Banner trang chủ

Cơ hội và thách thức trong hoạt động quan trắc môi trường

04/10/2016

   Trong thời gian qua, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. Mặc dù vậy, sự phát triển kinh tế, đặc biệt các hoạt động sản xuất công nghiệp đã dẫn tới sự gia tăng các tác động xấu tới môi trường. Vấn đề này cũng đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu mới cho công tác quản lý, BVMT nói chung và hoạt động quan trắc, giám sát môi trường nói riêng. Để thực hiện công tác quản lý môi trường hiệu quả, các hoạt động quan trắc, giám sát thường xuyên và liên tục chất lượng môi trường đóng vai trò quan trọng.

   Cơ hội và thách thức của hoạt động quan trắc môi trường

   Năm 2015 được coi là năm bản lề để mở ra giai đoạn mới cho hoạt động quan tắc môi trường (QTMT) khi Luật BVMT năm 2014 (thay thế Luật BVMT năm 2005) có hiệu lực thi hành với nhiều thay đổi căn bản trong quản lý về môi trường. Với mục tiêu xây dựng một hệ thống QTMT quốc gia thống nhất và toàn diện, Luật BVMT năm 2014 có một Chương riêng - Chương XII quy định về QTMT, trong đó, Điều 125 quy định cụ thể về trách nhiệm QTMT của Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh và các cơ sở sản xuất. Luật cũng bổ sung 1 Điều về điều kiện hoạt động QTMT nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của QTMT, phục vụ BVMT và phát triển kinh tế - xã hội và 1 Điều về quản lý số liệu QTMT.

   Ngày 12/1/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch số 90/QĐ-TTg) thay thế Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg. Quy hoạch số 90/QĐ-TTg xác định mục tiêu tổng quát nhằm xây dựng hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia hợp lý, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, đạt trình độ hàng đầu khu vực Đông Nam Á và trình độ tiên tiến của khu vực Châu Á và sẽ giải quyết được nhiều việc chưa thực hiện được trong thời gian qua theo Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg. Theo Quy hoạch số 90/QĐ-TTg, số trạm được quy hoạch xây dựng mới giai đoạn 2015-2020 là 14 trạm tự động, 130 điểm quan trắc; giai đoạn 2021 - 2025 là 22 trạm quan trắc, 181 điểm quan trắc. Tiếp tục duy trì hoạt động của 17 Trạm tự động và 571 điểm quan trắc. Để triển khai Quy hoạch số 90/QĐ-TTg, Bộ TN&MT vừa ban hành Quyết định số 2044/QĐ-BTNMT phê duyệt Kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) triển khai, thực hiện Quy hoạch số 90/QĐ-TTg. Kế hoạch cũng đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, cũng như các giải pháp chủ yếu, nguồn lực và tổ chức thực hiện để bảo đảm triển khai thành công Quy hoạch số 90/QĐ-TTg.

Lấy mẫu nước theo tầng tại vùng biển miền Trung vào tháng 4/2016

   Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy trình quan trắc cho một số thành phần môi trường, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định giới hạn của các thông số trong môi trường và một số văn bản khác như đơn giá cho hoạt động quan trắc cũng từng bước được ban hành và áp dụng. Đặc biệt, Nghị định số 127/2014/NĐ-CP quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ QTMT được đẩy mạnh thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động QTMT. Đến tháng 8/2016, có 170 đơn vị trong cả nước được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ QTMT trên tổng số 230 đơn vị đã nộp hồ sơ.

   Bên cạnh đó, công tác QTMT ngày càng được quan tâm. Từ tháng 7/2015 - 7/2016, đã có thêm 2 Trung tâm QTMT được thành lập, nâng tổng số lên 59/63 tỉnh,TP có Trung tâm QTMT được thành lập. Số lượng các trạm, điểm QTMT không khí và nước liên tục tăng. Số điểm quan trắc thuộc mạng lưới QTMT quốc gia tăng từ 1.073 điểm (năm 2006) lên 1.439 điểm (năm 2016). Số lượng và trình cán bộ của các Trung tâm QTMT gia tăng qua các năm. Năm 2016, thống kê số lượng cán bộ của 31 Trung tâm QTMT trong cả nước là gần 1.000 cán bộ.

   Đồng thời, các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương ngày càng được chú trọng, nhằm tranh thủ tối đa sự hỗ trợ quốc tế về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, thông tin, kinh nghiệm của các quốc gia trong hoạt động QTMT. Một số hoạt động hợp tác quốc tế Việt Nam đã tham gia như Mạng lưới giám sát lắng đọng axit Đông Á (EANET), Mạng lưới thử nghiệm quan trắc thủy ngân trong không khí khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APMMN), Mạng lưới không khí sạch châu Á; ký kết tham gia Công ước Minamata về thủy ngân tại Minamata Nhật Bản (2013), các hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế World Bank, JICA, UNDP, UNEP, CAI-ASIA, US EPA.

   Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện QTMT nhưng sự phát triển của các hoạt động kinh tế - xã hội đang đặt ra rất nhiều thách thức cho công tác QTMT. Cụ thể:

   Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động QTMT ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn thiếu nhiều văn bản quy định về quy trình kỹ thuật, phương pháp QTMT, quy định về giới hạn nồng độ cho phép của các thông số đối với nhiều thành phần, nhiều ngành nghề sản xuất còn thiếu. Bên cạnh đó, nhiều văn bản được ban hành còn bộc lộ nhiều bất cập khi áp dụng.

   Tổ chức bộ máy của các Trung tâm QTMT còn nhiều bất cập, các Trung tâm QTMT hiện có tên gọi và chức năng, nhiệm vụ khác nhau, chưa có các tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với quan trắc viên. Số lượng và chất lượng các cán bộ ngày càng tăng, nhưng mới chỉ đáp ứng ở mức độ cơ bản so với nhu cầu thực tế, đặc biệt là trong điều kiện các vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng cả về số vụ việc và tính chất các vụ việc thì trình độ của các cán bộ sẽ càng được đòi hỏi cao hơn. Do sự hạn chế về nguồn lực nên tỷ lệ thực hiện Quy hoạch số 16/QĐ-TTg chưa đến 50%, rất nhiều nội dung chưa được triển khai đầy đủ, thậm chí có những nội dung chưa được triển khai (như quan trắc đa dạng sinh học, quan trắc chất thải).

Lấy mẫu chất thải tại trang trại ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh, tháng 7/2016

   Nguồn vốn đầu tư cho QTMT trong những năm qua hạn chế, chủ yếu từ nguồn sự nghiệp môi trường, chưa phát huy được hiệu quả từ các nguồn vốn phi chính phủ, chưa tận dụng được nguồn vốn từ doanh nghiệp, các nguồn vốn xã hội hóa khác.

   Các điểm QTMT phân bố trên địa bàn các tỉnh, thành phố mới tập trung chủ yếu vào các điểm nóng về môi trường như các đô thị lớn, khu công nghiệp, vùng sinh thái nhạy cảm về môi trường với tần suất quan trắc thấp trung bình 2-4 lần/năm. Do đó, chuỗi số liệu quan trắc chưa đủ để đánh giá toàn diện về chất lượng các thành phần môi trường theo không gian và thời gian. Các kết quả QTMT tại các vị trí chủ yếu mang tính thời điểm, chưa thực sự đại diện cho chất lượng môi trường nơi quan trắc.

   Về hoạt động đánh giá, chứng nhận các tổ chức đủ điều kiện hoạt động dịch vụ QTMT. Cho đến tháng 8 năm 2016, vẫn còn 11 địa phương trên cả nước chưa có tổ chức nào được cấp Giấy chứng nhận. Tại các địa phương này, công tác QTMT gặp nhiều khó khăn không chỉ trong thực hiện các hoạt động quan trắc dịch vụ mà cả đối với các hoạt động quan trắc thuộc nguồn vốn sự nghiệp môi trường

   Số trạm QTMT tự động nước và không khí ít so với tính toán bình quân của thế giới là khoảng 100.000 - 300.000 dân cần có một trạm QTMT không khí tự động để kịp thời giám sát, cảnh báo các vấn đề liên quan đến chất lượng không khí.

   Liên quan đến các vấn đề môi trường nổi cộm hiện nay, đó là vấn đề ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ngày càng phức tạp, nhiều vấn đề mới nảy sinh đối với ÔNMT nước, đất, không khí, phóng xạ, ÔNMT xuyên biên giới. Từ đầu năm 2016 tới hết tháng 7, cả nước đã có khoảng gần 50 sự vụ, sự cố môi trường được phản ánh, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Trong đó, đa số là các sự vụ liên quan đến chất lượng nước (nước biển, nước sông, hồ), không khí và đất.

   Một số sự cố có tính chất nghiêm trọng như sự cố hải sản miền Trung chết bất thường, bùn thải Formosa, cá chết trên sông Bưởi, cá chết tại Đồng Nai, vỡ bể chứa bùn thải nhà máy chì, kẽm gây ô nhiễm tại Cao Bằng, bụi trong không khí tại Hà Nội, hay ÔNMT tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận, vỡ hồ chứa nước khai thác titan tại Bình Thuận, khai thác khoáng sản của Công ty Núi Pháo, Thái Nguyên. Đây là những vụ việc có tác hại rất nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe, sinh kế của người dân và hệ lụy trong thời gian dài. Vì vậy, hoạt động QTMT phải đáp ứng kịp thời với yêu cầu ngày càng cao của xã hội và yêu cầu của công tác BVMT trong tình hình mới.

   Mặt khác, khi có số liệu quan trắc, các thông tin về hoạt động QTMT chưa được chia sẻ thường xuyên, kịp thời giữa Trung ương với địa phương và các tổ chức xã hội, dự án khác.

   Giải pháp đẩy mạnh hoạt động QTMT

   Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế phải gắn với BVMT. Để đẩy mạnh công tác QTMT trong thời gian tới, Kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) triển khai Quy hoạch số 90/QĐ-TTg đã đề ra một số giải pháp như:

   Hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức rà soát những bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật hiện có; Bổ sung các văn bản còn thiếu; xây dựng quy định tiêu chuẩn nghề nghiệp; Rà soát và cập nhật bổ sung các quy định kỹ thuật về QTMT và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các ngành còn thiếu; Ban hành văn bản thống nhất về chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm QTMT trên cả nước.

   Triển khai thực hiện Quy hoạch số 90/QĐ-TTg. Đánh giá nhu cầu thực tế về QTMT, rà soát theo từng giai đoạn triển khai thực hiện; xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện quy hoạch theo các mức độ ưu tiên, trong đó nêu cụ thể về thời gian thực hiện, loại hình quan trắc cần đầu tư, nguồn lực thực hiện; Xây dựng văn bản hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho các Trung tâm QTMT trên cả nước triển khai xây dựng quy hoạch mạng lưới QTMT tại địa phương.

   Tăng cường quan trắc, giám sát chất lượng môi trường và tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục để kịp thời cảnh báo, sớm ngăn ngừa, kiểm soát các tác động xấu tới môi trường từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Tăng kinh phí sự nghiệp môi trường cho hoạt động QTMT để có thể tăng các điểm quan trắc, tần suất và thông số quan trắc, đặc biệt là tại các điểm nóng, nhạy cảm về môi trường; Tăng số lượng các trạm quan trắc tự động không khí và nước trên toàn quốc. Tăng cường chia sẻ thông tin dữ liệu môi trường giữa Trung ương và địa phương.

   Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong QTMT như nghiên cứu chế tạo các thiết bị quan trắc, ứng dụng các thiết bị đo nhanh cầm tay, sử dụng thêm chỉ thị sinh học để phát hiện kịp thời vấn đề ô nhiễm môi trường và tác động đến hệ sinh thái. Tăng cường các khóa đào tạo, tập huấn để nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Trung ương và địa phương trong công tác quan trắc và phân tích môi trường, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của công tác BVMT.

   Một vấn đề quan trọng là cần bố trí đủ nguồn kinh phí cho các chương trình quan trắc, đặc biệt là các chương trình chuyên đề, kịp thời cung cấp thông tin, số liệu phục vụ theo dõi, giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn; Có cơ chế tài chính đầu tư trung hạn và dài hạn cho các hoạt động tăng cường năng lực quan trắc và phân tích môi trường; Có chủ trương xã hội hóa công tác quan trắc, các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động quan trắc.

   Bên cạnh đó, để kiểm soát chất lượng hoạt động QTMT trên phạm vi cả nước, cần tăng cường công tác hậu kiểm đối với các tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ QTMT.

Phạm Thị Vương Linh, Nguyễn Hữu Thắng

Trung tâm Quan trắc Môi trường

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2016)

Ý kiến của bạn