Banner trang chủ

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong công tác bảo vệ môi trường

07/11/2016

   Cách đây 34 năm, Đảng ta đã đề ra khẩu hiệu, sau này thành phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục đề ra nhiệm vụ: Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, trong đó nhấn mạnh nội dung “Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Vậy phương châm này được vận dụng trong công tác BVMT như thế nào? “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được hiểu là người dân trực tiếp được “biết”, được “bàn”, được “làm”, được “kiểm tra” mà không qua những cơ quan đại diện cho mình. Xu hướng người dân tham gia trực tiếp vào công tác BVMT ở cộng đồng dân cư, địa bàn cơ sở ngày càng tăng. Trong những năm qua, việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã từng bước cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên nhiều lĩnh vực, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, trong đó có công tác BVMT.

Hội thảo phản biện xã hội về Dự thảo Luật Thuế môi trường do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức

   “Dân biết” là kết quả quá trình công khai, dân chủ trong công tác BVMT, đồng thời là tiền đề để “dân bàn”, “dân làm”, “dân kiểm tra”. “Dân biết” về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như những quy chế, quy định của ngành/địa phương, cơ sở về BVMT. Tuy nhiên, lâu nay, do nhiều nguyên nhân, ở nhiều nơi, người dân không được biết việc xử lý, BVMT trên địa bàn của mình như thế nào cho nên cũng không thể “bàn” và “kiểm tra”. Đó là tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), doanh nghiệp (DN) có 100% vốn đầu tư của nước ngoài được bao bọc, khép kín và người dân “bất khả xâm phạm”. Do đó, trách nhiệm BVMT nơi đây trước hết thuộc về những người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan tham mưu, thẩm định dự án về môi trường. Những cơ quan, tổ chức, đoàn thể đại diện cho người dân nhiều khi cũng không được hỏi ý kiến, không được thông tin và đặc biệt là không có đủ chuyên môn về khoa học, công nghệ môi trường để phản biện, giám sát. Đó là chúng ta chưa nói đến những tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, chủ nghĩa cá nhân trong việc phê duyệt, thẩm định, giám sát các yếu tố về môi trường tại các chương trình, dự án kinh tế. Để xảy ra sự cố môi trường như Công ty Formosa Hà Tĩnh và ở không ít các KCN, KCX khác hoặc DN nhỏ lẻ là do thiếu thông tin và sự tham gia bàn bạc, kiểm tra, giám sát trực tiếp của người dân và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể đại diện cho họ. Do đó, nếu có cơ chế, quy định chặt chẽ việc thông tin để “dân biết” và các tổ chức đoàn thể được tham gia giám sát, phản biện xã hội thì có lẽ sự cố môi trường không đến nỗi nặng nề như thời gian qua.

   “Dân bàn” là khâu người dân thực hiện quyền làm chủ của mình để hiểu hơn về chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BVMT và đưa chủ trương, nghị quyết vào cuộc sống. Có vấn đề cần “dân bàn” để giải đáp về các giải pháp BVMT. Có vấn đề cần “dân bàn” để xây dựng chính sách, cơ chế, quy định về BVMT. Có vấn đề đưa ra “dân bàn” để hỏi ý kiến của dân nhằm giải quyết một vấn đề môi trường nổi cộm nào đó. Để “dân bàn” có hiệu quả, trước hết, những người có trách nhiệm cần chuẩn bị kỹ các nội dung như: Thống nhất trong lãnh đạo về những vấn đề cần đưa ra “dân bàn”; công khai, minh bạch thông tin về những vấn đề cần bàn; thông báo các hình thức cũng như cách thức, thể lệ, quy trình, thời gian để dân bàn; tiếp thu ý kiến, giải trình những ý kiến, đóng góp của dân...

   Hiện nay, có rất nhiều vấn đề liên quan đến công tác BVMT còn gặp khó khăn, vướng mắc, nổi cộm, tồn đọng từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác mà ít khi được đưa ra cho “dân bàn”. Chẳng hạn, vấn đề lợi ích của cộng đồng dân cư nơi có các KCN, KCX hoạt động; mối quan hệ giữa cộng đồng dân cư ở KCN, KCX, DN với những người lãnh đạo nơi đây; làm thế nào để phát huy quyền làm chủ trực tiếp của người dân trong công tác BVMT đối với các KCN, KCX, DN gây ô nhiễm môi trường…? Đây là những vấn đề tồn tại, gây bức xúc ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Nếu không lường trước sẽ xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, gây căng thẳng giữa các bên, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị-xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Từ lâu, Bác Hồ đã dạy: “Kinh nghiệm trong nước và các nước cho chúng ta biết: Có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, nhanh chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.

   “Dân làm” là khâu thứ ba trong phương châm này. Do vậy, hiệu quả cao hay thấp, chất lượng tốt hay kém, nhiều người hay ít người tham gia, phong trào BVMT có rộng lớn, bền vững hay không… phụ thuộc nhiều vào khâu “dân biết”, “dân bàn”. Do vậy, trước khi “dân làm”, người lãnh đạo cần xác định rõ một số vấn đề mấu chốt như những vấn đề trong công tác BVMT có đáp ứng lợi ích, nguyện vọng, yêu cầu chính đáng của người dân hay không, có hợp quy luật không; Người dân đã “được biết”, “được bàn” kỹ những vấn đề liên quan đến công tác BVMT hay chưa; Cán bộ, đảng viên, công chức, những người lãnh đạo của tổ chức, cấp ủy đảng, chính quyền có gương mẫu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người dân nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, yếu kém trong công tác BVMT hay chưa. Một trong những yêu cầu bắt buộc đối với người lãnh đạo là phải cầu thị, không dân chủ hình thức thì dân sẽ cùng bàn bạc và hưởng ứng.

   “Dân kiểm tra” là một trong những nội dung về quyền làm chủ của dân trong xu hướng mở rộng dân chủ hiện nay. Từ lâu đã có nhiều ý kiến đề nghị thay khái niệm “kiểm tra” bằng khái niệm “giám sát” bởi nó phù hợp với nhiều văn bản pháp quy cũng như thực tiễn. Tuy nhiên, trong giám sát cũng bao gồm cả quyền “kiểm tra” và rộng hơn cả kiểm tra. Có lẽ vì vậy, các cơ quan chức năng chưa tham mưu để Đảng, Nhà nước thay đổi bổ sung vào phương châm. Do đó cần có cơ chế để người dân thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thì công tác BVMT mới có hiệu quả và bền vững. Bác Hồ cũng đã từng khẳng định: “...Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”.

   Hiện nay, trong công tác kiểm tra, giám sát của người dân về BVMT còn nhiều bất cập. Nguyên nhân mấu chốt, sâu xa nhất là chưa thể chế hóa, cụ thể hóa vấn đề này thành các quy chế, quy định mang tính pháp quy, vì phương châm không mang tính bắt buộc. Do vậy, trong khi chờ những quy định cụ thể của Đảng, Nhà nước thì Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội về BVMT ở các KCN, KCX, DN hoạt động trên địa bàn dân cư. Từ năm 2013, Bộ Chính trị đã có Quyết định về công tác giám sát, phản biện xã hội, trong đó có giám sát, phản biện xã hội về môi trường. Mặt khác, để thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong công tác BVMT cần phát huy thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng. Việc công khai phê bình và tự phê bình các tổ chức, cơ quan, đơn vị, DN, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, chính sách, pháp luật về BVMT trên báo chí cần được tái lập. Trong các giai đoạn cách mạng trước đây, Đảng ta đã có quy định cụ thể và làm tốt công tác công khai tự phê bình và phê bình trên báo chí.

Vũ Ngọc Lân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2016)

Ý kiến của bạn