06/06/2019
Quy hoạch BVMT lần đầu tiên được đưa vào hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT tại Luật BVMT năm 2014, mặc dù trước đó đã có nhiều nghiên cứu liên quan về quy hoạch môi trường (bao gồm quy hoạch môi trường và quy hoạch BVMT) được thực hiện cho các lưu vực sông hoặc vùng lãnh thổ. Điều này khẳng định vai trò của quy hoạch BVMT trong công tác quản lý và BVMT trước áp lực của các hoạt động phát triển.
Vai trò của quy hoạch BVMT trong hệ thống chiến lược, quy hoạch quốc gia
Hiện nay, các loại hình quy hoạch phát triển chưa có được sự gắn kết giữa định hướng phát triển kinh tế - xã hội với các yêu cầu về quản lý, BVMT tự nhiên, sinh thái, môi trường sống và các giá trị bảo tồn văn hóa lịch sử... Trên thực tế đã xảy ra sự chồng chéo và mâu thuẫn giữa các quy hoạch phát triển, dẫn đến sự phát vỡ cân bằng giữa BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị lịch sử văn hóa, gây lãng phí, kém hiệu quả trong công tác quy hoạch. Vì vậy,việc xây dựng và hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch BVMT quốc gia có ý nghĩa quan trọngtrong công tác BVMT hiện nay.
Theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 vàLuật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch đã quy định,các đối tượng phải thực hiện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) bao gồm: Chiến lược khai thác và sử dụng tài nguyên cấp quốc gia; chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng có tác động lớn đến môi trường và các quy hoạch tổng thể quốc gia, không gian biển quốc gia, sử dụng đất quốc gia, ngành quốc gia, đô thị, nông thôn; quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành tác động lớn đến môi trường; quy hoạch vùng, tỉnh, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Việc thực hiện ĐMC cho các loại hình chiến lược, quy hoạch hiện nay gặp nhiều khó khăn do cơ quan thực hiện quy hoạch phát triển không xác định được hiện trạng, diễn biến của các thành phần môi trường và định hướng quản lý và BVMT. Do vậy, việc thực hiện quy hoạch BVMT sẽ tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả của công tác ĐMC, là công cụ phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của các quy hoạch phát triển trong quá trình lập quy hoạch và đánh giá mức độ phù hợp của các định hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển với các yêu cầu về quản lý và BVMT,nhằm đảm bảo phát triển bền vững.Như vậy, quy hoạch BVMT đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chiến lược, quy hoạch quốc gia. Tạo cơ sở cho các chiến lược, quy hoạch có các định hướng phù hợp với quy hoạch môi trường, giảm chi phí và thời gian lập chiến lược, quy hoạch;Đưa ra các định hướng phát triển phù hợp với môi trường nền và diễn biến môi trường trong kỳ quy hoạch nhằm hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và BVMT; Thực hiện phục vụ việc sắp xếp, bố trí các hoạt động, biện pháp BVMT cho các vùng lãnh thổ đảm bảo 3 trụ cột phát triển bền vững(kinh tế - xã hội - môi trường);Tạo điều kiện để đối sánh giữa quan điểm mục tiêu phát triển của quy hoạch và phân vùng môi trường, các yêu cầu về BVMT theo phân vùng môi trường đã được xác định.
Theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, nội dung về công tác quản lý và BVMT là một hợp phần quan trọng trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Việc thực hiện phân vùng môi trường và đưa ra các định hướng, giải pháp liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, xử lý chất thải, quan trắc môi trường trong quy hoạch BVMT quốc gia sẽ là điều kiện quan trọng để đảm bảo sự hài hòa giữa các nội dung phát triển kinh tế - xã hội và BVMT trong các quy hoạch này.
Xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch BVMT quốc gia
Căn cứ Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 vàLuậtsố 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, cùng các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch BVMT quốc gia. Mục tiêu của nhiệm vụ là sắp xếp, phân bố không gian, phân vùng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường trên lãnh thổ xác định để BVMT, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước cho kỳ quy hoạch 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Để triển khai xây dựng quy hoạch BVMT quốc gia, việc xác định các nội dung cần thực hiện trong nhiệm vụ lập quy hoạch BVMT có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Các vấn đề liên quan đến phương pháp luận và sự đồng thuận trong quá trình tiến hành xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch môi trường sẽ tạo cơ sở để xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch BVMT.Trong những năm vừa qua, nhận thức được tầm quan trọng của quy hoạch về môi trường, có nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương tiến hành lập quy hoạch môi trường hoặc quy hoạch BVMT. Trên thực tế, các quy hoạch về môi trường này đóng góp hữu hiệu trong quản lý BVMT và là nền tảng để Bộ TN&MT xây dựng phương pháp luận về quy hoạch BVMT quốc giaphù hợp với điều kiện phát triển trong giai đoạn sắp tới của Việt Nam.
Song hành với các áp lực trong nước, đòi hỏi phải có quy hoạch về môi trường để đáp ứng yêu cầu quản lý và BVMT đi đôi với phát triển bền vững, Bộ TN&MT cũng đã nghiên cứu các phương pháp luận của một số nước châu Âu, Mỹ và châu Á về các nội dung của quy hoạch môi trường, trong đó phân vùng môi trường là một nội dung cơ bản của quy hoạch. Đặc biệt, là mô hình của Nhật Bản, một quốc gia có điều kiện tương đồng về bản sắc văn hóa, dân tộc, địa lý và đi trước chúng ta nhiều năm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đã bị trả giá đắt khi đánh đổi giữa phát triển kinh tế - xã hội với sự suy thoái, ô nhiễm môi trường trầm trọng trong thập niên 60 của thế kỷ trước.
Quy hoạch BVMT có vai trò quan trọng trong việc xác lập các khu vực có ĐDSH cao
Dưới sự giúp đỡ của Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản(JICA), tỉnh Quảng Ninh đã lập Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh, Quy hoạch môi trường vịnh Hạ Long nhằm quản lý và BVMT hài hòa với các mục tiêu phát triển, mục tiêu bảo vệ di sản văn hóa vịnh Hạ Long. Đây là mô hình quan trọng để định hướng các nội dung liên quan đến quy hoạch BVMT ở Việt Nam, vừa đảm bảo phát triển, vừa từng bước nâng tầm trong quản lý và BVMT.
Trước khi các nội dung về quy hoạch BVMT được đưa vào Luật BVMT, Luật Quy hoạch, có nhiều địa phương xây dựng quy hoạch về môi trường (bao gồm cả quy hoạch môi trường và quy hoạch BVMT). Ngoài trường hợp của Quảng Ninh, các địa phương khác như Hà Nội, Hà Tĩnh, Tuyên Quang… cũng đã tiến hành xây dựng quy hoạch về môi trường. Tổng cục Môi trường cũng đã tiến hành xây dựng quy hoạch BVMT cho một số lưu vực sông và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các quy hoạch này còn hạn chế do không có đủ kinh phí và cơ sở pháp luật để thực hiện. Mặt khác, nhiều địa phương còn chú trọng thu hút đầu tư nên chưa thực sự coi trọng, thậm chí còn cho rằng quy hoạch BVMT cản trở các hoạt động phát triển.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá tính hợp lý của các hoạt động liên quan đến quy hoạch về môi trường ở Việt Nam, cũng như phương pháp luận và kinh nghiệm của quốc tế, Bộ TN&MT tiến hành triển khai công tác xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch BVMT quốc gia. Do tính chất đa ngành, liên quan đến mọi hoạt động phát triển, các nội dung về quy hoạch BVMT cần được thống nhất giữa Bộ TN&MT với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong quá trình xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch làm cơ sở để hài hòa giữa các mục tiêu phát triển và mục tiêu quản lý, BVMT.
Nhiệm vụ lập quy hoạch BVMT quốc gia hiện nay đã được Bộ TN&MT dự thảo, tiến hành các cuộc hội thảo tham vấn ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và sẽ tiến tục hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Một số vấn đề liên quan đến quy hoạch môi trường cần được nghiên cứu trong quy hoạch BVMT quốc gia
Thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch BVMT quốc gia, một số vấn đề về quy hoạch môi trường như: Việc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) đang có những bất cập và tác động ngược trở lại với hiện trạng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần có các phân tích, đánh giá hiện trạng và đưa ra định hướng xác lập các khu vực ĐDSH cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, hành lang ĐDSH, khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn ĐDSH phù hợp với thực tiễn và nhu cầu bảo tồn.
Bên cạnh đó, quy hoạch về hệ thống xử lý môi trường chưa thực sự gắn kết với các quy hoạch phát triển tạo ra sự bất hợp lý trong BVMT và xây dựng hệ thống xử lý chất thải (XLCT). Việc bố trí các hệ thống XLCT tại khu vực nhạy cảm hoặc có khả năng chịu tác động của các điều kiện địa hình, địa chất và địa lý tự nhiên đôi khi xảy ra tác động ngược là gia tăng ô nhiễm môi trường. Việc định hướng về quản lý, XLCT và giải pháp chung về bố trí các hệ thống hạ tầng xử lý môi trường cần được nghiên cứu phù hợp với điều kiện tự nhiên và áp lực gia tăng chất thải của các hoạt động phát triển.
Hiện nay, quy hoạch các vị trí quan trắc môi trường đã và đang được triển khai thực hiện, nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý, giám sát chất lượng môi trường. Tuy nhiên, việc bố trí các trạm quan trắc môi trường cần được gắn kết chặt chẽ với phân vùng môi trường để đưa ra mật độ trạm quan trắc, giám sát phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội. Đồng thời, có các định hướng phát triển phù hợp với mức độ tác động đến môi trường của hoạt động phát triển, đặc biệt là các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn được áp dụng cho từng phân vùng môi trường, đảm bảo các mục tiêu, định hướng được đặt ra trong quy hoạch BVMT quốc gia.
Đề xuất, kiến nghị về giải pháp xây dựng và thực hiện quy hoạch BVMT quốc gia
Quy hoạch BVMT quốc gia đóng một vai trò quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, để quy hoạch này thực sự có hiệu quả và thể hiện được giá trị định hướng trong quản lý môi trường cần có sự đồng thuận của các Bộ, ngành và địa phương, cũng như sự tham gia của cả cộng đồng. Với những ý nghĩa quan trọng đó, xin đề xuất, kiến nghịvề giải pháp xây dựng và thực hiện quy hoạch BVMT quốc gia như sau:
Cần đảm bảo việc tham gia của các Bộ, ngành, địa phương đối với các nội dung liên quan đến thực trạng môi trường dưới tác động của hoạt động phát triển. Trên cơ sở phân tích dự báo các định hướng phát triển cũng như diễn biến của các thành phần môi trường tiến hành công tác định hướng phân vùng phù hợp, tạo sự đồng thuận giữa các Bộ, ngành và địa phương, trên cơ sở đó lồng ghép các định hướng, giải pháp quản lý và BVMT của quy hoạch BVMT quốc gia vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
Bên cạnh đó, cần có sự tham gia rộng rãi của các nhà khoa học, chuyên gia và cộng đồng để xác định mức độ phù hợp của các đánh giá hiện trạng;phân tính đánh giá mang tính khoa học có sự phản biện của cộng đồng và xã hội. Nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới và ý kiến của các chuyên gia quốc tế đối với các nội dung cần định hướng, giải pháp đề xuất trong quy hoạch phù hợp với đặc thù của Việt Nam và lộ trình phát triển đất nước.
Sau khi quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần công bố công khai thông tin liên quan đến các nội dung để các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, đặc biệt là các chủ đầu tư và cộng đồng biết, triển khai và tuân thủ các yêu cầu về phân vùng cũng như định hướng giải pháp của quy hoạch môi trường quốc gia.
Cần đưa ra các định hướng và giải pháp khuyến khích xã hội hóa đầu tư đối với các dự án về quản lý, giám sát và BVMT ưu tiên, được xác định trong quy hoạch. Tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện lộ trình và giai đoạn triển khai các định hướng, giải pháp quy hoach đã được xác định để đảm bảo tính khả thi. Đặc biệt, ưu tiên vấn đề kết nối thông tin, hệ thống dữ liệu môi trường để phục vụ có hiệu quả công tác quản lý, giám sát, phòng ngừa sự cố, BVMT, kiểm soát phát thải từ các hoạt động phát triển.
Hàng năm, cần có sự đánh giá hiệu quả của việc triển khai thực hiện, có đánh giá, phân tích, tổng kết từng giai đoạn và cả kỳ quy hoạch làm căn cứ để xác định các vấn đề ưu tiên cho kỳ quy hoạch tiếp theo.
ThS. Nguyễn Vũ Trung
Tổng cục Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2019)