15/05/2019
Hòa Bình là tỉnh miền núi phía Bắc, có nguồn khoáng sản phong phú, với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn như amiăng, than, đá vôi, đồng, chì, kẽm, kim loại, phi kim loại... Trong những năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn đã đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách nhà nước của tỉnh, góp phần tạo ra việc làm và thu nhập cho các lao động địa phương. Tuy nhiên, hệ lụy của việc khai thác khoáng sản đã và đang tác động xấu đến môi trường và đời sống của cộng đồng địa phương.
Tác động môi trường từ hoạt động khai thác khoáng sản
Báo cáo về tình hình BVMT trong khai thác khoáng sản của UBND tỉnh Hòa Bình cho thấy, từ năm 2007 - 2017, tỉnh đã cấp176 giấy phép theo thẩm quyền, trong đó có 107 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tính đến ngày 31/12/2017, còn lại 86 giấy phép khai thác khoáng sản các loại còn hiệu lực hoạt động. Số còn lại đã bị UBND tỉnh thu hồi vì không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước, hoặc hết hạn giấy phép nhưng không được cấp lại do không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
Tại các địa phương có trữ lượng khoáng sản lớn trên địa bàn tỉnh, tình trạng khai thác quặng vàng trái phép vẫn diễn ra phức tạp ở huyện Kim Bôi, Lạc Thủy, Lương Sơn. Tại huyện Lạc Thủy, những bãi vàng lậu trở thành "ma trận" ở xã Thanh Nông nhiều năm nay. Hàng chục hầm đào vàng với độ sâu hàng chục mét. Xã này còn có một mỏ vàng lộ thiên ngay dưới chân núi với quy mô lớn, tập trung nhiều máy xúc, dây chuyền tuyển quặng. Nạn "vàng tặc" đã tàn phá nhiều ha đồng ruộng ở miền quê vốn yên bình này. Với quy mô rộng, nhiều chiêu trò ngụy trang, thậm chí là núp bóng doanh nghiệp, nạn “ vàng tặc” đã gây những hậu quả nghiêm trọng về môi trường và an toàn lao động. Trong quá trình khai thác, đã có nhiều cái chết thương tâm xảy ra do sập hầm, khoét núi, nổ mìn… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khai thác đá ở huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn đã vi phạm nghiêm trọng về an toàn, vệ sinh lao động và môi trường.
Tại huyện Kỳ Sơn, trên địa bàn các xã: Dân Hạ, Yên Quang, Hợp Thịnh, Hợp Thành có 15 doanh nghiệp, hộ dân được cấp phép khai thác các loại đất, đá, cát, sỏi. Nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác với diện tích lớn cùng hàng chục hộ dân khai thác với quy mô nhỏ. Nhìn chung qua công tác quản lý của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và các hộ dân đã chấp hành các quy định về khai thác khoáng sản theo địa bàn được cấp phép, đúng quy trình hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động khai thác đất đá, cát, sỏi trên địa bàn vẫn còn phức tạp. Một số doanh nghiệp, hộ dân không được cấp phép đã khai thác hoặc được cấp phép nhưng khai thác ngoài tọa độ cho phép, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu thuế, phí. Địa bàn khai thác giáp ranh với tỉnh Phú Thọ, do đó một số doanh nghiệp, hộ dân tỉnh ngoài vẫn lén lút khai thác, nhất là vào ban đêm. Việc khai thác đất, đá đã làm thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, gây bức xúc trong nhân dân.
Ngoài ra, một số dự án khai thác khoáng sản, đặc biệt là quặng sắt chưa thực hiện nghiêm túc theo dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết BVMT đã được phê duyệt gây ảnh hưởng đến môi trường. Nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản hiện nay đang sử dụng các công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu, xây dựng công trình và áp dụng các hệ thống thiết bị xử lý chất thải không đảm bảo quy chuẩn môi trường. Kết quả kiểm tra các cơ sở khai thác khoáng sản của Đoàn kiểm tra liên ngành cho thấy, từ năm 2012 - 2017, đã tiến hành xử lý vi phạm về lĩnh vực khoáng sản và BVMT đối với 65 lượt cá nhân, tổ chức với tổng số tiền là 878 triệu đồng; 42 cơ sở hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường chưa đúng trình tự, thời gian và số tiền ký quỹ theo quy định.
Hoạt động khai thác đá tại Lương Sơn (Hòa Bình) gây ô nhiễm môi trường
Nguyên nhân khiến hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn ngày càng phức tạp là do nhận thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân và người dân chưa cao, chưa ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ, sử dụng khoáng sản. Trong khi đó, lực lượng cán bộ quản lý cấp huyện, xã còn thiếu, phương tiện phục vụ thanh, kiểm tra, giám sát còn yếu. Đặc biệt, các đối tượng khai thác khoáng sản thường lợi dụng đêm tối để hoạt động, cố tình né tránh hoạt động của đoàn kiểm tra, nên gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý. Nhiều vụ việc khai thác khoáng sản trái phép, chính quyền địa phương xử lý kéo dài, tồn động thành điểm nóng phức tạp.
Thực hiện những giải pháp khả thi
Để tăng cường tác BVMT trong khai thác khoáng sản, ngày 2/4/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 16/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo đó, khai thác khoáng sản phải đảm bảo nguyên tắc: Được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và BVMT; sử dụng công nghệ hiện đại, chế biến sâu, hiệu quả kinh tế cao và an toàn lao động; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản.
Đồng thời, UBND tỉnh Hòa Bình đã Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp bảo vệ khu vực khoáng sản chưa được phép khai thác, hoặc chưa được khoanh vùng chỉ định bảo vệ gìn giữ; huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn để giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép.
Tăng cường thanh, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản; kiên quyết xử lý các đơn vị không thực hiện nghiêm túc các quy định về hoạt động khoáng sản. Đình chỉ hoạt động, đề xuất thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản đối với các tổ chức cá nhân hoạt động khoáng sản có nguy cơ cao về mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Xử lý kịp thời, triệt để các tụ điểm khai thác trái phép khoáng sản.
Thường xuyên tổ chức rà soát và thông báo cho các doanh nghiệp về thời hạn giấy phép, chấm dứt hiệu lực giấy phép. Đầu tư kinh phí cho công tác điều tra cơ bản địa chất, tài nguyên khoáng sản; nghiên cứu, đề xuất các biện pháp phòng, chống và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý tại các địa phương nhất là cấp huyện và xã.
Xem xét cấp phép khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính thực hiện dự án, sử dụng công nghệ khai thác và trang thiết bị hiện đại để tận thu toàn bộ lượng khoáng sản được cấp phép theo thiết kế cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phục hồi môi trường sau khai thác, đảm bảo hoạt dộng khai thác không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Nâng cao công tác giám sát, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở xây dựng công trình và áp dụng hệ thống thiết bị xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn môi trường, thực hiện đầy đủ các cam kết BVMT. Ứng dụng công nghệ chủ động hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững trong khai thác khoáng sản.
Nguyễn Thị Thùy
Đại học Mỏ địa chất
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)