22/05/2017
Mặc dù các quy hoạch phát triển ở bán đảo Sơn Trà đều định hướng phát triển bền vững, song thực trạng xây dựng trái phép và bùng nổ các hoạt động du lịch tại khu vực này đang có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái Sơn Trà cũng như đe dọa nghiêm trọng sinh cảnh của loài voọc chà vá chân nâu vốn được coi là biểu tượng của TP. Đà Nẵng. Theo Chuyên gia Linh trưởng Vũ Ngọc Thành, Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN kiêm Giám đốc Quỹ Bảo tồn voọc vá tại Việt Nam, voọc chà vá chân nâu sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất lớn nếu Sơn Trà ưu tiên và đẩy mạnh phát triển du lịch đại trà trong thời gian tới. Sau đây là chia sẻ quan điểm của ông về vấn đề này.
PV: Là một trong những chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về loài voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà, xin ông cho biết sinh cảnh Sơn Trà có ý nghĩa như thế nào đối với việc duy trì và bảo tồn voọc chà vá chân nâu?
Ông Vũ Ngọc Thành: Đây là sinh cảnh rất đặc biệt, là nơi chuyển giao giữa hai hệ thực vật á nhiệt đới ở phía Bắc Hải Vân và nhiệt đới ở Nam Hải Vân, do đó, hệ thực vật nói chung và cây làm thức ăn cho voọc chà vá chân nâu nói riêng rất đa dạng. Qua 10 năm nghiên cứu về sinh thái thức ăn của loài voọc chà vá chân nâu tại Sơn Trà, nhóm cán bộ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên với sự giúp đỡ của Quỹ Bảo tồn voọc vá đã phát hiện ra voọc chà vá chân nâu sử dụng tới 250 bộ phận cây của khoảng 200 loài thực vật tại Sơn Trà. Chính sự đặc trưng về các yếu tố vi lượng phong phú trong thức ăn của voọc tại đây dẫn đến voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà có màu sắc riêng mà không nơi nào có được. Đây cũng là lý do giúp chúng soán ngôi “nữ hoàng linh trưởng” và trở thành linh vật của không chỉ Sơn Trà mà cả Đà Nẵng.
Voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà
Không chỉ đặc biệt về sinh cảnh, khí hậu, Sơn Trà còn là nơi duy nhất trên thế giới có thể quan sát được voọc, đặc biệt quần thể voọc chà vá chân nâu - quần thể lớn nhất thế giới và loài này chỉ phân bố ở Việt Nam, Lào, Campuchia.
PV: Ông nghĩ sao về số phận của loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm này nếu Sơn Trà quy hoạch phát triển du lịch theo hướng như hiện nay?
Ông Vũ Ngọc Thành: Vùng ăn của voọc chà vá chân nâu phần lớn nằm ở độ cao dưới 200 m, nơi mà TP. Đà Nẵng đang quy hoạch xây dựng các biệt thự, khách sạn, khu nghỉ dưỡng… do đó, việc bê tông hóa chắc chắn sẽ làm mất nguồn thức ăn chủ yếu của voọc, buộc chúng phải co cụm về những khoảnh rừng còn lại và hệ quả là voọc vừa dễ bị săn bắt, vừa dễ sinh hiện tượng giao phối gần. Đà Nẵng nên cân nhắc kỹ vì nếu ưu tiên phát triển du lịch đại trà hoặc thiếu kiểm soát thì voọc chà vá chân nâu sẽ sớm bị tuyệt chủng.
Trên thực tế, diện tích rừng ở Sơn Trà đã bị thu hẹp đáng kể sau hàng loạt các quyết định quy hoạch và chuyển đổi rừng. Hiện Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà chỉ còn dưới 2.500 ha so với 4.439 ha thời kỳ đầu, đặc biệt, có tới gần 30% trong tổng số diện tích hiện tại đã được cấp phép xây dựng các khu nghỉ dưỡng, biệt thự, khách sạn… Đây thực sự là sức ép rất lớn đối với công tác bảo tồn voọc cũng như đa dạng sinh học ở Sơn Trà hiện nay.
PV: Theo ông, Sơn Trà cần làm gì để bảo tồn và phát triển quần thể voọc đặc hữu?
Ông Vũ Ngọc Thành: Trước tiên, cần rà soát lại toàn bộ các quy hoạch liên quan đến bán đảo Sơn Trà đã được phê duyệt, đồng thời, đánh giá lại tác động môi trường của các dự án xây dựng, du lịch một cách khoa học với sự tham gia của các chuyên gia có chuyên môn, trách nhiệm với việc bảo vệ đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, cần xử lý các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật, bảo vệ rừng, nhằm răn đe kịp thời. Đặc biệt, cần tăng cường, bổ sung nhân sự cho lực lượng kiểm lâm địa phương (hiện Hạt Kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn có 14 cán bộ nhưng chỉ có 2 cán bộ có khả năng đi tuần tra, trong đó một người là cán bộ hợp đồng, những người còn lại là cán bộ lãnh đạo phụ nữ hoặc đã có tuổi, chờ nghỉ hưu). Về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ rừng, cần có cơ chế kiểm soát người ra vào Khu bảo tồn thiên nhiên. Hiện Sơn Trà là khu bảo tồn duy nhất ở Việt Nam mà ai muốn ra vào cũng không bị kiểm soát.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Huy Hoàng (Theo thiennhien.net)