06/08/2018
Đó là thông điệp đã được Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) Naoko Ishii đưa ra tại Kỳ họp Đại Hội đồng GEF lần thứ 6 (GEF6) và các sự kiện liên quan từ ngày 23 - 29/6/2018 tại TP. Đà Nẵng. Bên lề Kỳ họp, Tạp chí Môi trường đã có cuộc phỏng vấn bà Naoko về làm rõ nội hàm của nền kinh tế tuần hoàn, cũng như các khuyến nghị dành cho Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức về môi trường trong thời gian tới.
Bà Naoko Ishii - Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành GEF
PV: Bà đánh giá thế nào về Kỳ họp GEF6 được tổ chức tại Việt Nam? Theo bà, kết quả lớn nhất của Kỳ họp là gì?
Bà Naoko Ishii: Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, TP. Đà Nẵng và các cơ quan liên quan về sự đón tiếp chu đáo, cũng như hợp tác tích cực với Ban Thư ký GEF để tổ chức Kỳ họp thành công. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Phiên khai mạc và truyền cảm hứng đến tất cả chúng tôi với nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH) trên phạm vi toàn cầu. Thông điệp mà Thủ tướng đưa ra rất rõ ràng, khẳng định Chính phủ Việt Nam ‘‘Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững’’. Đặc biệt, Thủ tướng đã cam kết, Việt Nam sẽ là quốc gia đi đầu trong việc quản lý rác thải nhựa - một vấn đề đang rất nóng hiện nay.
Tọa đàm “Nền kinh tế tuần hoàn” trong khuôn khổ Kỳ họp GEF6
Kỳ họp Đại Hội đồng lần này diễn ra vào một thời điểm quan trọng, quyết định cho tương lai của Trái đất và nhân loại. Đây là cơ hội để xác định các giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề môi trường ưu tiên như ô nhiễm nhựa trên các đại dương và phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Kỳ họp đánh dấu sự kết thúc chu kỳ 4 năm của GEF6 và mở ra một thời kỳ mới cho chu kỳ GEF7. Tại các phiên họp, hội nghị bàn tròn trong khuôn khổ Kỳ họp đã có nhiều ý tưởng hay, hoặc bài học kinh nghiệm thành công của các quốc gia, tổ chức, khối tư nhân được các đại biểu thảo luận sôi nổi. Những ý tưởng đó sẽ giúp ích cho việc thực hiện GEF7 trong thời gian tới. Để bắt đầu cho chu kỳ tiếp theo, chúng ta cần phải đa dạng hóa trong thiết lập quan hệ đối tác giữa các Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp tư nhân, nhà nghiên cứu… nhằm xây dựng một liên minh lớn mạnh thực hiện mục tiêu chung là giải quyết các vấn đề môi trường mang tính toàn cầu và phức tạp hiện nay. Hãy nhớ rằng “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nhưng nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”.
PV: Thông điệp quan trọng được đưa ra tại GEF6 là gì, thưa bà?
Bà Naoko Ishii: Thông điệp quan trọng mà GEF muốn gửi đến các nước thông qua GEF6 là phải chuyển đổi từ nền kinh tế thông thường (là nền kinh tế chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, các nguồn năng lượng hóa thạch, phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững) sang nền kinh tế tuần hoàn. Thông điệp đó dựa trên các nghiên cứu khoa học trên thế giới, trong đó có một số nghiên cứu đã được trình bày tại Kỳ họp này. Theo các nghiên cứu, hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm, năng lượng, phát triển đô thị, các nhà máy nhiệt điện… đang tạo sức ép lớn đối với Trái đất. Chúng ta cần phải thay đổi cách thức phát triển, tiêu dùng, sinh hoạt để giảm thiểu những áp lực lên môi trường để tạo dựng một môi trường bền vững hơn cho các thế hệ tương lai. Những vấn đề trên đã được GEF và đại diện của 183 quốc gia thành viên trao đổi, thảo luận và thống nhất trong những ngày diễn ra Kỳ họp GEF6.
PV: Như vậy, để giải quyết những thách thức toàn cầu hiện nay, cần phải thực hiện nền kinh tế tuần hoàn? Bà có khuyến nghị gì đối với Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững?
Bà Naoko Ishii: Nền kinh tế tuần hoàn có thể hiểu là chất thải của ngành này sẽ trở thành nguyên liệu của ngành khác. Thực hiện chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn sẽ đem lại lợi ích môi trường toàn cầu, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường và phát triển công nghiệp xanh. Đây là lý do để GEF7 cung cấp các chương trình sáng tạo hỗ trợ các quốc gia chuyển đổi hệ thống sản xuất lương thực, thực phẩm, sử dụng đất, giảm thiểu ô nhiễm ở các thành phố. Các chương trình của GEF7 sẽ giúp các quốc gia bảo vệ nguồn tài nguyên, quần xã sinh học và đại dương thông qua những cơ chế tài chính của GEF.
Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình phát triển, thúc đẩy sự tham gia của các lĩnh vực kinh tế và khai thác thế mạnh của các nhóm cộng đồng. Việt Nam, cũng như các nước phát triển khác đang phải đối mặt với các thách thức về môi trường như suy thoái rừng, ô nhiễm nguồn nước, gia tăng rác thải trên đại dương... và Việt Nam đang đi đầu trong việc giải quyết những thách thức đó. Kỳ họp lần này là diễn đàn để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, cũng như tìm kiếm giải pháp phù hợp. Thời gian tới, GEF sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ để giúp Việt Nam thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
PV: Xin cảm ơn bà!
Hương Trần (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2018)
Bà Naoko Ishii chính thức đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GEF từ tháng 8/2012. Nhận thấy những nỗ lực và quyết tâm giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu của bà Naoko Ishii, tháng 10/2015, Hội đồng GEF đã nhất trí gia hạn nhiệm kỳ thứ hai đến tháng 8/2020 đối với bà Naoko Ishii. Khi được bầu làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GEF nhiệm kỳ thứ nhất, bà Naoko Ishii đang là Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản. Trước đó, bà đã giữ nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan, tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Viện Phát triển Quốc tế Harvard... Với những thành công trong sự nghiệp, bà Naoko Ishii đã đạt được một số giải thưởng danh giá trong nước, cũng như thế giới: Suntory (1990), Okita Memorial (2004) cho nghiên cứu phát triển quốc tế; giải thưởng Tưởng niệm Enjoji Jiro (2006). |