Banner trang chủ

Cần có sự kết nối của nhà khoa học và doanh nghiệp trong việc nghiên cứu và ứng dụng

31/01/2020

     Nhân dịp Lễ trao Giải thưởng L’Oréal - UNESCO “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” cho 3 nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2019, Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Quan hệ Đối ngoại - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, là 1 trong 3 nhà khoa học trẻ xuất sắc được vinh danh.

     PV: Xin chúc mừng PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân được vinh danh là 1 trong  3 nhà khoa học trẻ xuất sắc “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” năm 2019. Giải thưởng có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và giảng dạy mà chị đang theo đuổi?

     PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân: Đối với tôi, giải thưởng này là một vinh dự rất lớn cho bản thân, gia đình và đơn vị công tác, đồng thời sự ghi nhận, động viên cho người nghiên cứu đang theo đuổi con đường này. Giải thưởng cũng là nguồn hỗ trợ quý báu để tôi có điều kiện tiếp tục nghiên cứu sâu các dự án mang tính cấp thiết để đóng góp cho xã hội, cũng như phát triển tiềm lực nhóm nghiên cứu đào tạo mô hình NCKH cho các bạn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh.

 

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Quan hệ Đối ngoại - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM

 

     PVChị cho biết đôi nét về đề tài nghiên cứu mà chị thực hiện được Hội đồng bình chọn, trao giải?

     PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân: Đề án nghiên cứu tổng hợp xúc tác nano hợp kim Pt-Mo trên vật liệu nano Ti0,8W0,2O2 để nâng cao khả năng chịu đầu độc CO và giảm giá thành cho loại pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp methanol là một dạng năng lượng tái tạo. Hướng nghiên cứu này sẽ mang đến lợi ích thiết thực trong việc sử dụng rộng rãi pin nhiên liệu, để thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch và giảm sự nóng lên toàn cầu do khí thải CO2. Pin nhiên liệu methanol trực tiếp (DMFC) là một trong những thiết bị chuyển đổi năng lượng điện hóa tiềm năng nhất do mật độ năng lượng cao, dễ sử dụng, thân thiện môi trường và nhiệt độ hoạt động thấp. Tuy nhiên, việc thương mại hóa loại pin nhiên liệu này bị cản trở bởi nhiều yếu tố như chi phí cao, trữ lượng thấp, tính không ổn định của chất xúc tác Pt, khả năng dễ bị đầu độc bởi các chất trung gian như CO hoặc CHO.

 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Ban Tổ chức trao giải “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học”cho 03 nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam 2019

 

     Đề án nghiên cứu cũng sẽ giúp giải quyết việc giảm sử dụng kim loại quý Pt, đồng thời cải thiện hiệu suất của hợp kim so với Pt nguyên chất, nhờ đó nâng cao hoạt tính và thời gian hoạt động của xúc tác điện hóa Pt, mang đến hiệu quả về chi phí, hoạt động và độ bền cao để có thể thương mại hóa được loại pin nhiên liệu thân thiện với môi trường này trong thời gian không xa.

     PV: Có ý kiến cho rằng, làm khoa học đã khó, phụ nữ làm khoa học còn khó khăn hơn, khó khăn nhất là việc xin tài trợ cho các đề tài do giới nữ thực hiện. Theo chị thuận lợi và khó khăn trong việc thúc đẩy phát triển các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học hiện nay là gì?

     PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân: Khó khăn lớn nhất có lẽ do điều kiện và môi trường nghiên cứu ở Việt Nam còn nhiều khó khăn cả về kinh phí thực hiện các dự án và các điều kiện trang thiết bị cho các nghiên cứu mới. Để có thể thúc đẩy việc phát triển các công trình mới, người nghiên cứu phải thật sự tâm huyết, tăng cường hợp tác xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, hợp tác với doanh nghiệp trong nước và các đối tác nước ngoài để tạo thúc đẩy các nghiên cứu mang tính ứng dụng cao. Việc xây dựng một mô hình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh hỗ trợ đào tạo và hướng dẫn sinh viên, thạc sỹ, nghiên cứu sinh… giúp họ có điều kiện tốt nhất để phát triển, thúc đẩy nghiên cứu.

     PV: Hiện nay rất nhiều vấn đề môi trường được dư luận xã hội quan tâm như tình trạng ô nhiễm không khí, rác thải sinh hoạt, biến đổi khí hậu (BĐKH)… Là người công tác trong lĩnh vực TN&MT, chị có ý tưởng gì về vấn đề nghiên cứu khoa học, ứng dụng trong công tác BVMT, chống BĐKH trong thời gian tới?

     PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân: Các vấn đề về môi trường cần được quan tâm là ý tưởng như: Quản lý chất thải rắn băng mô hình phân loại tại nguồn triệt để và cần có các giải pháp xử lý tái chế tái sử dụng hiệu quả khả thi phù hợp với điều kiện Việt Nam; Đánh giá được thực trạng ô nhiễm không khí và có giải pháp quản lý chất lượng không khí hiệu quả cũng như các giải pháp PTBV lâu dài BVMT không khí; Phát triển nguồn năng lượng tái tạo cũng như tiết kiệm năng lượng để thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH; Phát triển các vật liệu mới, vật liệu xanh thân thiện với môi trường hướng đến PTBV.

     PV: Theo chị, cần những chính sách gì gắn kết những thành quả nghiên cứu với ứng dụng thực tiễn trong các doanh nghiệp?

     PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân: Cần có sự kết nối của nhà khoa học và doanh nghiệp nhiều hơn nữa, ví dụ như doanh nghiệp có thể đầu tư một khoản kinh phí dành cho NCKH để các sinh viên, nhà khoa học tham gia đề tài mang tính ứng dụng cao, từ đó hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, thay đổi công nghệ. Đồng thời, khi doanh nghiệp có nhu cầu đặt hàng đề tài, giải pháp công nghệ… cần thông tin đến các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu để hai bên cùng hỗ trợ nhau, tạo sự gắn kết cao trong việc nghiên cứu và ứng dụng.

     PV: Câu chuyện thành công của chị đã truyền cảm hứng cho bạn bè đồng nghiệp trẻ và sinh viên tại trường Đại học TN&MT TP.HCM trongNCKH. Vậy để có thể theo đuổi và gắn bó với con đường NCKH, theo điều gì là quan trọng nhất?

     PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân: Theo tôi, điều quan trọng nhất có lẽ là niềm đam mê, nhiệt huyết và luôn hết sức mình trong công việc. Việc đặt mục tiêu khi chọn lựa thực hiện điều gì cũng phải có ý nghĩa thiết thực, đóng góp cho cộng đồng xã hội cũng như các thế hệ trẻ.

     Ngoài ra, để đạt được thành công trong nghiên cứu khoa học cần hội tụ đủ những yếu tố: Nền tảng kiến thức tốt; Sự đam mê tìm tòi cái mới; Khả năng học hỏi cao, làm việc nhóm tốt. Ngoài ra, cần có suy nghĩ mạnh dạn, tư duy để thay đổi, nhằm đem đến điều tốt đẹp cho xã hội theo hướng “Khoa học làm thay đổi cả thế giới”.

     PV: Trân trọng cảm ơn chị!

 

Nam Hưng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2020)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn