp từ hệ thống cấp nước bằng nguồn nước mặt tập trung.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp chấp hành như trên thì hiện nay trên địa bàn huyện Nhơn Trạch vẫn còn 2 khu công nghiệp đang sử dụng nước ngầm để sản xuất, cụ thể là KCN Nhơn Trạch 1 và KCN Nhơn Trạch 5. Đơn vị đang khai thác nước ngầm với số lượng lớn để cung cấp cho 2 khu công nghiệp trên là Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và KCN IDICO (doanh nghiệp đầu tư hạ tầng 2 KCN) theo các giấy phép khai thác được Bộ TN&MT cấp có thời hạn đến ngày 20/7/2020 và ngày 10/2/2021, lưu lượng lên tới 33.500m3/ngày đêm (trong đó lưu lượng khai thác an toàn của huyện Nhơn Trạch 14.000m3/ngày) vượt ngưỡng khai thác an toàn của toàn huyện Nhơn Trạch khoảng 2,4 lần.
Tại Nhơn Trạch, khu vực KCN Nhơn Trạch 1 và KCN Nhơn Trạch 5 và một số khu vực khác của huyện Nhơn Trạch được tỉnh xác định là vùng hạn chế khai thác nước dưới đất (Theo Quyết định số 884/QĐ-UBND ngày 8/3/2018 của UBND tỉnh). Vì thế, ngày 27/3/2018, UBND tỉnh đã có văn bản số 2884/UBND-CNN đã gửi đến Bộ TN&MT đề nghị xem xét, điều chỉnh rút ngắn thời hạn các giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ. Trong đó, UBND tỉnh đề nghị rút ngắn thời gian khai thác nước ngầm của Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và KCN IDICO đến cuối năm 2018.
Về vấn đề này, ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh giữ vững quan điểm của địa phương: “Những đơn vị do UBND tỉnh cấp phép đã chấp hành đúng quy định của tỉnh. Vì vậy các đơn vị do Trung ương cấp phép, tỉnh sẽ tiếp tục đề xuất không cấp phép khai thác nước ngầm khi có nước sạch cung cấp đến nơi”.
Vận động người dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung còn khó khăn
Theo ông Ngô Dương Đại - Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Nhơn Trạch, trên địa bàn huyện có hơn 37.000 giếng khoan, chủ yếu do người dân tự khai thác và sử dụng. Nắm bắt về tình trạng suy giảm chất lượng nước, vừa qua Công ty đã đầu tư mạng lưới phân phối nước sạch tới từng hộ dân, miễn chi phí lắp đặt 4m ống nhánh và đồng hồ nước cho khách hàng dân cư, tuy nhiên sau thời gian triển khai, từ hơn 11.000 đồng hồ được lặp đặt ban đầu, đến nay Công ty phải ngưng cung cấp gần 1.000 hộ dân do người dân không sử dụng một m3 nước nào trong suốt ba tháng liên tục. Theo ông Đại, nguyên nhân chính là do thói quen sử dụng nước giếng khoan của người dân và hiện nay chưa có khuyến nghị chính thức nào về chất lượng nước ngầm tại khu vực để người dân hiểu được tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch cho sinh hoạt đối với sức khỏe.
Hạn chế khai thác nước dưới đất, bài toán khó cần sự ra tay quyết liệt từ các nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương
Hiện nay, việc hạn chế khai thác nước dưới đất đã được cụ thể hóa bằng các quy định tại Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ. Theo nghị định này, nguồn nước dưới đất được ưu tiên hàng đầu cho mục đích sinh hoạt của người dân, nhất là các khu vực chưa có hệ thống cấp nước; việc bảo vệ nguồn nước dưới đất, triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm đảm bảo về trữ lượng, chất lượng nguồn nước, an toàn cho sức khỏe của người dân cần được các cơ quan quản lý ưu tiên, đặt lên hàng đầu.
Như vậy, để nâng cao hiệu lực của các quy định pháp luật về tài nguyên nước, đưa các quy định đi vào thực tiễn, đảm bảo tính hài hòa, công bằng giữa các doanh nghiệp cùng hoạt động trên địa bàn tỉnh cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong việc cấp phép, gia hạn, điều chỉnh thậm chí là thu hồi các giấy phép khai thác nước dưới đất.
Theo ông Ngô Dương Đại - Giám đốc Công ty CP Cấp nước Nhơn Trạch: Hiện nay, hệ thống cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt của các đơn vị cấp nước trên địa bàn huyện gần như đã phủ kín, đảm bảo nguồn cung cấp cho sự phát triển của các KCN và các khu dân cư trên địa bàn huyện với tầm nhìn đến 2030, lưu lượng cấp nước hiện tại tại khu vực khoảng 160.000 m3/ngày, vượt xa nhu cầu sử dụng nước hiện tại của địa phương. |
Sơn Tùng