02/01/2019
Mỗi một quốc gia đều có hệ thống chính sách, quy định để BVMT, trong đó có quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm các quy định về BVMT và gây ô nhiễm môi trường.Một trong những chế tài được các quốc gia quy định là xử phạt vi phạm hành chính (VPHC), tùy thuộc vào mức độ vi phạm khác nhau và mức độ thiệt hại do hành vi gây ra mà xác định mức phạt cụ thể.
Quy định xác định mức phạt VPHC trong lĩnh vực BVMTtại một số nước trên thế giới
Tại Canađa, Luật Xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường SOR/2017 -109 được xác định hành vi vi phạm dựa trên các Luật BVMT ở Nam Cực, Luật Khu bảo tồn biển quốc gia, Luật Công viên quốc gia, Luật về nước, Luật Động vật hoang dã, Luật BVMT Canađanăm 1999, Luật Giá ô nhiễm khí nhà kính, Luật Cải thiện sông quốc tế, Luật công ước về di cư chim năm 1994, Luật Công viên đô thị quốc gia Rouge, Saguenay-St. Luật Công viên biển Lawrence và bảo vệ động vật, thực vật hoang dã; Quy chế Luật Thương mại quốc tế và liên tỉnh.
Tại mục 27, Luật Xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường SOR/2017 -109 quy định mức phạt VPHC được tính bằng công thức: W + X + Y + Z (W là số tiền phạt cơ bản, mức phạt ban đầu đối với một hành vi vi phạm và được xác định bằng một giá trị nhất định với từng mức độ vi phạm; X là lịch sử của số tiền không tuân thủ (nếu có); Y là số tiền gây hại môi trường (nếu có); Z là số lợi ích kinh tế (nếu có) cho người vi phạm, bao gồm cả chi phí tài chính tránh được, số tiền lãi kinh tế).
Đối với Ôxtrâylia, các quy định để xác định hành vi vi phạm của Luật Xử phạt VPHC cũng dựa trên các Luật Tài nguyên và môi trường, với nguyên tắc sau:
Các chỉ số liên quan để xác định mức phạt: Tính nghiêm trọng của vi phạm (xem xét ảnh hưởng của vi phạm về môi trường tới môi trường, đã xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra); Lịch sử vi phạm của người vi phạm; Các tội phạm có trách nhiệm nghiêm khắc.
Tính toán mức phạt, những yếu tố có thể tính đến khi xem xét mức phạt: Bản chất và mức độ của vi phạm; Các thiệt hại, tổn thất về môi trường đối với lợi ích cộng đồng do vi phạm; Các lợi ích về kinh tế mà cá nhân đạt được do thực hiện vi phạm; Người vi phạm đã vi phạm tương tự hay chưa; Các vấn đề có thể liên quan.
Phương trình tính toán mức phạt dân sự gồm 4 bước (Xác định mức khởi điểm; Xác định mức phạt cơ sở; Xem xét các yếu tố giảm nhẹ; Các lợi ích kinh tế của bị đơn khi thực hiện vi phạm).
Xác định mức phạt khởi điểm là bước đầu tiên để tính toán mức phạt thương lượng. Mức phạt này sẽ được tính toán theo % của mức phạt tối đa được quy định theo đạo luật, có thể xếp vào 1 trong 3 nhóm sau:
Nhóm 1: Các cáo buộc về những hành vi gây hại cho môi trường (tức là các cáo buộc về phát thải gây ô nhiễm và những tác động có thể đo đếm đối với môi trường), mức phạt này tương đương 60% của mức phạt tối đa theo quy định.
Nhóm 2: Các cáo buộc về những hành vi tiềm tàng gây hại cho môi trường (bao gồm rủi ro và các mối nguy hại trong tương lai) khi các nguy hại thực tế chưa xảy ra. Đơn giản như các cáo buộc về chất ô nhiễm mà có thể giảm thiểu hay không thể đo đạc chính xác, như sự phát thải một lượng lớn SO2 vào không khí. Những cáo buộc này nhận mức phạt tương đương 35% mức phạt cao nhất quy định trong luật.
Nhóm 3: Các cáo buộc về những VPHC không dẫn đến những nguy hại thực tế hay có khả năng gây hại đến môi trường, nhưng có rủi ro cao về nguy hại sẽ xảy ra. Đa số những cáo buộc này không liên quan đến xả thải, về cơ bản là các VPHC.Trường hợp, không thể thực hiện được những cam kết trong ĐTM hoặc không thể cung cấp dữ liệu quan trắc, không huấn luyện đầy đủ cho nhân viên…35% mức phạt cao nhất quy định trong Luật.
Qua nghiên cứu các quy định xử phạt hành vi VPHC trong lĩnh vực môi trường của các nước nêu trên cho thấy, việc xác định mức phạt của các mức dựa trên các nguyên tắc: Xác định mức độ tác động tới môi trường, kinh tế - xã hội từ hành vi vi phạm gây ra.
Cảnh sát biển Việt Nam tiếp cận tàu chở dầu Pacific Ocean vì sang mạn trái phép dầu DO ngày 11/4/2017 tại vùng biển cách Đèo Ngang 45 hải lý về phía Đông Bắc
Giả sử, A: Xác định từng mức phạt cơ sở cho từng mức phạt với một số tiền nhất định; B: Xác định mức thiệt hại môi trường do hành vi vi phạm pháp luật gây ra; C: Xác định lợi ích kinh tế mà cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật đem lại cho cá nhân, tổ chức đó; D: Đối với hành vi vi phạm tái phạm nhiều lần: Xác định mức số tiền không tuân thủ trước đó. Như vậy, mức xử phạt vi phạm hành chính có thể tính chung khái quát bằng công thức: A+B+C+D. Với từng yếu tố thì mỗi quốc gia có một phương pháp xác định riêng.
Cơ sở pháp lý để tính các mức xử phạt trong VPHC trong lĩnh vực môi trường biển ở Việt Nam
Các quy định về xử phạt VPHC của Việt Nam đã được quy định hầu hết lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực liên quan đến tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đối với mỗi hành vi vi phạm đều quy định một mức tiền phạt cố định, trên thực tế khi gây ra hậu quả nghiêm trọng, mức phạt quy định trong văn bản lại còn quá ít (không đủ sức răn đe) so với lợi ích kinh tế mà tổ chức, các nhân khi vi phạm pháp luật. Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tế thi hành các quy định xử phạt trong lĩnh vực liên quan, đề xuất cách xác định mức phạt VPHC trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo như sau:
Hiện nay, cơ sở pháp lý quan trọng xác định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển là Luật Xử phạt VPHC năm 2012 và các văn bản dưới Luật (Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật...).Tuy nhiên, trong các văn bản nêu trên, không quy định các định mức phát hay phương pháp xác định các định mức phạt cụ thể, chỉ quy định mức tối đa và tối thiểu của mức phạt tiền cho VPHC trong lĩnh vực quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa.Vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, nhóm nghiên cứu đề xuất nguyên tắc xác định mức tiền phạt cho hành vi VPHC trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gồm: Mức độ thiệt hại cho môi trường do hành vi vi phạm gây ra: Được xác định bằng các công thức quy định tại Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 6/1/2015 của Chính phủ quy định về thiệt hại đối với môi trường; Lợi ích kinh tế phát sinh từ hành vi vi phạm mà cá nhân, tổ chức thu được: Là số tiền thu được từ hành vi vi phạm (Trong trường hợp, đổ chất thải nguy hại xuống biển, số tiền thu được do chủ hành vi không phải bỏ ra để xử lý số chất nguy hại nói trên…); Mức phạt cơ bản để mang tính răn đe cho các hành vi phạm; Mức truy thu (đối với những đối tượng tái phạm từ 2 lần trở lên và lần trước chưa thực hiện nghĩa vụ nộp phạt). Như vậy, mức phạt sẽ được xác định như sau:
Xác định mức độ thiệt hại cho môi trương do hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Do đặc thù của môi trường biển rất rộng lớn, tính khuếch tán và lan truyền, khi biển bị ô nhiễm thì các thành phần của môi trường biển đều bị ảnh hưởng (Môi trường nước; đất, hệ sinh thái). Theo quy định tại Nghị định số 03/2015/NĐ-CP, thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với môi trường của một khu vực địa lý được tính theo công thức sau:T = TN + TĐ + THST + TLBV, trong đó: T (thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với môi trường của một khu vực địa lý);TN (thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với môi trường nước) ;TĐ (thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với môi trường đất); THST (thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với hệ sinh thái);TLBV (thiệt hại gây ra đối với loài được ưu tiên bảo vệ do ô nhiễm, suy thoái hoặc do bị xâm hại).
Lợi ích kinh tế phát sinh từ hành vi vi phạm mà cá nhân, tổ chức thu được:
Nếu vi phạm đã dẫn đến lợi ích kinh tế cho người vi phạm, bao gồm cả chi phí tài chính tránh được, số tiền lãi kinh tế trong thời gian vi phạm. Cụ thể, đối với các lợi ích kinh tế do hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo mang đến cho các tổ chức cá nhân vi phạm: Cấp phép nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; vi phạm các quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; vi phạm các quy định về cấp giấy phép nhận chìm trên biển; vi phạm các quy định về giao khu vực biển; vi phạm các quy định về quyền khai thác thông tin dữ liệu biển.
Cấp phép nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo: Lợi ích kinh tế do hành vi vi phạm về nội dung này mang lại: Lệ phí cấp giấy phép cho tầu nghiên cứu biển; Việc không tuân thủ các nội dung của giấy phép; Không thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường biển trong quá trình khảo sát, nghiên cứu trên vùng biển Việt Nam.
Cấp giấy phép nhận chìm ở biển: Lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi nộp hồ sơ xin cấp phép ở biển; Không thực hiện đúng theo Giấy phép nhận chìm ở biển...
Giao khu vực biển: Phí thuê mặt nước biển để sử dụng; Không thực hiện theo như quyết định giao khu vực biển mà cơ quan có thẩm quyền cấp...
Việc xác định lợi ích kinh tế phát sinh từ hành vi vi phạm mà cá nhân, tổ chức thu được sẽ được xác định cho từng hành vi cụ thể.Ví dụ, hành vi đổ chất thải xuống biển khi chưa có giấy phép nhận chìm ở biển và chưa được giao khu vực biển để sử dụng thì lợi ích kinh tế trong trường hợp này được xác định như sau: Lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển + Phí sử dụng biển và tổ chức, cá nhân đã đổ chất thải (tính cả diện tích ảnh hưởng x 30 năm).
Mức phạt cơ sở: Luật Xử phạt hành chính năm 2012 quy định, để xác định mức tối đa và tối thiếu của mức phạt tiền cho vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa, mức phạt tối thiếu 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.Như vậy, mức phạt cơ sở sẽ được xác định ≥ mức phạt tối thiểu và < mức tối đa đã được Luật Xử phạt hành chính quy định.
Để xác định được mức phạt VPHC trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cần xác định 3 yếu tố chính (Gây hại tới môi trường; lợi ích kinh tế mang lại do vi phạm các quy định; mức phạt cơ sở). Ngoài ra, một số trường hợp xác định mức truy thu đối với những đối tượng tái phạm lần 2 trở lên. Với cách xác định mức xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nêu trên có thểtính được chính xác mức tiền phạt mà mỗi tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Nhằm tạo ra chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm đủ sức răn đe để tăng cường công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo.
ThS. Lại Đức Ngân, ThS. Nguyễn Thị Minh Hải
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2018)