30/10/2015
Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị này vừa hoàn tất đợt quan trắc chất lượng môi trường đất trên địa bàn tỉnh năm 2015. Kết quả tổng quan cho thấy, chất lượng môi trường đất không biến động nhiều so với năm 2014, tuy nhiên tại một số khu vực tiếp nhận nguồn thải của KCN và khu vực phụ cận các bãi chôn lấp CTR trên địa bàn Đồng Nai, nguồn đất bị ô nhiễm kim loại nặng.
Kết quả quan trắc các mẫu đất ở 3 tầng tương ứng với các độ sâu 30 cm, 60 cm và 90 cm cho thấy, khu vực đất tại vị trí tiếp nhận nguồn thải của KCN Biên Hòa 1 (TP. Biên Hòa) hàm lượng chì (Pb) trong đất vượt từ 3,3 đến trên 4 lần so với tiêu chuẩn cho phép; Hàm lượng kẽm (Zn) vượt từ 3,9 đến 4,9 lần. Điều đáng nói, các chỉ số kim loại nặng trên đều vượt ngưỡng cho phép ở cả 3 tầng thu mẫu, ngoài ra, hàm lượng asen (As) tại vị trí trên cũng vượt ngưỡng cho phép nhưng ở mức nhẹ. Tại vị trí tiếp nhận nguồn thải của KCN Hố Nai (huyện Trảng Bom), hàm lượng chì (Zn) vượt tiêu chuẩn cho phép gần 2 lần; Tại khu vực nguồn đất tại vị trí tiếp nhận nguồn thải của KCN Sông Mây (huyện Trảng Bom) và KCN Nhơn Trạch 5 (huyện Nhơn Trạch), hàm lượng Zn cũng vượt tiêu chuẩn cho phép ở cả 3 tầng lấy mẫu.
Tại một số khu vực tiếp nhận nguồn thải của KCN và khu vực phụ cận các bãi chôn lấp CTR,
nguồn đất bị ô nhiễm kim loại nặng
Kết quả quan trắc cũng cho thấy, tại những vùng phụ cận các bãi chôn lấp CTR ở phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa), xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), xã Túc Trưng (huyện Định Quán) và xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), hàm lượng đồng (Cu) cao hơn mức cho phép từ 1,3 đến 4,5 lần ở cả 3 tầng lấy mẫu. Khu vực đất tại bãi chôn lấp CTR ấp Tân Cang, xã Phước Tân (TP. Biên Hòa), các chỉ tiêu kim loại nặng như Cu và Zn cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 1 đến 2 lần. Riêng tại vùng phụ cận bãi rác Quang Trung, các chỉ số kim loại nặng như niken và crom trong đất có hàm lượng khá cao so với tiêu chuẩn cho phép.
Trong khi đó, qua quan trắc đất nền, đất nông nghiệp và đất dân sinh cho thấy, chất lượng nguồn đất đạt yêu cầu với mục đích sử dụng đất, chưa thấy dấu hiệu suy thoái ở những vùng này. Theo đó, tại 27 vị trí lấy mẫu đất ở cả 3 tầng, cho thấy các thông số về độ Ph, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, độ nhiễm phèn và kim loại nặng trong đất đều nằm trong ngưỡng cho phép. Đối với những khu vực đất công nghiệp có các chỉ tiêu kim loại nặng vượt quy chuẩn cho phép, Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật Môi trường Đồng Nai khuyến cáo, cần có các biện pháp xử lý, khắc phục, kiểm soát các chỉ số kim loại nặng tại các nguồn thải, nhằm hạn chế gây ô nhiễm cho nguồn đất.
Long Hoàng