08/08/2016
Sau 3 tháng liên tục tìm kiếm chứng cứ, điều tra, xác minh, nghiên cứu của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có 30 cơ quan cùng với 100 nhà khoa học trong và ngoài nước, dưới sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ, nguyên nhân cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) đã được làm rõ. Đó là do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Công ty Formosa Hà Tĩnh) có một số hành vi vi phạm làm môi trường biển 4 tỉnh nêu trên bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong quá trình vận hành thử nghiệm, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã để xảy ra sự cố làm nước thải xả ra biển có chứa các độc tố phenol, xyanua, hydroxit sắt vượt quá mức cho phép.
Ban Lãnh đạo Công ty Formosa Hà Tĩnh thừa nhận sự cố ô nhiễm môi trường là do Công ty gây ra và cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân Việt Nam |
Ngày 30/6/2016, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố nguyên nhân cá chết tại 4 tỉnh miền Trung. Trong buổi họp báo, một đoạn video đã được trình chiếu ghi hình tập thể lãnh đạo Công ty Formosa Hà Tĩnh thừa nhận lỗi. Trong video dài khoảng 5 phút, thay mặt Ban lãnh đạo Công ty cùng hơn 6.300 cán bộ, nhân viên, ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Formosa Hà Tĩnh đã có bài phát biểu thừa nhận: “Trong quá trình vận hành thử nghiệm của Công ty và kết quả kiểm tra nghiên cứu, đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành cho thấy, sự cố xảy ra trong nhà máy là nguyên nhân gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam. Công ty xin nhận trách nhiệm và thành thật xin lỗi nhân dân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế”.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Formosa Hà Tĩnh cũng xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vì gây ra sự cố môi trường thời gian qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, việc làm của người dân và môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. “Chúng tôi xin cam kết thực hiện bồi thường thiệt hại về kinh tế cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung”, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Formosa Hà Tĩnh nhấn mạnh và khẳng định cam kết khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, hoàn thiện công nghệ của nhà máy theo yêu cầu của Bộ/ngành Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tĩnh. “Chúng tôi xin cam kết thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết với Chính phủ liên quan đến vụ việc này và cam kết không tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT và tài nguyên nước của Việt Nam. Chúng tôi mong rằng bằng sự chân thành từ trái tim, sự nỗ lực tối đa trong giải quyết sự cố, chúng tôi sẽ nhận được sự cảm thông của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam”. Ông Trần Nguyên Thành kết thúc bài phát biểu và cùng 6 thành viên lãnh đạo Công ty Formosa Hà Tĩnh đứng lên cúi đầu xin lỗi.
Chắc chắn vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa từng xảy ra ở vùng biển Việt Nam do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra là một trong những sự kiện nổi bật nhất trong năm 2016. Đồng thời, qua vụ việc này, Chính phủ, các ngành, các cấp, các cơ quan liên quan, trên cương vị, trách nhiệm của mình sẽ rút được nhiều kinh nghiệm trong quá trình kêu gọi đầu tư phát triển đất nước gắn với BVMT. Tác giả bài viết bước đầu có một số suy nghĩ về “cái mất và được” sau vụ việc của Công ty Formosa Hà Tĩnh.
“Cái mất” từ vụ việc của Công ty Formosa Hà Tĩnh
Hiện nay, sự thiệt hại về nhiều mặt do sự cố môi trường mà Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra vẫn đang được phân tích, thống kê, làm rõ. Đồng thời, không lường trước và tính toán được hết tác hại của việc xả thải chất độc chưa qua xử lý của Công ty Formosa Hà Tĩnh ra môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. Ban đầu mới chỉ là làm chết hàng loạt hải sản. Vậy về lâu dài, sự cố môi trường này liệu có ảnh hưởng gì đến vùng biển và con người tại 4 tỉnh này và một số tỉnh, TP lân cận? Nhưng trước mắt có thể nhìn thấy, đo đếm được một số thiệt hại và cũng có thể là những “cái mất” chính như sau:
1. Hải sản chết hàng loạt, không thể sử dụng vào việc gì khác ngoài tiêu hủy, không bán được đồng nào lại phải mất công tiêu hủy, vệ sinh môi trường ven biển.
2. Hải sản chết đúng vào dịp bắt đầu mùa du lịch, do vậy, nhiều khu du lịch không chỉ tại 4 tỉnh miền Trung mà nhiều tỉnh lân cận khác vắng khách, nhiều đoàn khách du lịch bỏ chuyến, hủy tuor, nhiều người không tắm biển, ăn hải sản sợ độc hại.
3. Hàng trăm nghìn ngư dân ở 4 tỉnh miền Trung bị mất việc, không ra khơi được, ảnh hưởng xấu đến công ăn việc làm, thu nhập, phải chuyển đổi ngành nghề trong điều kiện khó khăn.
4. Chính phủ phải hỗ trợ ngư dân về lương thực, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn ngư dân ở 4 tỉnh miền Trung, đồng thời phải huy động nhiều Bộ, ngành, địa phương điều tra, nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân vụ việc, ổn định tư tưởng, tâm lý của nhân dân.
5. Sự cố môi trường của Công ty Formosa Hà Tĩnh làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế về việc bảo đảm an toàn môi trường biển trong các dự án đầu tư phát triển kinh tế, đồng thời thủy, hải sản của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế sẽ bị soi xét kỹ càng hơn.
“Cái được ” sau vụ việc Công ty Formosa Hà Tĩnh
Bất kỳ hiện tượng, vụ việc gì cũng có hai mặt của nó. Trong “cái mất” là “cái được”. Vậy sau những “cái mất” từ sự cố môi trường do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra chúng ta “được” cái gì?
1. “Cái được” lớn nhất sau khi chúng ta tìm ra “thủ phạm” sự cố môi trường ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung là lấy được niềm tin của nhân dân đối với Chính phủ trong việc kiên quyết, kiên trì, bình tĩnh xử lý vụ việc, không kiêng nể bất kỳ đối tượng nào vi phạm luật pháp về BVMT, đồng thời công khai, minh bạch sau khi vụ việc được làm rõ. Trong khi “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, Đảng viên, trong đó có cả những cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cùng với sự lãnh đạo, điều hành yếu kém, quan liêu, xa dân của nhiều cấp, nhiều ngành và không ít cán bộ, lãnh đạo, quản lý, làm giảm lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước thì sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và các thành viên vừa nhận chức đã góp phần làm cho người dân tin tưởng hơn vào một Chính phủ mới vì nước, vì dân.
2. “Cái được” không kém phần quan trọng là sự cố môi trường của Công ty Formosa Hà Tĩnh là dịp để toàn thể cán bộ lãnh đạo, quản lý cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến cán bộ, công chức, đảng viên, người lao động và mỗi người dân có dịp nhận thức một cách sâu sắc, cụ thể, rõ ràng hơn quan điểm: Không đánh đổi lợi ích môi trường lấy lợi ích kinh tế bằng bất cứ giá nào. Câu trả lời cụ thể là: “Việt Nam không đổi sự ô nhiễm, hủy hoại môi trường biển để lấy thép!”, “Việt Nam không đánh đổi hải sản để lấy thép!”. Có thể nói, bấy lâu nay Việt Nam đã “trải thảm đỏ” để chào đón các nhà đầu tư nước ngoài với mục đích phát triển kinh tế cho ngành, địa phương mà nhiều khi coi nhẹ, thậm chí bỏ qua vấn đề BVMT trong quá trình sản xuất kinh doanh. Sự cố tại Công ty Formosa Hà Tĩnh là bài học cảnh tỉnh cho chúng ta về vai trò, tầm quan trọng của BVMT, bảo đảm phát triển bền vững đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng.
3. Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, pháp luật, quy chế, quy định về phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, về công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư, nhất là ở cơ sở đối với các chủ trương, chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các chương trình, dự án có vốn đầu tư nước ngoài thì lại không có sự giám sát của người dân. Qua sự cố môi trường của Công ty Formosa Hà Tĩnh, “cái được” rất lớn của các cơ quan, ban, ngành, địa phương là cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, của cộng đồng trong thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
4. Qua vụ việc của Công ty Formosa Hà Tĩnh, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở, cá nhân, những cán bộ lãnh đạo, quản lý, điều hành có được kinh nghiệm xử lý những sự cố về môi trường, nhất là ở những chương trình, dự án liên quan có sự đầu tư của nước ngoài. Đồng thời, các cơ quan, cá nhân liên quan có được kinh nghiệm trong việc phát hiện, “lấp kín” những kẽ hở trong chính sách, pháp luật, trong đó có Luật BVMT, để đối tác không thể lợi dụng vì mục đích kinh tế mà gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
5. Kết quả xử lý, làm rõ, xác minh thủ phạm gây ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền Trung một lần nữa bác bỏ những tin đồn thất thiệt, thậm chí vu cáo, khiêu khích, kích động những người nhẹ dạ, cả tin nhằm mục đích gây nhiễu, gây rối tình hình, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, làm cho thế giới hiểu hơn chủ nghĩa nhân văn, cách ứng xử có tình, có lý của người Việt Nam khi phát huy truyền thống: “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại” trong trường hợp cụ thể là Công ty Formosa Hà Tĩnh.
Vũ Ngọc Lân
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2016