31/07/2017
Vừa qua, UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội thảo Cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm với sự tham gia của các nhà khoa học và đại diện các Sở, ngành chức năng trên địa bàn TP. Theo kế hoạch, trong tháng 8/2017, việc nạo vét hồ Hoàn Kiếm sẽ được tiến hành và kéo dài trong 4 tháng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với bà Hoàng Thu Hương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội).
Bà Hoàng Thu Hương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường
PV: Xin bà cho biết, lý do phải cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm?
Bà Hoàng Thu Hương: Hồ Hoàn Kiếm được xem là “viên ngọc” của Thủ đô Hà Nội. Hồ có nhiệm vụ điều hòa vi khí hậu trong khu vực, thoát nước mưa, tạo cảnh quan xanh mát cho khu trung tâm, xung quanh hồ. Bên cạnh đó, các công trình văn hóa, xã hội xung quanh hồ đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, hồ Hoàn Kiếm đã ở trong tình trạng báo động về mức độ ô nhiễm. Số liệu phân tích gần đây cho thấy, hồ có chỉ số ô nhiễm rất cao, đặc biệt là các thông số BOD, COD, TSS, NH4-N, mật độ Coliform, hàm lượng một số kim loại nặng như Pb, Zn, Cd đều vượt QCVN 08:2015/BTNMT nhiều lần, hồ Hoàn Kiếm hiện ở tình trạng siêu phú dưỡng độ pH thường xuyên > 9.0 là do mật độ tảo lam phát triển quá dày đặc. Quan trắc sự biến đổi oxy hòa tan (DO) trong hồ cho thấy, nồng độ DO thay đổi rất mạnh trong ngày, mức cao nhất vào khoảng 14-16h lên đến 14mg/l (178% DO bão hòa), mức thấp nhất vào 4-6h sáng có thể xuống tới 2,65 mg/l (42% DO bão hòa), mức dưới ngưỡng chịu đựng của động vật thủy sinh. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự suy giảm đa dạng sinh học (ĐDSH) của hồ Hoàn Kiếm.
Theo một số số liệu điều tra sơ bộ về ĐDSH, chỉ số đa dạng D của hồ Hoàn Kiếm ở mức D<1 tương ứng với mức phân loại hồ ô nhiễm rất nặng. Khảo sát về thực vật phù du trong hồ cho thấy, tới 93% lượng tảo trong hồ Hoàn Kiếm là tảo lam (vi khuẩn lam) hiện đang ức chế và gây ảnh hưởng đến sự phát triển của các loài sinh vật khác trong hồ; hiện nay trên trầm tích đáy hồ có độ dày 0,5-1,64m, độ sâu cột nước chỉ có từ 0,3 đến 0,94m. Với tính chất trầm tích rất phức tạp, trong đó hàm lượng kim loại nặng cao, đặc biệt là hàm lượng chất dinh dưỡng N và P rất cao là nguồn dinh dưỡng cho sự bùng nổ tảo trong hồ. Do đó, việc cải tạo môi trường hồ rất cấp bách để duy trì hệ sinh thái (HST) và cảnh quan môi trường. Trong đó, việc nạo vét lớp trầm tích đáy hồ là cần triển khai trước tiên để loại bỏ nguồn gây ô nhiễm cho hồ Hoàn Kiếm.
Kết quả khảo sát chất lượng nước tại 15 điểm thuộc 5 mặt cắt trên hồ Hoàn Kiếm (quan trắc ngày 12/6/2017)
PV: Với vai trò là cơ quan tư vấn khoa học, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường đã tiến hành hoạt động này như thế nào để giúp cải tạo môi trường hồ?
Bà Hoàng Thu Hương:Hồ Hoàn Kiếm là di tích quốc gia đặc biệt, được sự quan tâm và yêu quý của cộng đồng, vì vậy, các hoạt động cải tạo cần tiến hành cẩn trọng theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là nạo vét lớp trầm tích lưu cữu nhiều năm ở đáy hồ. Để chuẩn bị cho hoạt động này, Viện phối hợp với Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật tiến hành triển khai khảo sát toàn diện hồ Hoàn Kiếm về đặc điểm địa hình, thủy văn, kết cấu lớp trầm tích, chất lượng nước, đặc tính trầm tích, đặc điểm HST khu vực hồ (bao gồm hệ động vật phù du, thực vật phù du, động vật đáy).Trên cơ sở kết quả đánh giá và xem xét phương án nạo vét do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đề xuất, chúng tôi sẽ tư vấn phương thức triển khai như phân vùng khu vực thi công, mức độ trầm tích cần nạo vét để đảm bảo duy trì HST của hồ. Đồng thời, kiến nghị các giải pháp cụ thể nhằm hạn chế các tác động của quá trình nạo vét đến hoạt động thường ngày của cư dân quanh hồ và đặc biệt là tác đông đến hệ sinh thái của hồ.
PV: Xin bà cho biết các quy trình tiến hành phương án nạo vét hồ để không ảnh hưởng các hệ sinh vật thuỷ sinh, cũng như các điểm di tích Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc?
Bà Hoàng Thu Hương: Phương án thi công được tiến hành kết hợp giữa nạo vét cơ giới và nạo vét thủ công.
Thi công nạo vét bằng thiết bị cơ giới (dây chuyền C2 cải tiến): Sử dụng máy xúc đứng trên ponton (ụ nổi) xúc bùn lên phễu chứa của máy bơm bùn công suất 40 - 60m3/h. Máy bơm bùn được đặt trên ụ nổi, ống dẫn bùn được nằm trên hệ phao nổi để dẫn vào bờ. Các thiết bị thi công được di chuyển trên mặt hồ bằng hệ thống tời đặt trên bờ. Mặt bằng nạo vét được chia thành 10 vùng. Khu vực phía Tây 5 vùng, phía Đông 5 vùng đối xứng nhau qua trục Bắc - Nam giữa hồ. Hai mũi thi công song song, thi công từ hướng Nam lên hướng Bắc (từ phía phố Hàng Khay lên).
Các chuyên gia lấy mấu nước hồ Hoàn Kiếm
Phạm vi nạo vét bằng cơ giới cách mép chân kè xung quanh hồ, cách mép kè Tháp Rùa, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn là >7,0m; Phạm vi nạo vét bằng thủ công trong phạm vi 7m xung quanh khu vực chân kè, cách mép kè Tháp Rùa, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn là trong phạm vi <7,0m. Chiều sâu lớp bùn nạo vét là 60cm lớp bùn dày phía dưới; Chiều sâu lớp bùn còn lại là 35cm, lớp bùn mềm phía trên; Tổng khối lượng nạo vét bằng thiết bị cơ giới: V= 57.400 m3 (chiều sâu nạo vét TB 0,60m); Khối lượng nạo vét bằng thủ công: V= 2.533 m3 (chiều sâu nạo vét TB 0,20m). Để bảo vệ hệ thủy sinh dùng lưới quây dồn hệ thủy sinh vào vị trí riêng biệt cách xa khu vực thi công.
PV: Sau việc cải tạo này liệu có thể bảo vệ màu xanh đặc hữu của hồ Hoàn Kiếm không, thưa bà?
Bà Hoàng Thu Hương:Hiện nay màu xanh của hồ đã không còn màu “lục” như trước kia. Do mật độ tảo lam chiếm 93% mật độ tảo trong hồ, do đó hiện nay, phổ màu thường xuyên của hồ là màu “lam”. Việc nạo vét lòng hồ nhằm mục đích loại bỏ nguồn phát sinh dinh dưỡng trong hồ, đặc biệt là phốt pho. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, nhóm Microcystis trong lớp bùn đáy hồ kích thích sự hoạt động của các vi sinh vật dẫn đến sự giải phóng phốt pho vào nước, trong khi đó nhóm microcystis là nhóm vi khuẩn lam phát triển rất mạnh trong hồ. Việc nạo vét hy vọng sẽ làm giảm quá trình phát triển của tảo lam và dần thúc đảy sự phát triển của tảo lục trong hồ. Hiện nay, các nghiên cứu đang tiếp tục thực hiện nhằm phân lập các tảo lục của hồ và có biện pháp bảo tồn để nhân rộng.
Do đó, việc loại bỏ tảo lam và phát triển tảo lục cần có các giải pháp bổ sung không chỉ dừng lại ở việc nạo vét đáy hồ.
PV: Xin bà cho biết, ngoài việc cải tạo môi trường nước, các khu vực cảnh quan xung quanh hồ có phương án nào cải tạo, thay mới không?
Bà Hoàng Thu Hương: Nhiệm vụ tư vấn của Viện Khoa học và & Công nghệ môi trường chỉ dừng lại ở hạng mục nạo vét bùn lòng hồ, là nền tảng cho việc tiến hành cải tạo chất lượng môi trường hồ. Chúng tôi sẽ đề xuất với UBND TP. Hà Nội tiếp tục xem xét đầu tư các giải pháp tổng thể để bảo tồn HST đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm, tăng cường ĐDSH, hạn chế tối đa việc đưa hóa chất vào hồ, xem xét bổ sung các hạng mục khác nhằm phục hồi HST hồ làm tăng giá trị cho hoạt động nạo vét này.
Một số giải pháp cần làm ngay như bổ cập nước cho hồ, duy trì mực nước trong hồ khoảng 2m, ưu tiên sử dụng nước mưa sau khi qua xử lý. Nguồn nước ngầm khai thác tại chỗ là giải pháp dự phòng trong thời điểm ban đầu cần bổ cập một lượng nước lớn và chưa có nước mưa; Việc bổ cập nước mưa và nước ngầm nhằm mục tiêu không đưa nguồn nước có thể chứa sinh vật ngoại lai vào hồ. Mặt khác, sử dụng các bè thủy sinh tạo môi trường sinh sản cho động vật thủy sinh cũng là một giải pháp cần xem xét. Về lâu dài, TP nên xem xét cải tạo cấu trúc kè hồ để tạo môi trường sinh trưởng cho sinh vật thủy sinh và đưa vào hồ các loài sinh vật phù hợp để tăng cường HST hồ.
PV: Xin cảm ơn bà!
Phạm Tuyên (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2017)
\