Banner trang chủ

Bảo tồn di sản dựa vào dân

20/08/2018

     Bảo tồn di sản dựa vào cộng đồng dân cư bản địa trên cơ sở đem lại lợi ích cho người dân từ chính di sản mà họ đang sống cùng, đang bảo vệ, đó là cách làm hữu ích và bền vững nhất từ trước tới nay. Có thể kể ra một số địa phương đã áp dụng thành công cách làm này, thậm chí đã trở thành điển hình trong việc bảo tồn di sản bền vững, như Quảng Nam, Đác Nông… Các địa phương này đã chia sẻ kinh nghiệm của mình tại Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam mới đây.

 

Trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên

 

Kinh nghiệm của các địa phương

     Địa phương điển hình nhất trong việc khai thác tiềm lực của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản là Quảng Nam. Đây là địa phương đã thành công trong vận động người dân cùng tu bổ di tích ở khu đô thị cổ Hội An. Chủ nhân của những ngôi nhà cổ hằng ngày giữ nguyên nếp sống trầm mặc, chậm rãi và tĩnh tại như đã có từ cách đây cả trăm năm, giữ gìn từng cánh cửa, viên gạch, thậm chí từng mảng rêu trên mái, mở lòng đón du khách khắp nơi và kể cho họ nghe những câu chuyện gắn với tinh thần người Hội An cũng cả trăm năm nay. Những buổi tối cuối tuần, mỗi ngôi nhà trong khu phố cổ lại giống như một sân khấu riêng, với nơi này các cụ già bày bàn cờ giải trí, nơi kia mấy bác trung niên ngồi so dây, đàn lên một khúc xưa…. Người dân Hội An cũng đã cùng nhau làm nên phần linh hồn của khu phố cổ, với những nếp sống, nếp nghĩ đã trở thành một thứ “di sản” về tinh thần mà ai cũng nhớ đến mỗi khi nhắc đến Hội An. Bởi vì người dân phố cổ đã hiểu rằng họ cũng đang được trực tiếp hưởng thụ những lợi ích vật chất, tinh thần từ những di sản văn hóa mà các thế hệ trước để lại.

    Kinh nghiệm từ Quảng Nam cho thấy, để phát huy vai trò của cộng đồng, trước hết tỉnh phải có cơ chế chính sách phù hợp và chính quyền địa phương cũng phải có sự sáng tạo và linh hoạt nhất định. Chính quyền phải đưa lợi ích mà người dân nhận được từ bảo vệ di sản thông qua du lịch. Những lợi ích từ du lịch cũng là động lực tinh thần rất lớn thôi thúc cộng đồng cư dân tích cực tham gia hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Chính vì thế, thực tiễn công tác quản lý di sản ở Quảng Nam cho thấy thành công của việc bảo tồn là thành quả chung của sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư và các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ.

    Bên cạnh Quảng Nam, Đác Nông cũng là địa phương làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thông qua vai trò của cộng đồng.

    Kinh nghiệm từ Đác Nông cho thấy, trước hết, sự “sống còn” của cồng chiêng phụ thuộc vào sự tồn tại của các dàn cồng chiêng. 15 năm trước, khi mới thành lập, số lượng các dàn cồng chiêng ở Đác Nông bị mai một ở mức báo động. Trong suốt 15 năm qua, tỉnh đã mua hàng trăm bộ chiêng mới chế tác từ lò đúc truyền thống Phước Kiều (Điện Bàn, Quảng Nam) – nơi có truyền thống đúc chiêng cho vùng Tây Nguyên từ hàng trăm năm nay để thay thế cho những bộ đã mất hoặc hư hỏng. Nhờ đó, tình trạng “chảy máu cồng chiêng” giảm hẳn.

     Ngoài ra, việc truyền dạy diễn tấu chiêng theo phương thức truyền miệng cũng được tìm hiểu kỹ, từ đó có vận động, khuyến khích nghệ nhân tham gia truyền dạy, đồng thời nâng cao năng lực của nghệ nhân làm công việc truyền dạy. Đác Nông cũng khuyến khích các nghệ nhân sáng tác thêm các bài chiêng mới, bổ sung thêm hệ thống bài chiêng, đồng thời xây dựng các điệu múa theo nhạc chiêng, từ đó khai thác chất liệu âm nhạc dân gian đặc trưng của người M’Nông, Mạ và Ê-đê.

     Một điều quan trọng nữa, là việc khôi phục “không gian thiêng” của cồng chiêng là nghi lễ và lễ hội, song song với việc tạo ra những môi trường mới cho cồng chiêng như đưa vào các hoạt động xã hội như sinh hoạt của học sinh trường dân tộc nội trú, các hội thi, hội diễn, ngày hội văn hóa, giao lưu văn hóa các dân tộc, biểu diễn cồng chiêng giao lưu, các hoạt động du lịch cộng đồng và sự kiện quảng bá du lịch… Ở nhiều sự kiện quảng bá du lịch, trình diễn cồng chiêng không chỉ tạo sự thích thú đối với du khách, mà còn khơi gợi niềm tự hào và tình yêu vào nghệ thuật truyền thống ở chính những thành viên trong dàn chiêng, mà một số trong đó còn khá trẻ.

Bảo tồn di sản dựa trên nhu cầu của cộng đồng

     Những kinh nghiệm trên cho thấy mọi hoạt động, mọi nội dung và hình thức của bảo tồn và phát huy di sản đều cần phải căn cứ trên nhu cầu thực sự của cộng đồng, chính là những chủ thể văn hóa của di sản. Tất cả những gì áp đặt từ bên ngoài, từ mong muốn chủ quan của các cơ quan quản lý cho việc bảo tồn này đều không thành công. Nhu cầu, năng lực của cộng đồng và lợi ích của cộng đồng là điều quan trọng trong mọi công tác bảo tồn di sản.

     Điều này nhìn thấy rõ nhất từ thí dụ của Hội An. Gắn quyền lợi của người dân với những lợi ích thu lại được từ di sản đã khiến Hội An là địa chỉ thành công nhất trong việc bảo tồn di sản với nhiều giải thưởng. Hội An cũng được Chủ tịch nước gửi thư khen, được UNESCO trao tặng giải thưởng kiệt xuất về bảo vệ di sản. Việc nghệ thuật bài chòi được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cuối năm 2017 lại giúp cho Hội An trở thành địa phương hiếm hoi trong cả nước (cùng với Huế) sở hữu cả di sản vật thể và di sản phi vật thể. Những đêm biểu diễn bài chòi bên sông Hoài luôn chật kín khách, đó cũng là sự khích lệ lớn nhất đối với những người dày công gìn giữ và trao truyền loại hình di sản phi vật thể này, và cũng làm tăng thêm sức hấp dẫn cho phố cổ.

     Con số du khách và doanh thu của Hội An qua số liệu của hai năm 2006 và 2016 đã cho thấy rõ sự tăng trưởng vượt bậc: Năm 2006, số du khách đến với Hội An là hơn 878 nghìn người, doanh thu đạt hơn 28 nghìn USD, thì đến năm 2016, con số du khách là 1,6 triệu du khách, và doanh thu đạt 7,8 triệu USD.

     Nói về việc bảo tồn di sản với chủ thể là cộng đồng, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) cho rằng, di tích lịch sử - văn hóa đến từ quá khứ, nhưng không đơn thuần chỉ là quá khứ mà phải mang hơi thở của thời đại, phải thực sự trở thành một bộ phận hữu cơ của cuộc sống đương đại. Công ước UNESCO 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể cũng ghi nhận: “Các cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ, duy trì, thực hành và tái tạo di sản văn hóa phi vật thể, từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người”. Nắm được chìa khóa này, sẽ nắm được thành công trong bảo vệ di sản.

 

Quỳnh Như (Theo Nhandan)

Ý kiến của bạn