Banner trang chủ

An ninh nguồn nước - Vấn đề cấp thiết cần giải quyết

07/08/2018

     Hiện nay, do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm nguồn nước mặt, cũng như nước ngầm. Trong khi đó, mực nước biển có xu hướng dâng cao, triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự gia tăng dân số, nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất, đời sống… đã và đang đe dọa đến an ninh nguồn nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Abedalrazq Khalil - Chuyên gia cao cấp về quản lý tài nguyên nước (TNN), Ngân hàng Thế giới (WB).

     PV: Xin ông cho biết, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những thách thức nào về an ninh nguồn nước? Nguyên nhân dẫn đến những thách thức đó là gì?

     Ông Abedalrazq Khalil: Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ đang làm suy thoái nguồn nước, trong khi việc sử dụng, quản lý nguồn nước và xử lý ô nhiễm chưa được coi trọng; BĐKH với diễn biến khó lường gây ra sự xung đột về sử dụng nguồn nước... Đây là những thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt.

 

Ông Abedalrazq Khalil - Chuyên gia cao cấp về quản lý TNN, WB

 

     Nguyên nhân chính dẫn đến các thách thức trên là do công tác quản lý TNN gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc lập quy hoạch TNN còn chậm; việc điều hòa, phân bổ nguồn nước giữa các ngành, địa phương đòi hỏi phải có sự tính toán cụ thể và sự đồng thuận cao. Đồng thời, tình trạng ô nhiễm nước trên các lưu vực sông, tại khu đô thị, vùng phát triển kinh tế trọng điểm ngày càng nghiêm trọng. Công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật về TNN chưa được thường xuyên; bộ máy quản lý nhà nước về TNN ở địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, người dân chưa hiểu đúng về vai trò của nước và mối nguy hại khi thiếu nước…

     Tại Việt Nam, tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hàng năm khoảng 80,6 tỷ m3, chiếm 10% tổng lượng nước của cả nước. Trong đó, hơn 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm). Nước dưới đất được khai thác, sử dụng chủ yếu cho cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, với gần 40% lượng nước cấp cho đô thị và 80% lượng nước cho sinh hoạt nông thôn. Theo Hội TNN quốc tế, quốc gia nào có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000 m3/người/năm được xem là quốc gia thiếu nước. Như vậy, nếu chỉ tính riêng lượng TNN mặt trên lãnh thổ, thì hiện nay, Việt Nam đã thuộc số các quốc gia thiếu nước và sẽ gặp phải nhiều thách thức về TNN trong tương lai.

     PV: Ông đánh giá như thế nào về việc triển khai chính sách bảo vệ an ninh nguồn nước tại Việt Nam trong thời gian qua?

     Ông Abedalrazq Khalil: Để đạt được mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược về TNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm TNN; chủ động thích nghi, ứng phó với những diễn biến của BĐKH, nước biển dâng; đẩy mạnh quy hoạch, điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát TNN, đặc biệt là các nguồn nước liên quốc gia. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các quốc gia ở thượng nguồn để cùng bảo vệ, chia sẻ, khai thác công bằng, hiệu quả nguồn TNN.

     Cùng với đó, nhiều phương pháp và cách tiếp cận quản lý mới đã được nghiên cứu và ứng dụng như phương pháp quản lý tổng hợp TNN; quản lý nước theo lưu vực sông; tiếp cận theo hệ thống: Nước - năng lượng - lương thực; tăng trưởng xanh... Đặc biệt, Bộ TN&MT đã phê duyệt nghiên cứu đánh giá an ninh nguồn nước phục vụ xây dựng quy hoạch TNN và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Theo đó, trên cơ sở khoa học đánh giá an ninh nguồn nước các lưu vực sông chính ở Việt Nam là sông Hồng, Thái Bình, Bắc Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Đồng Nai và Cửu Long xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế sử dụng nước ở Việt Nam. Từ đó, đề xuất các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước, quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng.

     Tuy nhiên, hoạt động quản lý, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước mới tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị, các TP và khu công nghiệp, nhưng tại khu vực nông thôn vẫn chưa được quan tâm. Mặt khác, các vấn đề mang tính liên ngành như quy hoạch, phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy; bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản… chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý với Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, TP. Nhiều địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức, tổng thể, dài hạn về vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.

 

Với sự hỗ trợ của WB, hàng triệu người sống tại các vùng nông thôn được tiếp cận với nguồn nước sạch

 

     PV: Nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước ở Việt Nam trong bối cảnh BĐKH, theo ông, Việt Nam cần phải thực hiện những giải pháp gì?

     Ông Abedalrazq Khalil: Bảo đảm an ninh nguồn nước, nhất là đối với nguồn nước các sông liên quốc gia với Việt Nam là vấn đề quan trọng, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, đồng thời, có cơ chế hợp tác, thuyết phục, đấu tranh, hạn chế rủi do, đồng thời, cũng phải có các phương án, giải pháp để giải quyết các vấn đề phát sinh. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu cơ chế hợp tác hợp lý để bảo đảm việc xây dựng, vận hành các công trình thủy điện lớn ở quốc gia thượng nguồn, nhằm điều tiết hài hòa dòng chảy cho hạ du cả trong mùa lũ và mùa cạn. Đặc biệt, cần đẩy mạnh điều tra cơ bản, quy hoạch, thông tin, dữ liệu và dự báo, cảnh báo về TNN song song với việc xây dựng cơ chế điều tiết, điều hòa, phân bổ nguồn nước; thực hiện khai thác, sử dụng tổng hợp nguồn nước, nhất là vận hành điều tiết của các hồ chứa nước lớn. Mặt khác, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia để cùng bảo vệ, chia sẻ, khai thác công bằng, hiệu quả TNN, cũng như hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm TNN. Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức và hành động ở các cấp, ngành, người dân trong bảo đảm an ninh nguồn nước.

     PV: Xin ông cho biết, WB sẽ hỗ trợ như thế nào để giúp Việt Nam trong việc giải quyết bài toán an ninh nguồn nước?

     Ông Abedalrazq Khalil: Để hỗ trợ Việt Nam, năm 2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam đã ký kết Hiệp định tài trợ và các văn kiện pháp lý liên quan của “Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng (ĐBSH)”. Theo Hiệp định, Chương trình có tổng trị giá hơn 230 triệu USD, trong đó vốn vay WB là 200 triệu USD, vốn đối ứng từ ngân sách là 10 triệu USD, đóng góp từ cộng đồng là 20 triệu USD, nhằm mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận bền vững và sử dụng hiệu quả dịch vụ cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn vùng ĐBSH; hướng đến xây dựng, cải tạo điều kiện tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho hơn 1,7 triệu người dân tại 240 xã, thuộc 8 tỉnh ĐBSH và các tỉnh lân cận.

     Năm 2016, WB đã phê duyệt khoản tín dụng 310 triệu USD giúp Việt Nam nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH và bảo đảm sinh kế bền vững cho 1,2 triệu người dân tại 9 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị ảnh hưởng bởi hiện tượng xâm nhập mặn, xói lở bờ biển và lũ lụt.

     Hiện nay, WB đang hỗ trợ các cơ quan liên quan xác định và ưu tiên hóa đầu tư về tài chính để Việt Nam xây dựng Quy hoạch tổng hợp vùng có sự tham gia của các tỉnh thuộc ĐBSCL nhằm ứng phó với BĐKH. Trong thời gian tới, WB đề xuất hỗ trợ TP. Hà Nội quy hoạch mạng lưới thoát nước giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, WB sẽ hỗ trợ Hà Nội về kỹ thuật cải tạo sông hồ, kênh mương nhằm nâng cao chất lượng nguồn nước, xây dựng đề án chống ngập úng, cải thiện hệ thống nước thải các vùng lưu vực như khu vực tả ngạn sông Nhuệ, quận Long Biên, Gia Lâm…

     PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Hương Mai (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2018)

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn