25/08/2016
Sông Ông Đốc là tên một con sông tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Sông dài 58 km, đổ ra vịnh Thái Lan, hai bên sông có nhiều rạch (Cái Tàu, Giếng, Cui...). Cửa biển sông Ông Đốc là một trong những cửa biển lớn nhất miền Tây Nam bộ, mỗi ngày nơi đây có hơn 1.300 phương tiện khai thác thủy sản trong và ngoài tỉnh hoạt động. Bên cạnh đó, trên địa bàn thị trấn Sông Ðốc có hơn 110 xí nghiệp chế biến thủy hải sản, gần 1.700 cơ sở kinh doanh, dịch vụ và hơn 33.000 người dân sinh sống.
Sông Ông Đốc - Cà Mau
Theo kế hoạch, Sông Đốc sẽ được nâng cấp thành thị xã trong tương lai gần, một trung tâm kinh tế biển tiềm năng của tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất của địa phương là hạ tầng, rác thải và nước thải phát sinh tại các cơ sơ chế biến thủy sản. Đây là vấn đề nan giải nhất gắn liền với sự hình thành và phát triển của Sông Đốc.
Thị trấn có tới 5 chợ, nhưng tất cả đều tự phát chứ không theo quy hoạch. Nằm sát mé biển nhưng gần như quanh năm không lúc nào Sông Đốc có đoạn đường khô ráo. Những vũng nước đóng váng do triều cường tràn lên hòa vào nước cống rãnh hôi thối.
Cầu Rạch Ruộng nối con đường bộ độc đạo vào thị trấn nhỏ và hẹp chỉ đủ cho 2 xe gắn máy qua mặt nhau. Con đường vào trung tâm thị trấn phải đi qua chợ, uốn lượn gấp khúc. Qua một cơn mưa, nước bốc mùi cống rãnh nồng nặc. Môi trường ô nhiễm là một sự thật mặc nhiên được chấp nhận.
Rác thải phát sinh trên địa bàn khá lớn, tuy nhiên vẫn chưa được thu gom triệt để, nhiều hộ dân ở đây vứt rác trực tiếp xuống sông khiến rác trôi dạt theo thủy triều sẽ rất khó khăn trong việc vớt sạch được rác và tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nước. Bên cạnh đó, trên địa bàn thị trấn chưa có nơi xử lý rác thải mà chỉ có nơi tập kết rác thải tạm thời để trung chuyển về Cà Mau xử lý. Rác thải được tập kết về đây cũng đang là nỗi bức xúc cho người dân, vì mùi hôi khó chịu. Nhiều hộ dân đã xả nước ra đường với mong muốn cải thiện tình hình, do đó rác theo nước chảy ra cửa biển khiến mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Rác thải bên bờ sông Ông Đốc
Hiện có nhiều nhà máy chế biến thủy sản hoạt động trên địa bàn không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng xử lý không hiệu quả, làm cho mức độ ô nhiễm các dòng sông ngày càng trầm trọng.
Theo Báo cáo của thị trấn Sông Ðốc, đến nay sản lượng nuôi trồng thủy sản các năm gần đây giảm liên tục do dịch bệnh thường xuyên xảy ra, diện tích trồng lúa trên đất nuôi tôm ở một số khóm cũng vì ô nhiễm môi trường nên đạt hiệu quả thấp so với cùng kỳ mọi năm.
Tại địa phương, cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình trạng trên như: nạo vét hai cửa biển Sông Đốc và Khánh Hội nhằm khai thông dòng chảy; Thành lập lại hợp tác xã thu gom rác của thị trấn để hoạt động hiệu quả hơn; tiến hành rà soát, lập kế hoạch thu gom mở rộng ở phía bờ Nam; siết chặt công tác quản lý, kiểm tra các nhà máy, doanh nghiệp đã cam kết bảo vệ môi trường; quy định tàu khai thác thủy sản không được vứt rác thải xuống sông; vận động, tuyên truyền nâng ý thức nâng cao ý thức người dân.
Tuy nhiên, đến nay hiện trạng chất lượng môi trường tại khu vực sông Ông Đốc vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý địa phương cần quan tâm, giám sát và theo dõi chặt chẽ hơn để khắc phục thực trạng ô nhiễm môi trường và có kế hoạch quản lý bảo vệ môi trường.
Đinh Hương