03/10/2016
Việt Nam được quốc tế công nhận là một trong các quốc gia có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với các hệ sinh thái (trên đất liền, vùng đất ngập nước, ven biển và biển đa dạng) và nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua đã và đang gây ra những áp lực đối với ĐDSH.
Trên thực tế, nhiều hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã không quan tâm đúng mức tới các tác động đến ĐDSH trong khi thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) hoặc đánh giác tác động môi trường (ĐTM). Trong một số trường hợp, những tác động tiêu cực tới ĐDSH không được khắc phục và giảm thiểu. Do đó, bồi hoàn ĐDSH có thể được xem là một trong những công cụ, giải pháp hữu hiệu để quản lý, bảo tồn ĐDSH.
Khái niệm và lợi ích bồi hoàn ĐDSH
Theo định nghĩa của Chương trình Kinh doanh và Bồi hoàn ĐDSH, bồi hoàn ĐDSH là các kết quả bảo tồn có thể đo đếm được của các hành động thiết kế để bù đắp cho các tác động tiêu cực còn lại của một dự án phát triển lên ĐDSH sau khi đã áp dụng các biện pháp phòng tránh và giảm thiểu tác động.
Đối với một hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, các bước trong quy trình phòng tránh và giảm thiểu các tác động tiêu cực bao gồm: Phòng tránh là thực hiện các biện pháp nhằm tránh tạo ra các tác động ngay từ thời gian đầu thực hiện dự án; Giảm thiểu là thực hiện các biện pháp khả thi và thực tế nhằm giảm thời gian, cường độ và mức độ tác động của các dự án phát triển lên ĐDSH mà không thể tránh khỏi hoàn toàn.
Hình 1: Quy trình phòng tránh, giảm thiểu, phục hồi, đền bù các tác động xấu
Như vậy, bồi hoàn là biện pháp được thiết kế nhằm đền bù cho các tác động tiêu cực đến đến ĐDSH do thực hiện các dự án phát triển sau khi đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu phù hợp.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, chủ dự án/nhà đầu tư cần xác định phương án để phòng tránh, giảm thiểu hay giảm nhẹ những tác động tiềm năng, đề xuất biện pháp đền bù, bồi hoàn rủi ro.
Bồi hoàn ĐDSH được hiểu là một hoạt động nhằm bồi thường cho các tác động còn sót lại hoặc không thể tránh khỏi sau khi đã áp dụng các biện pháp giảm thiểu đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Hay nói cách khác, bồi hoàn ĐDSH là bước cuối cùng sau khi trình tự của việc tính toán để phòng tránh, giảm thiểu, phục hồi và cải tạo, đền bù được tuân thủ.
Việc bồi hoàn là nhằm giúp bảo tồn các khu vực có giá trị ĐDSH cao hơn so với những khu vực bị mất ĐDSH. Cụ thể như, một công ty phát triển khu vực có giá trị ĐDSH tương đối thấp nhưng sau khi bồi hoàn có thể tạo ra hoặc bảo vệ được một khu vực có giá trị ĐDSH cao hơn. Ngoài ra, bồi hoàn có thể giúp sử dụng hiệu quả các khoản kinh phí cho bảo tồn, tập trung nguồn tài trợ bảo tồn ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái ở những nơi cần thiết.
Như vậy có thể thấy, bồi hoàn ĐDSH là một cách giảm áp lực tới ĐDSH và góp phần cải thiện tài chính bền vững cho công tác bảo tồn.
Nguyên tắc bồi hoàn ĐDSH
Chương trình Kinh doanh và Bồi hoàn ĐDSH (2012) đã xác định 10 nguyên tắc cơ bản trong bồi hoàn ĐDSH:
Tôn trọng tối đa hệ thống giảm thiểu: Cam kết để bù đắp cho tác động tiêu cực còn lại đáng kể đến ĐDSH được xác định khi các biện pháp phục hồi thích hợp, giảm thiểu và tính toán sự phục hồi tại vị trí được thực hiện theo hệ thống giảm thiểu.
Giới hạn những gì cần bồi hoàn: Có những tình huống trong đó tác động còn lại không thể được bồi thường đầy đủ sau khi bồi hoàn ĐDSH vì ĐDSH bị tổn thương không thể thay thế được.
Dựa vào sinh cảnh: Dựa vào sinh cảnh để đạt được các kết quả bảo tồn có thể đo được tính đến các thông tin có sẵn về các giá trị sinh học, văn hóa và xã hội của ĐDSH và hỗ trợ phương pháp tiếp cận hệ sinh thái.
Không mất thực: Thiết kế và thực hiện để đạt được tại chỗ, kết quả bảo tồn có thể đo lường một cách hợp lý theo dự kiến sẽ dẫn đến không mất thực và đạt được lợi ích ĐDSH tốt hơn.
Kết quả bảo tồn bổ sung: Đạt được kết quả bảo tồn ở trên và vượt ra ngoài kết quả đó nếu không có bồi hoàn.
Có sự tham gia của các bên liên quan: Tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án và bồi hoàn ĐDSH, phải đảm bảo có sự tham gia của các bên liên quan trong việc ra quyết định về bồi hoàn ĐDSH, trong đó họ đánh giá, lựa chọn, thiết kế, thực hiện và giám sát.
Công bằng/Hợp lý: Có nghĩa là chia sẻ giữa các bên liên quan về quyền và trách nhiệm, rủi ro và lợi ích gắn liền với một dự án và bù đắp một cách công bằng, tôn trọng thỏa thuận pháp lý và phong tục địa phương.
Hiệu quả lâu dài: Dựa trên phương pháp tiếp cận quản lý thích hợp, kết hợp giám sát và đánh giá với mục tiêu đảm bảo hiệu quả kéo dài.
Minh bạch/Rõ ràng: Kết quả của bồi hoàn ĐDSH phải công bố, do vậy bồi hoàn được thực hiện một cách minh bạch và kịp thời.
Khoa học và kiến thức truyền thống: Là một quá trình ghi chép thông tin một cách khoa học, bao gồm cả cân nhắc kiến thức truyền thống phù hợp.
Các bên liên quan chính đến bồi hoàn ĐDSH
Bộ TN&MT sẽ hỗ trợ các biện pháp để cải thiện phương thức xác định những tác động của các hoạt động phát triển tới ĐDSH cũng như bảo tồn ĐDSH. Các Bộ, ngành chịu trách nhiệm phát triển các lĩnh vực khác nhau như thủy điện, hệ thống giao thông, công nghiệp và khu kinh tế trọng điểm có thể sử dụng bồi hoàn ĐDSH như biện pháp để bồi thường tổn thất ĐDSH do các dự án lớn về đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng gây ra.
Ngoài ra, công ty tư nhân cũng sẽ hưởng lợi từ bồi hoàn ĐDSH. Ngày càng có nhiều công ty được tín nhiệm và cấp phép hoạt động như khai thác mỏ, xi măng và các ngành công nghiệp hóa dầu do đã thực hiện tốt BVMT.
Các đối tác phát triển và các cơ quan tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á có hệ thống BVMT, trong đó yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại ĐDSH.
Tất cả tổ chức phi chính phủ quốc tế và quốc gia, các Viện nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển nông thôn được hưởng lợi từ bồi hoàn ĐDSH, bởi vì họ có chuyên gia thực hiện việc đánh giá và quản lý kế hoạch hành động ĐDSH như một phần của chương trình bồi hoàn. Mặt khác, cộng đồng phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng được hưởng lợi từ bồi hoàn ĐDSH.
Hiện nay, bồi hoàn ĐDSH là một phương pháp bảo tồn ĐDSH còn mới đối với Việt Nam. Để có thể triển khai được bồi hoàn ĐDSH thì việc nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn của bồi hoàn ĐDSH, xây dựng quy trình thiết kế một chương trình/dự án bồi hoàn ĐDSH nhằm bảo tồn ĐDSH trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam là một việc làm cần thiết và cấp bách.
Một số nội dung cần được ưu tiên triển khai cho việc áp dụng công cụ bồi hoàn ĐDSH tại Vệt Nam hiện nay: Ưu tiên nghiên cứu xây dựng bộ công cụ hướng dẫn áp dụng bồi hoàn ĐDSH; Tiếp tục nghiên cứu, áp dụng thí điểm thực hiện bồi hoàn ĐDSH cho các loại hình dự án phát triển tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các dự án có tác động đến ĐDSH tại các khu vực có ĐDSH cao; Phát triển cơ sở dữ liệu ĐDSH quốc gia phục vụ công tác quản lý, bảo tồn nói chung và thực hiện bồi hoàn ĐDSH nói riêng; Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức cho các bên liên quan và từng bước có lộ trình áp dụng bồi hoàn ĐDSH tại Việt Nam; Huy động hợp tác quốc tế, mọi nguồn lực cho việc nghiên cứu, xây dựng các công cụ, chính sách bồi hoàn ĐDSH áp dụng cho Việt Nam.
TS. Nguyễn Xuân Dũng
Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số tháng 9/2016))