03/06/2019
Nhiều cảnh quan thiên nhiên, thắng cảnh nổi tiếng của đất nước đang ngày một mất đi nét đẹp hoang sơ vốn có của nó và thay vào bằng những công trình làm nhân tạo hóa những vẻ đẹp này.
Vừa qua, vấn đề vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đang bị bê tông hóa, đổ cát lấn biển để làm hàng loạt các công trình du lịch trái phép bởi các doanh nghiệp mà chưa thấy sự can thiệp từ cơ quan chức năng đang khiến cho dư luận hết sức lo lắng.
Cụ thể, ngày 23/5, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết đã vừa có công văn yêu cầu Ban quản lý vịnh Hạ Long tạm dừng thi công hai công trình xây dựng tại hang Tiên Ông và động Mê Cung. Được biết hai dự án này nằm trong quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long, dù đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, nhưng chưa có đánh giá tác động môi trường mà vẫn được chủ dự án cho tiến hành.
Vịnh Hạ Long bị bê tông gặm nhấm
Ngoài hai dự án trên, tại vùng lõi di sản vịnh Hạ Long hiện còn rất nhiều công trình xây dựng trái phép, như công trình kè đầm và một số hạng mục phụ trợ tại hang Hanh, công trình kè đầm phía sau đảo Đầu Gỗ hay tại hòn Vụng Ba Cửa, Vụng Ong, Vụng Hà… Hàng chục công trình đang được tiến hành thi công rầm rộ cùng với đủ các loại máy móc cơ giới, khiến cho cảnh quan thiên nhiên hoang sơ của vịnh Hạ Long từng ngày bị phá vỡ dần đi.
Tình trạng “bê tông hóa” cảnh quan thiên nhiên
Không chỉ riêng vịnh Hạ Long, tình trạng khai thác vô tội vạ của những doanh nghiệp đối với những vùng đất du lịch nổi tiếng của đất nước ta hiện nay khiến nhà nước cũng như du khách không khỏi quan ngại.
Du khách đứng ngay trên đất đảo nhưng chẳng thể nhìn thấy được biển là một tình trạng đáng đau buồn đối với Phú Quốc. Các công trình bê tông án ngữ hết cảnh quan bờ biển, ngăn chặn những con suối chảy quanh các khu du lịch là tình trạng chung của nhiều khu vực tại vùng đảo du lịch nổi tiếng này. Hơn thế nữa, không chỉ có những khu du lịch, khách sạn lớn mọc ra ngày càng nhiều mà một số nhà hàng, quán ăn cũng thi nhau lấn biển. Và như thế, Phú Quốc với những đảo nhỏ hoang sơ, bờ cát trắng mịn trải dài, làn nước xanh trong thấu đáy đã chịu nhiều tổn thương, không còn giữ được nét đẹp hoang sơ vốn có.
Các bãi biển Phú Quốc bị bê tông hóa
Đà Lạt - một trong những thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam - cũng đang đối mặt với tình trạng bê tông hóa ngày một khốc liệt. Những dự án quy hoạch lại trung tâm Đà Lạt được tiến hành khiến cho dân cư nơi đây cũng như những người yêu mến mảnh đất này không khỏi lo ngại. Cùng với đó, Đà Lạt vốn đã hẹp, ngày nay những nhà cao tầng mọc lên ngày một nhiều. Đà Lạt vốn được mệnh danh "thành phố trong rừng - rừng trong thành phố" thế nhưng hoạt động xây dựng thiếu kiểm soát đã làm biến dạng, lộn xộn phong cách đô thị đặc biệt của thành phố này.
Cảnh quan thiên nhiên mất dần, những thành phố du lịch liệu có còn giữ được mình?
Có thể coi đây là một trong những hệ lụy đáng buồn của sự phát triển ngành du lịch. Vịnh Hạ Long, Đà Lạt hay Phú Quốc và nhiều thành phố du lịch nổi tiếng khác của Việt Nam vốn nổi tiếng bởi vẻ đẹp của tự nhiên hoang sơ, hùng vĩ và thu hút du khách khắp nơi vì những nét đẹp đó. Nhưng một khi du lịch phát triển, đặc biệt đối với Việt Nam thì những năm gần đây sự phát triển này là vô cùng nhanh chóng và rõ rệt thì việc quy hoạch, đầu tư và phát triển ngành du lịch nước nhà dễ xảy ra nhiều bất cập.
Đà Lạt dần bị vây kín bởi bê tông
Điển hình là việc các doanh nghiệp đổ xô vào khai thác du lịch ở các khu vực có nhiều cảnh đẹp đã gây ra tình trạng như hiện tại - “bê tông hóa” cảnh quan du lịch. Những công trình nhân tạo ngày một nhiều, đã được phê duyệt và thậm chí số lượng chưa được cấp phép còn nhiều hơn. Hơn nữa, mỗi công trình được đầu tư lớn với thời gian tiến hành, xây dựng cũng không hề ngắn khiến cho những cảnh quan vốn hoang sơ, hữu tình bỗng chốc đầy rẫy những công trình đủ loại máy móc cơ giới ngổn ngang.
Tại những thành phố du lịch này, cuộc sống yên bình của người dân cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi sự mọc lên như nấm của những khu du lịch hay nhà hàng, khách sạn, nhà cao tầng… Không chỉ làm mất dần cảnh quan mà chất lượng cuộc sống của người dân cũng giảm sút. Chưa kể môi trường của những khu vực này còn bị ảnh hưởng trầm trọng hay thậm chí là bị mất cân bằng sinh thái.
Về vấn đề này, trách nhiệm có lẽ phần lớn thuộc về sự quản lý của nhà nước và những cơ quan chức năng. Các cơ quan cần có những kế hoạch cụ thể và hiệu quả hơn cho việc quy hoạch thuộc về ngành du lịch, chú trọng giải quyết những bất cập khiến cho những cảnh quan thiên nhiên bị xâm phạm nặng nề. Đồng thời, cũng cần phải quản lý một cách chặt chẽ hơn về vấn đề khai thác du lịch của các doanh nghiệp, giảm thiểu những công trình trái phép ngổn ngang chưa giải quyết được.
Trong quá trình phát triển du lịch thì vấn đề bảo tồn, bảo vệ và phát huy những gì vốn có là hết sức quan trọng, đặc biệt là với những di sản như Vịnh Hạ Long. Không thể để những những di sản, những cảnh đẹp bị gò bó và phá hủy trong những khối bê tông cứng nhắc.
Nguyên Hằng (Theo Pháp luật Việt Nam)