07/10/2019
Quần thể hổ tại Việt Nam đang ngày càng suy giảm nghiêm trọng, từ khoảng 400 cá thể vào những năm 1970 xuống còn khoảng dưới 5 cá thể hổ ngoài tự nhiên vào năm 2015. Kể từ năm 2009, không có ghi nhận thực tế nào (ảnh chụp, mẫu vật) về hổ hoang dã tại Việt Nam. Hổ Việt Nam hiện đang nằm chấp chới giữa tình trạng “tuyệt chủng trong tự nhiên” và “đang bị đe dọa tuyệt chủng”. Bảo tồn loài hổ đang là yêu cầu cấp thiết của các quốc gia có hổ, trong đó có Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam nên lựa chọn hình thức bảo tồn nào, bảo tồn nguyên vị hay chuyển vị, để xây dựng và thực hiện các bước đi cần thiết trong những năm tiếp theo.
Tình trạng loài hổ trong tự nhiên
Trong Công ước CITES, hổ (Panthera tigris) được liệt kê trong Phụ lục I, tức là “loài động vật hoang dã (ĐVHD) bị đe dọa tuyệt chủng, bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại” (Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp). Hổ hoang dã (bao gồm 9 phân loài, trong đó có 3 phân loài đã bị tuyệt chủng) sinh sống trong nhiều sinh cảnh khác nhau ở 13 quốc gia, chủ yếu khu vực châu Á. Ấn Độ hiện là quốc gia có số cá thể hổ trong tự nhiên lớn nhất với 3.890 cá thể, chiếm hơn 57% tổng số cá thể hổ sống trong tự nhiên (tính đến tháng 4/2016), tiếp đó là Nga (433 cá thể), Inđônêxia (371), Malaixia (250), Nêpan (198), Thái Lan (189). Butan và Bănglađét mỗi nước còn khoảng 100 cá thể. Campuchia tuyên bố hổ của nước này đã tuyệt chủng cách đây vài năm. Phân loài tại Việt Nam là hổ Đông Dương (tigris corbetti), thường được tìm thấy ở Đông Dương (Campuchia, Lào, Việt Nam) và các nước Trung Quốc, Malaixia, Myanma,Thái Lan.
Tại Việt Nam, quần thể hổ suy giảm nhanh chóng từ khoảng 400 cá thể vào những năm 1970 xuống còn khoảng 200 cá thể vào năm 1998. Cũng trong năm này, WWF thống kê được 47 điểm tại Việt Nam có hổ sinh sống trong tự nhiên, chủ yếu ở các tỉnh Lai Châu, Thanh Hóa, Quảng Nam, Kon Tum, Đắc Lắc. Năm 2010, CITES Việt Nam ước tính có ít hơn 50 cá thể hổ còn sống ngoài tự nhiên. Năm 2011, khảo sát của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật tại 6 tỉnh Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Điện Biên, Kon Tum và Đắc Lắc dựa trên các dấu hiệu đặc trưng và phỏng vấn,ước tính quần thể hổ hoang dã còn khoảng từ 27 đến 47 cá thể (bao gồm cả các cá thể ở khu vực chung biên giới với Campuchia và Lào). Năm 2015, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xác định Việt Nam chỉ còn dưới 5 cá thể hổ ngoài tự nhiên.
Chiếu vào các quy định hiện hành (Hộp 1), loài hổ hoang dã Việt Nam hiện nằm chấp chới giữa tình trạng “tuyệt chủng trong tự nhiên” và “đang bị đe dọa tuyệt chủng”. Mặc dù chưa bị tuyên bố chính thức tuyệt chủng trong tự nhiên, nhiều nhà khoa học và chuyên gia bảo tồn cho rằng trên thực tế hổ không còn tồn tại trong tự nhiên tại Việt Nam.
|
1. Loài ĐVHD, thực vật hoang đã được xác định là loài có số lượng cá thể còn ít hoặc bị đe dọa tuyệt chủng khi có một trong các điều kiện sau: a) Suy giảm quần thể ít nhất 50% theo quan sát hoặc ước tính trong mười (10) năm gần nhất hoặc ba (03) thế hệ cuối tính đến thời điểm đánh giá; hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 50% trong 10 năm hoặc ba (03) thế hệ tiếp theo tính từ thời điểm đánh giá; b) Nơi cư trú hoặc phân bố ước tính dưới 500 km2 và quần thể bị chia cắt nghiêm trọng hoặc suy giảm liên tục về khu vực phân bố, nơi cư trú; c) Quần thể loài ước tính dưới 2.500 cá thể trưởng thành và có một trong các điều kiện: suy giảm liên tục theo quan sát hoặc ước tính số lượng cá thể từ 20% trở lên trong năm (05) năm gần nhất hoặc hai (02) thế hệ cuối tính đến thời điểm đánh giá; suy giảm liên tục số lượng cá thể trưởng thành, cấu trúc quần thể có dạng bị chia cắt và không có tiểu quần thể nào ước tính có trên 250 cá thể trưởng thành hoặc chỉ có một tiểu quần thể duy nhất; d) Quần thể loài ước tính có dưới 250 cá thể trưởng thành; đ) Xác suất bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên của loài từ 20% trở lên trong vòng 20 năm tiếp theo hoặc năm (05) thế hệ tiếp theo tính từ thời điểm lập hồ sơ. |
Xác định loài tuyệt chủng trong tự nhiên (EW) Bộ KH&MT, Queensland |
Xác định loài có số lượng cá thể còn ít hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng Điều 5, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP |
Hộp 1: Xác định các loài tuyệt chủng trong tự nhiên và đang bị đe dọa tuyệt chủng |
Nhìn chung, các nhà bảo tồn thường có xu hướng thiên về bảo tồn nguyên vị (in-situ) do phương pháp này đem lại nhiều lợi ích nhờ bảo vệ sinh cảnh, duy trì các chức năng hệ sinh thái (HST) của rừng và nhiều loài động, thực vật rừng, đảm bảo không làm gián đoạn quá trình tiến hóa tự nhiên của sinh vật rừng, đặc biệt là các loài được ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, với hiện trạng và điều kiện của Việt Nam hiện nay, phương án bảo tồn nguyên vị, tái thả hổ vào tự nhiên, là không khả thi. Nếu chỉ xét ở phạm vi trong nước, hy vọng duy trì và phát triển đàn hổ tại Việt Nam hiện nay có lẽ vẫn chủ yếu nằm ở phương án nuôi bảo tồn (tức là bảo tồn chuyển vị - ex-situ) và chờ đến thời điểm thích hợp để tái thả.
Thách thức trong công tác bảo tồn chuyển vị đối với loài hổ
Hiện nay, tại Việt Nam có 3 giải pháp đang được thực hiện một cách tích cực, đó là tăng cường quản lý, giám sát hoạt động gây nuôi bảo tồn hổ; tăng cường hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm về bảo tồn hổ và con mồi của hổ; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm ngăn chặn việc sử dụng các sản phẩm từ hổ, con mồi của hổ và ĐVHD trái phép. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi cũng đang gặp nhiều trở ngại, bất cập về quy định pháp luật lẫn năng lực thực thi và kiểm tra, giám sát.
Khó bảo tồn nguồn gen thuần chủng: Điều tra của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho thấy, đến tháng 5/2019, cả nước có 16 cơ sở đăng ký nuôi nhốt hổ với 243 cá thể, tuy nhiên phần lớn trong số này là hổ nhập từ nước ngoài, thuộc các phân loài như hổ bengal (Panthera tigris tigris), hổ si-be-ri (Panthera tigris altaica). Hổ Đông Dương hiện còn rất ít trong các trại nuôi và không thuần chủng. Điều này khiến công tác tái thả, phục hồi đàn hổ trong tự nhiên tại Việt Nam càng khó khăn hơn.
Hạn chế trong công tác quản lý các cơ sở nuôi hổ: Về lý thuyết, các cơ sở hoặc trang trại gây nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, bảo tồn hổ cũng có thể đóng góp vào giải pháp bảo tồn chuyển vị, nếu đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn cần thiết. Công tác nuôi bảo tồn tại một số vườn thú của nhà nước và tư nhân hiện nay có thể coi là đã đáp ứng một phần các yêu cầu nghiêm ngặt của bảo tồn chuyển vị đối với các cá thể hổ còn sống. Dù vậy, vẫn phải lưu ý rằng hổ đang được nuôi trong các cơ sở này phần lớn vẫn có nguồn gốc nhập ngoại, phổ biến là hổ Bengal, không phải là loài hổ Đông Dương bản địa. Một trong những bất cập hiện nay là các “tiêu chuẩn” chưa được quy định rõ ràng, các “yêu cầu” không được tuân thủ và quản lý, chấn chỉnh, xử phạt kịp thời, dẫn đến tình trạng nhập nhèm về mục đích nuôi, lợi dụng danh nghĩa nuôi bảo tồn để buôn bán hổ trái pháp luật. Điển hình là vụ hổ tấn công người tại Khu sinh thái Thanh Cảnh (Bình Dương) ngày 4/6/2019, cơ quan chức năng mới điều tra và xác định một loạt vi phạm tại cơ sở nuôi hổ này là giấy phép quá hạn, chuồng trại quá sơ sài, nhân viên chăm sóc không được đào tạo chuyên nghiệp, không có lối thoát hiểm nhanh nhất cho người…
Hổ Việt Nam hiện đang nằm trong tình trạng “tuyệt chủng trong tự nhiên” và “bị đe dọa tuyệt chủng”
Thiếu năng lực tiếp nhận, cứu hộ hổ: Trong khi loài voi được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để bảo tồn, thì kinh phí dành cho bảo tồn hổ lại rất hạn chế, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng về số lượng, cũng như năng lực tiếp nhận của các trung tâm cứu hộ ĐVHD. Ngay cả cơ sở bảo tồn có bề dày kinh nghiệm bậc nhất ở Việt Nam là Thảo Cầm Viên Sài Gòn cũng đang ở trong tình trạng quá tải. Hiện Thảo Cầm Viên đang có 16 cá thể hổ, trong khi quy hoạch chỉ tính cho 14 cá thể. Điều này dẫn đến việc áp dụng tràn lan phương án hợp thức hóa sai phạm tại các cơ sở nuôi hổ, gia hạn giấy phép cho các cơ sở nuôi vi phạm, thậm chí vi phạm nghiêm trọng các quy định về gây nuôi, bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm thuộc danh mục cấm nuôi vì mục đích thương mại, trong đó có hổ.
Thiếu chuyên gia bảo tồn hổ: Khái niệm “bảo tồn” ở đây được hiểu theo nghĩa hẹp, tức là bao gồm việc đảm bảo cá thể hổ được bảo tồn có thể sống trong môi trường tương tự trong tự nhiên, phát triển bình thường, không bị lai tạp và không mất bản năng sinh tồn trong tự nhiên. Các nghiên cứu về tập tính loài hổ cho thấy, để đảm bảo kỹ năng săn mồi, hổ con phải được luyện đúng cách từ 6 - 15 tháng tuổi. Hiện Việt Nam đang thiếu đội ngũ chuyên gia bảo tồn hổ ở trình độ này.
Điều kiện cần và đủ để bảo tồn hổ trong tự nhiên
Hổ là một loài có tính biểu tượng cao và được kính ngưỡng trong nhiền nền văn hóa. Trong tự nhiên, hổ là một trong những loài chủ chốt, đứng đầu chuỗi thức ăn và giữ cân bằng giữa quần thể các loài ăn cỏ với mức độ phong phú của các loài thực vật tại nơi chúng sinh sống, qua đó đảm bảo các khu rừng được duy trì và cung cấp đầy đủ cho con người các dịch vụ HST vốn có. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc giữ rừng và duy trì các dịch vụ HST như cung cấp sản vật, giữ nước, giữ đất, giảm tần suất xuất hiện và tác hại của các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão, lũ… là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Về mặt lý thuyết, bảo tồn hổ trong tự nhiên cũng giúp bảo tồn các loài động, thực vật rừng khác, nhờ đó làm tăng mức độ ĐDSH và sự giàu có của rừng. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, khi các loài ăn cỏ cũng đã bị săn, bắn, bẫy, bắt đến mức tận diệt, số lượng cá thể còn lại rất ít, vai trò của loài hổ trong HST cũng không còn ý nghĩa quan trọng để duy trì sự cân bằng trong HST.
Để hổ có thể sống trong điều kiện tự nhiên, các “điều kiện cần” tối thiểu phải bao gồm có đủ thức ăn, tức là có đủ số lượng cá thể các loài thú ăn cỏ và thú ăn thịt nhỏ hơn, và đủ không gian sống. Mỗi con hổ cần khoảng 10 - 20kg thịt mỗi ngày. Tuy nhiên, do không thường xuyên săn được mồi, hổ có thể ăn một lần từ 18 - 45 kg thịt và nhịn ăn trong nhiều ngày tiếp theo. Trung bình mỗi năm, một con hổ cần đến khoảng 50 con mồi to bằng con nai hay khoảng 1 con/tuần. Về cơ bản, rừng ở Việt Nam không còn đủ thú làm mồi săn cho hổ. Mặt khác, không gian sống của hổ phụ thuộc một phần vào thức ăn. Rừng càng ít thú săn, hổ càng phải đi xa hơn để kiếm ăn. Một cá thể hổ cái thường hoạt động trong lãnh thổ tối thiểu khoảng 30 km2. Con đực cần nhiều không gian hơn, thường ít nhất cũng vào khoảng 100 km2. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, một cá thể hổ đực trưởng thành có thể di chuyển trong phạm vi từ 150 - 1.000 km2. Trong những năm qua, rừng Việt Nam bị khai thác và chia cắt, khiến những vùng rừng còn đủ rộng để hổ sinh sống còn lại rất ít. Những vùng rừng nhỏ, nếu thả hổ vào sẽ gây cạn kiệt các loài thú nhỏ trong một thời gian ngắn và gây nguy hiểm cho chính con người. Các khu vực lý tưởng có thể tái thả hổ vào hoang dã có thể là một vài VQG có diện tích lớn và các khu vực giáp biên giới với Campuchia và Lào, đòi hỏi sự phối hợp hết sức chặt chẽ và hiệu quả giữa 3 nước.
Điều kiện đủ để hổ có thể sống trong tự nhiên bao gồm các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, thực thi pháp luật nhằm hạn chế nạn săn bắt trái phép, đảm bảo tính toàn vẹn của các khu rừng và đấu tranh hiệu quả, chống tình trạng buôn bán hổ và các bộ phận của hổ. Tuy nhiên, công tác thực thi pháp luật bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH rừng ở Việt Nam hiện còn gặp nhiều thách thức và hiệu quả không cao.
Các giải pháp bảo tồn hổ tại Việt Nam và cơ hội cho bảo tồn nguyên vị đối với loài hổ
Tại Hội nghị thượng đỉnh về Hổ tại Saint Peterburg vào năm 2010, lãnh đạo 13 quốc gia có hổ đã cam kết nhân đôi số lượng hổ hoang dã vào năm 2022. Chỉ tiêu nhân đôi được áp dụng cho số cá thể hổ tại cả 13 quốc gia, không nhất thiết yêu cầu mỗi quốc gia đều phải nhân đôi số lượng hổ của mình. Việt Nam cam kết “tăng số lượng hổ tự nhiên và con mồi bằng việc giảm thiểu tối đa những mối đe dọa mà hổ phải đối mặt”.
Tháng 4/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 539/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014 – 2022. Chương trình đặt mục tiêu “Bảo vệ, bảo tồn hổ, sinh cảnh và con mồi của hổ, góp phần ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022 theo mục tiêu đã được xác định tại Chương trình bảo tồn hổ toàn cầu mà Việt Nam đã cam kết tham gia thực hiện” thông qua 7 nhóm giải pháp chính, trong đó có các giải pháp: Xác lập khu vực ưu tiên bảo tồn hổ và đề xuất xây dựng các hành lang bảo tồn sinh cảnh sống của hổ trong tự nhiên; Xây dựng chương trình giám sát quần thể hổ và con mồi của hổ trong tự nhiên; Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động gây nuôi bảo tồn hổ; Tăng cường hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm về bảo tồn hổ và con mồi của hổ; Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm ngăn chặn việc sử dụng các sản phẩm từ hổ, con mồi của hổ và ĐVHD trái phép; Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, thiết lập cơ chế tài chính phù hợp với yêu cầu nhằm tăng cường công tác bảo tồn hổ; Tăng cường hợp tác liên biên giới với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực và toàn cầu về công tác bảo tồn hổ.
Tính đến thời điểm này, khi thời hạn cuối để thực hiện Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ 2014 – 2022 còn hơn 3 năm và với mức đầu tư hiện tại, khó có thể nói Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra trong Chương trình. Ở tầm quốc tế, nhiều tín hiệu tích cực đã được ghi nhận ở một số nước như Nepal, Nga, Thái Lan, Ấn Độ. Số cá thể hổ được ghi nhận tăng 61% tại VQG Primorskii Krai (Nga) vào năm 2017, tăng 63% tại Nepal trong 5 năm 2008-2013. Tuy nhiên, mục tiêu nhân đôi số lượng hổ trong tự nhiên vẫn còn gặp nhiều thách thức và rất khó đạt được.
Năm 2010 Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về bảo tồn hổ đã xây dựng một chương trình Khôi phục hổ toàn cầu (GTRP) trong 12 năm với chi phí dự kiến 350 triệu USD cho 5 năm đầu tiên. Một số tổ chức bảo tồn, cơ quan quản lý tại các quốc gia có hổ đang sử dụng nguồn kinh phí này cho công tác bảo tồn hổ. WWF đã bắt đầu triển khai thực hiện kế hoạch tái thả hổ ở Khu bảo tồn Mondulkiri (Campuchia) và khu vực giáp ranh thuộc VQG Yok Đôn (Việt Nam). Kế hoạch bắt đầu với việc đánh giá, kiểm soát và tăng mồi săn của hổ trong khu vực, đồng thời tăng cường thực thi pháp luật và tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo tồn ĐDSH, bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm cho chính quyền và người dân địa phương ở khu vực này. Tuy nhiên, giai đoạn này có thể rất dài, nhanh nhất cũng phải mất hơn 5 năm, chậm thì có thể đến 20 năm. Trong giai đoạn trước mắt, nên ưu tiên cho việc tăng cường năng lực quản lý và thực hiện các giải pháp bảo tồn chuyển vị, tức là nuôi sinh sản và chọn lọc các cá thể hổ thuần chủng trong môi trường nuôi nhốt hoặc bán hoang dã.
Các giải pháp cấp bách cho bảo tồn chuyển vị hiện nay nên bao gồm: Chọn các cá thể hổ phù hợp để nuôi sinh trưởng, sinh sản; Đầu tư hợp lý để tăng cường năng lực tiếp nhận của các cơ sở bảo tồn hổ (về số lượng cơ sở bảo tồn, năng lực tiếp nhận, cán bộ có chuyên môn…); Tăng cường quản lý các cơ sở nuôi hổ của nhà nước và tư nhân, đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật về nuôi bảo tồn hổ, xử phạt thích đáng các hành vi vi phạm; Tăng cường thực thi pháp luật và giáo dục tại các khu vực phù hợp điều kiện tái thả hổ nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện giải pháp bảo tồn nguyên vị đối với loài hổ trong tương lai; Hợp tác chặt chẽ với 12 quốc gia có hổ còn lại, đặc biệt là với Campuchia và Lào trong việc bảo tồn xuyên biên giới, trong đó có bảo tồn hổ.
Trần Lê Trà
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2019)