Banner trang chủ

“Ðịnh hướng xã hội chủ nghĩa” trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam

07/06/2017

   Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã thảo luận, thông qua nội dung cơ bản các văn kiện, trong đó, đề ra nhiệm vụ: “Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và bảo vệ TN&MT”.

Phát triển kinh tế gắn với BVMT là một tiêu chí trong định hướng XHCN

   Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã bước đầu xác định nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) có một số tiêu chí, trong đó có “Phát triển kinh tế gắn với BVMT”. Có thể nói, các tiêu chí về kinh tế - xã hội đã từng bước được thể chế, cụ thể hóa và thể hiện rõ trong thực tiễn. Tuy nhiên, vấn đề định hướng XHCN trong công tác BVMT là như thế nào thì chưa sáng tỏ và chưa được cụ thể hóa trong các văn bản pháp quy, cũng như trong đời sống.

   Đến nay, trong các văn bản chính thức của Đảng, Nhà nước chưa thấy xuất hiện một định nghĩa, khái niệm hay giải thích thế nào là định hướng XHCN trong BVMT. Do đó, trong quá trình cụ thể hóa nghị quyết về xây dựng nền KTTT định hướng XHCN, cần sự định lượng thế nào là định hướng XHCN trong công tác BVMT ở nước ta.

   Như chúng ta đã biết, ngoài những giá trị như chân, thiện, mỹ mà nhân loại tiến bộ hướng tới, trong những thập kỷ gần đây, BVMT cũng là giá trị chung mà con người chung tay, chung sức bảo vệ, giữ gìn. Giữ gìn “hành tinh xanh” là nhiệm vụ chung của tất cả các nước, vùng lãnh thổ, dân tộc trên toàn thế giới, không phân biệt chế độ xã hội, nước giàu hay nước nghèo, cũng như giai cấp, tôn giáo, dân tộc, màu da... Chính vì phấn đấu cho mục đích, giá trị chung của nhân loại là BVMT mà lãnh đạo tất cả các nước, vùng lãnh thổ, không phân biệt chế độ chính trị, thể chế kinh tế, nước giàu hay nước nghèo... cùng hợp tác, tìm ra tiếng nói và giải pháp chung nhằm giữ gìn, bảo vệ hành tinh xanh. Vậy các mục tiêu, phương hướng, giải pháp giữ gìn BVMT mà chúng ta đề ra trong những năm qua thì đâu là những giải pháp mang tính đặc trưng cho định hướng XHCN trong BVMT?

   Dù cách gọi “định hướng XHCN” trong BVMT hay như thế nào đó, nhưng với thể chế chính trị của nước ta, cũng như những đặc trưng của nền KTTT định hướng XHCN sẽ chi phối và hình thành những đặc điểm riêng trong công tác BVMT ở Việt Nam, từ đó có thể đề ra tiêu chí về định hướng XHCN trong BVMT.

   Thứ nhất, nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Thể chế chính trị này có tính chất quyết định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác BVMT. Từ thể chế chính trị này bắt buộc công tác BVMT ở bất kỳ đâu trên đất nước đều phải do nhân dân, vì nhân dân, dựa vào lực lượng to lớn mạnh mẽ của dân để làm tốt công tác BVMT.

   Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quan trọng, là lực lượng duy nhất trong việc lãnh đạo Nhà nước, nhân dân, các tổ chức hệ thống chính trị để xây dựng, bảo vệ đất nước nói chung, BVMT nói riêng. Do vậy, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước Dân tộc và nhân dân trong công tác BVMT, cũng như chịu trách nhiệm về cán bộ làm công tác BVMT.

   Thứ ba, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, cho nên cùng với việc tăng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư khóa XII đề ra thì Đảng cần đầy mạnh giáo dục “đạo đức môi trường” cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

   Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh, trong đó có học tập đạo đức môi trường và làm theo tấm gương của Người về sống thân thiện với thiên nhiên, giữ gìn, BVMT. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong công tác BVMT.

   Thứ năm, cùng với nghị quyết về xây dựng nền KTTT định hướng XHCN, Đảng còn ban hành Nghị quyết “về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trong nền KTTT định hướng XHCN”. Do đó, cần đề cao và phát huy vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước, các tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong BVMT. Những tổ chức, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên được giao quản lý nhà nước, lãnh đạo, đại diện cho nhà nước ở doanh nghiệp nhà nước phải là những người gương mẫu trong công tác BVMT, nhất là không chạy theo lợi ích nhóm, không hy sinh môi trường cho mục đích kinh tế trong bất cứ hoàn cảnh nào.

   Thứ sáu, công khai, minh bạch những cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, có cơ chế xử lý nghiêm các cơ sở này. Có cơ chế để phát huy vai trò làm chủ của các tầng lớp nhân dân, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong công tác BVMT, trên cơ sở đó, đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT.

   Thứ bảy, vận dụng sáng tạo, “Việt Nam hóa” những kinh nghiệm BVMT của các nước, tổ chức trên thế giới vào điều kiện cụ thể của nước ta, đồng thời chọn ra những giải pháp “đi tắt, đón đầu” mang nét đặc trưng của Việt Nam...

   Cụ thể hóa được 7 quan điểm, nội dung trên đây thành chính sách cụ thể và thực hiện tốt trong thực tiễn thì chắc chắn Việt Nam sẽ rút ra được những tiêu chí, đặc trưng về định hướng XHCN trong công tác BVMT.

Vũ Lân - Nguyễn Thị Minh Quý

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2017

Ý kiến của bạn