17/02/2017
Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2050, sẽ có khoảng 70% dân số thế giới sống trong các đô thị (tăng 20% so với hiện nay). Tuy nhiên, hiện tại trên toàn cầu, hơn 80% nước thải được xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý, không được tái sử dụng, bởi hầu hết các TP của các quốc gia đang phát triển không có đủ cơ sở hạ tầng, tài nguyên để giải quyết vấn đề nước thải hiệu quả và bền vững.
Liên hợp quốc cho rằng, nếu nước thải được quản lý hiệu quả sẽ là nguồn tài nguyên nước, năng lượng, dinh dưỡng có chi phí hợp lý và bền vững. Vì vậy, năm 2017, Liên hợp quốc lấy chủ đề cho Ngày Nước thế giới (22/3) là “Nước thải”, nhằm tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của cả xã hội về giảm thiểu ô nhiễm, tái sử dụng tài nguyên nước.
Thống kê của Liên hợp quốc cũng cho thấy, hiện có 1,8 tỷ người sử dụng nguồn nước uống có chứa vi khuẩn gây ra các bệnh như tiêu chảy, kiết lị, thương hàn… làm 842 nghìn người chết mỗi năm; 663 triệu người chưa được tiếp cận với các nguồn nước uống hợp vệ sinh.
Các nhà khoa học cảnh báo, nguồn cung cấp nước sạch giống tình trạng khan hiếm dầu hiện nay, thế giới có thể sẽ thiếu 40% nước sạch trong 20 năm tới và 1/3 dân số toàn cầu chỉ được sử dụng 1/2 lượng nước sinh hoạt; Hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp sẽ thiếu nước trầm trọng. Tuy nhiên, các biện pháp bổ sung nguồn nước thiếu hụt trên toàn cầu cần chi phí 124 tỷ euro hàng năm. Vì vậy, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên nước đang là vấn đề nóng của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Hoàng Đàn (Theo baoxaydung.com.vn)