Banner trang chủ

Cần chú trọng sàng lọc dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

14/06/2019

    Nguy cơ làn sóng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam là sẽ có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc mang công nghệ thấp, hay còn gọi là công nghệ thải loại vào là có thật. Một khảo sát gần 230 công ty Mỹ tại Trung Quốc của Bloomberg mới đây cho thấy, có khoảng 20% số này cho biết đang tính chuyện chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để ứng phó với căng thẳng thương mại, 30% công ty trì hoãn hoặc hủy các quyết định đầu tư.

 

 

   Theo dõi các động thái của nhà đầu tư trong nửa năm qua, chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh (Đại học Kinh tế TP.HCM), cho rằng vấn đề nhà đầu tư sẽ đi đâu, chọn “bến đỗ” nào là câu hỏi lớn. Đã làm việc với nhiều tập đoàn đa quốc gia, ông Vũ Quốc Chinh nhận thấy, nhà đầu tư luôn mong muốn tìm đến những thị trường đáp ứng được nhu cầu gia công quy mô lớn, phục vụ những đơn hàng lớn.

    Việt Nam nguy cơ bị "vạ lây" từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Thế nên, thị trường nào có ưu thế về nguồn nhân lực thì họ sẽ chọn. Thứ hai, với các tập đoàn công nghệ, họ cần lực lượng nhân công lành nghề, có kiến thức kỹ năng và kể cả tư duy công nghiệp. “Do vậy, quốc gia nào có nền tảng tri thức tốt, đặc biệt có giới công nhân hiện đại, có tư duy tác phong công nghiệp sẽ thu hút được những ông lớn công nghệ. Với tiêu chí này, tôi sợ là Việt Nam cạnh tranh khá vất vả với một số nước lân cận như Ấn Độ và Inđônêxia, nơi nguồn nhân lực có tay nghề dồi dào”, ông Chinh nói.

   Theo phân tích của một số chuyên gia, Việt Nam nếu không thay đổi đẩy mạnh phát triển hạ tầng, cơ cấu thu hút đầu tư, vẫn giữ thế mạnh là gia công trong các lĩnh vực may mặc, giày dép thì giá trị gia tăng rất thấp. So với đầu tư công nghệ, đơn giá gia công với các ngành này thấp hơn nhiều bởi đòi hỏi nguồn nhân công không cần kiến thức công nghệ cao, tay nghề đào tạo bài bản...

   PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, hiện tại Đại học FPT làm khá tốt mảng đào tạo nhân lực có tay nghề và kiến thức có thể làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Đây là nền tảng quan trọng để thu hút các dự án công nghệ về Việt Nam. Tuy nhiên, với chuyên gia Vũ Quốc Chinh, nếu cứ nuôi giấc mơ thành công xưởng gia công, các dự án công nghệ cao sẽ “khó đến tay Việt Nam”.

    Trung Quốc để có các đặc khu kinh tế như Thượng Hải, Thâm Quyến, họ chuẩn bị hạ tầng cơ sở tầm nhìn 20 - 50 năm, trong khi Việt Nam hạ tầng cơ sở còn manh mún và không đồng đều. Vì vậy, nguy cơ làn sóng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam là sẽ có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc mang công nghệ thấp, còn gọi là công nghệ thải loại vào là có thật. Những mảng đầu tư Trung Quốc đang “thoái lui” gây ảnh hưởng môi trường, nếu không cảnh giác có thể tràn vào Việt Nam.

    “Đặc biệt là nguy cơ “rửa” xuất xứ để xuất hàng đi Mỹ”, ông Chinh cảnh báo và cho rằng, các ngành nghề dệt nhuộm, gang thép, hóa chất sẽ bị cấm không phát triển nữa tại Trung Quốc từ năm 2020. Như vậy, muốn thoái lui khỏi nền kinh tế Trung Quốc, ngay từ bây giờ nhà đầu tư phải tìm bến đỗ mới. “Nếu Việt Nam hứng những công nghệ gây ô nhiễm môi trường này, trách nhiệm thuộc về các nhà quản lý, những người bắt buộc phải chú trọng công tác sàng lọc dự án ngay lúc này”, ông Chinh nhấn mạnh.

 

Lê Kha (Theo Thanh niên)

Ý kiến của bạn