Banner trang chủ

Bước đầu đánh giá hiện trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại một số bãi biển Việt Nam

16/07/2020

    Rác thải nhựa (RTN) trên biển là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất hiện nay. RTN gây ô nhiễm các môi trường sống tự nhiên trên cạn, nước ngọt, biển thậm chí cả đáy biển sâu. Hầu hết nhựa đều nổi trong nước nên một lượng lớn mảnh vụn nhựa tích tụ trên mặt biển và được sóng hoặc dòng chảy đẩy vào ven bờ. Việt Nam có khối lượng RTN xả ra biển dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng RTN ra biển và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8kg/năm/người năm 1990, tăng lên 54 kg/năm/người vào năm 2018, trong đó 37,43% sản phẩm là bao bì và 29,26% là đồ gia dụng (Hiệp hội nhựa Việt Nam, 2019). Trên thực tế  hiện nay, Việt Nam chưa có nghiên cứu hoặc thống kê định lượng nào về lượng RTN tại các vùng biển ven bờ, trong đó có các Khu bảo tồn biển, là khu vực chịu ảnh hưởng do ô nhiễm rác thải trên biển.

   Với mục tiêu xây dựng phương pháp tiêu chuẩn cho giám sát ô nhiễm nhựa và đánh giá hiện trạng ô nhiễm rác thải, RTN trên các bãi biển, năm 2019, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (Greenhub) đã phối hợp với Ban quản lý của 10 Khu bảo tồn biển (KBTB), Vườn quốc gia (VQG) có biển, bao gồm: VQG Bái Tử Long, KBTB Bạch Long Vỹ, VQG Cát Bà, KBTB Cồn Cỏ, KBTB Cù Lao Chàm, KBTB Lý Sơn, KBTB Vịnh Nha Trang, VQG Núi Chúa, KBTB Hòn Cau, VQG Côn Đảo tiến hành khảo sát, đánh giá về số lượng và khối lượng rác thải trên các bãi biển. Đây được coi là nghiên cứu định lượng đầu tiên về RTN tại vùng ven biển Việt Nam.

 

Các chuyên gia của Tổ chức IUCN và GreenHub thực hiện hoạt động thu gom, phân loại RTN ở bãi biển Cồn Cỏ

 

Kết quả đánh giá hiện trạng RTN tại các bãi biển

   Thực hiện công tác nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về lượng RTN trên các bãi biển, các chuyên gia đã chọn 30 bãi biển thuộc 10 địa điểm (mỗi địa điểm 3 bãi) được khảo sát trong 2 mùa (mùa mưa từ tháng 4 đến 6, mùa khô từ tháng 10 đến 12 năm 2019). Phân tích các khu vực khảo sát theo vị trí được chia làm 3 loại: Bãi trên các đảo, bao gồm: Bái Tử Long, Cát Bà, Cù Lao Chàm; Đảo xa bờ: Bạch Long Vĩ,  Lý Sơn, Hòn Cau, Côn Đảo và bãi trên đất liền gồm: Quảng Trị, Nha Trang, Núi Chúa.

    Các hoạt động khảo sát được thực hiện theo phương pháp giám sát RTN tại vùng bờ ven biển,  được xây dựng dựa trên hướng dẫn của Cơ quan khí quyển Đại dương Hoa Kì (NOAA) và Chương trình Liên hiệp Quốc về Môi trường (UNEP) và điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Các bãi biển được lựa chọn khảo sát với các tiêu chí sau: Bãi cát, bãi cuội sỏi hoặc bãi rạn san hô; dễ tiếp cận, ít biến động theo mùa; bãi dài ít nhất 100 m; Không có hoạt động dọn dẹp thường xuyên (hoặc dọn dẹp ít nhất 3 tháng trước thời điểm khảo sát); nằm trong khu bảo tồn biển và/hoặc có sự phân bố của các loài quý hiếm, loài di cư như chim biển, rùa biển. Tại mỗi bãi biển, lựa chọn 100 m chiều dài, lựa chọn ngẫu nhiên 4 mặt cắt, mỗi mặt cắt (MC) rộng 5 m và chiều dài khác nhau tùy thuộc chiều dài bãi biển từ vùng cao triều đến mép nước. Tiến hành thu thập rác thải trên từng mắt cắt được lựa chọn, trong vùng cao triều và gian triều (cao triều đến sát mép nước) vào thời điểm thủy triều thấp nhất (nước ròng). Rác được thu có kích thước từ 2.5cm trở lên sau đó phân thành 42 loại theo các nhóm: Nhựa (18 loại), thủy Tinh (4 loại), kim loại (4 loại), cao su (5 loại), giấy (4 loại), vải (6 loại) và rác hỗn hợp. Rác có kích thước và khối lượng lớn được chụp ảnh, đo kích thước để tính toán xác định khối lượng.

   Qua hai đợt khảo sát tại 10 địa điểm, tổng số đã thu được 86.092 mảnh rác thải ở các kích cỡ khác nhau, trung bình là 368,7 mảnh/MC (SD ± 475,7, dao động từ 13 đến 3168). Tương ứng với tổng khối lượng là 1135,046 kg, trung bình 4,729 kg/MC (SD ± 6,371, giao động từ 0 đến 56,99 kg). Tính trung bình trên 100m chiều dài bãi biển sẽ có số lượng rác thải là 7374 mảnh và 94,58 kg. Như vậy, số lượng và khối lượng rác trên bãi biển của Việt Nam cao hơn so với Hàn Quốc (480,9 mảnh, 86,5 kg /100m) (Hong, Lee, Kang, Choi, & Ko, 2014).

   So sánh giữa hai mùa cho thấy, mùa mưa có số lượng rác thải cao với tổng số 52.820 mảnh, trung bình 440,2 ± 530,8, cao hơn nhiều so với mùa khô (tổng số 33.272 mảnh, trung bình 277,3 ± 399,5) nhưng khối lượng giữa hai mùa là tương đương nhau, lần lượt là 565,618 kg, trung bình 4,713 ± 5,866 kg/MC và 669,428 kg và trung bình là 4,745 ± 6,864 kg/MC). Các bãi biển khu vực phía Bắc và phía Nam có sự chênh lệch đáng kể, trong đó các bãi phía Bắc có số lượng mảnh rác và khối lượng rác trung bình trên một mặt cắt (5m) là 245 ± 259 mảnh và khối lượng trung bình là 3,73 ± 4,31kg, thấp hơn nhiều so với các bãi phía Nam (lần lượt là 435±565 và 5,39±7,37). Số lượng rác thải trung bình tại các đảo ven bờ là 222 ± 236,9 mảnh/MC, thấp hơn so với hai vùng còn lại là đảo xa bờ và các bãi trên đất liền 403,5 ±513,4 và 435,7 ±570,7 mảnh/MC. Về khối lượng thì các bãi trên đất liền có số lượng cao nhất, trung bình là 6,934 ±6,569 kg/MC, hai vùng còn lại là đảo xa bờ và đảo ven bờ có khối lượng tương đương nhau, lần lượt là 4,335 ±7,27 kg/MC và 3,05 ±3,843 kg/MC.

   Về thành phần rác thải thu tại các bãi cho thấy,  RTN có số lượng và khối lượng vượt trội so với các loại rác khác, trung bình 330,6 mảnh/MC và 3,06 kg/MC, chiếm 92,2% về số lượng và 64,8% về khối lượng. Các loại rác còn lại bao gồm: Kim loại, thủy tinh, cao su, gỗ, giấy, vải và rác hỗn hợp có số lượng ít nhưng có khối lượng lớn (chiếm 1,6% về số lượng nhưng lên đến 10,4% về khối lượng). Có sự biến động mạnh giữa hai mùa khảo sát về số lượng rác nhựa nhưng khối lượng thì tương tự như nhau, số lượng mảnh nhựa trong mùa mưa 404,9 ±513 (mảnh/MC) cao hơn so với mùa khô 256,3 ± 389,9 (mảnh/MC) nhưng khối lượng nhựa cả hai mùa không có sự khác biệt (3,05± 4,3 và 3,07 ± 6,02 kg/MC). Một điểm rất đặc biệt là các bãi cát tại đảo ven bờ có số lượng rác nhựa trung bình là 206,8 mảnh/MC, khối lượng 2,13 kg/MC, thấp hơn đáng kể so với các bãi tại đảo xa bờ (370,91 mảnh và 3,38 kg/MC) và đất liền (370,9 mảnh, 3,38 kg/MC).

    Trong RTN, loại chiếm tỷ trọng nhiều nhất về số lượng là phao xốp và dây thừng, lưới nhỏ, tổng số lượng các sản phẩm này chiếm đến 47% về số lượng rác và 46% về khối lượng rác thải. Tiếp đến là các loại  RTN dùng một lần như hộp xốp đựng thức ăn, túi ny lông. Các chính sách hiện tại tập trung chủ yếu vào nguồn rác thải sinh hoạt (như túi ny lông, chai nhựa…), do đó cần phải có các nghiên cứu sâu và trên không gian rộng hơn để xác định chính xác hơn các nguy cơ của các nghề liên quan đến khai thác, nuôi trồng, buôn bán thủy sản này đối với môi trường, đặc biệt là ô nhiễm RTN đại dương.

    Các rác nhựa còn nhận diện được thuộc 17 công ty (tập đoàn), trong đó Acecook có số lượng nhiều nhất (14%), tiếp đến là Vinamilk (13%), Coca Cola (9%), Nhà máy thuốc lá Việt Nam (8%), Pepsi (7%), Uniben (6%), FrieslandCampina (6%), Tân Hiệp Phát (6%), Nutifood (5%) và Liwayway Sài Gòn (5%), URC (4%), Nestle (4%), Nhà máy thuốc lá Sài gòn (4%), Masan Consumer (3%), Orion (2%), Kinh đô (2%) và Sun Resources (1%).

    Sử dụng chỉ số Coastal Clean Index (CCI) để đánh giá chất lượng các bãi biển khảo sát cho thấy phần lớn các bãi biển đang bị ô nhiễm nhựa cao. Trong mùa mưa có tới 77% số bãi ở mức ô nhiễm nặng (CCI>20, 70%), ô nhiễm (10

Kết luận và khuyến nghị

   Như vậy, kết quả khảo sát cho thấy, số lượng và khối lượng rác tại các bãi biển ở Việt Nam tương đối cao (trung bình 7.374 mảnh/100 m) và 94,58 (kg/100m). Số lượng rác mùa khô cao hơn mùa mưa nhưng khối lượng rác không có sự chênh lệch đáng kể. Các bãi biển tại phía Nam có số lượng và khối lượng rác cao hơn đáng kể so với phía Bắc, tuy nhiên chỉ khối lượng là có ý nghĩa thống kê. Số lượng rác tại các bãi cát trên đảo ven bờ thấp hơn so với các bãi cát khu vực đảo xa bờ và trên đất liền.

   Đánh giá chỉ số độ sạch bãi biển (Coastal Clean Index) cho thấy phần lớn các bãi tại các khu vực nghiên cứu đang bị ô nhiễm cao về RTN, có tới hơn 70% số lượng bãi ở mức rất ô nhiễm, số bãi sạch và rất sạch chỉ chiếm 10% trong mùa mưa và 23% trong mùa khô. Các bãi cát tại Lý Sơn và Nha Trang ô nhiễm nhất với số lượng và khối lượng rác cao hơn hẳn so với các khu vực còn lại.

    RTN chiếm tỷ lệ lớn về số lượng (92%) và khối lượng (64,8%) trên tổng lượng rác trên bãi biển. Trong thành phần RTN, các loại rác nhựa có nguồn gốc liên quan đến hoạt động thủy sản (nuôi trồng, khai thác, buôn bán…) chiếm tỷ lệ vượt trội (47% về số lượng, 46% về khối lượng), tiếp theo là các sản phẩm sử dụng một lần (22% số lượng, 26% khối lượng) và các sản phẩm từ sinh hoạt khác (24% số lượng, 22% khối lượng).

    Từ kết quả khảo sát ban đầu có thể nhận định, các hoạt động liên quan đến thủy sản là một trong những nguồn phát thải rác nhựa lớn tại các bãi biển. Do đó, bên cạnh việc tăng cường các chính sách quản lý các sản phẩm nhựa dùng một lần, cần phải có những nghiên cứu đầy đủ và có giải pháp thích hợp để giảm lượng  RTN từ thủy sản ra môi trường. Đồng thời, cần thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo; thực hiện tốt mô hình phân loại chất thải, RTN tại nguồn; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa tại các khu công nghiệp, đô thị, khu du lịch, khu dân cư tập trung ven biển, ven sông, cảng biển theo quy định của pháp luật về BVMT. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát, quản lý việc xả thải vào nguồn nước và có biện pháp xử lý vi nhựa từ nước thải khu đô thị và khu công nghiệp, nhất là tại vùng ven biển, cửa sông…

 

Nguyễn Thu Trang

                                                          Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (GreenHub)

                   Bùi Thị Thu Hiền

                                                              Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN)

          Chu Thế Cường

                                  Viện TN&MT biển - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2020)

 

Ý kiến của bạn