30/05/2018
Hồ điều hòa có vai trò quan trọng, tạo cảnh quan môi trường, điều tiết nước mưa làm giảm ngập úng, cải tạo khí hậu… Tuy nhiên, công tác xây dựng cũng như cải tạo hồ điều hòa ở Hà Nội hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn địa bàn TP hiện chỉ còn hơn 100 ao, hồ với tổng diện tích 1.165 ha, giảm gần một nửa số ao, hồ so trước đây và chỉ có 18 hồ có khả năng điều tiết, thoát nước, diện tích mặt hồ, ao cũng giảm nhiều. Chưa kể, với những hồ còn lại thì 71% bị ô nhiễm, 26% số ao, hồ chưa được kè bờ, số hồ, ao được kè một phần chiếm 8%. Trong khi đó, những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của các khu đô thị đã kéo theo mật độ dày đặc nhà cao tầng, khiến nhiều tuyến phố trở nên ngột ngạt. Hậu quả của việc xây dựng hàng loạt đã làm hạn chế khả năng thoát nước tự nhiên và tăng lưu lượng nước đổ vào ống thoát nước, kênh mương. Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm nguồn nước, không khí, môi trường… ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng, không chỉ gây ảnh hưởng chất lượng sống người dân mà còn tác động không nhỏ đến các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Vì vậy, chủ trương đẩy mạnh xây dựng các công viên hồ điều hòa tại Hà Nội được coi như cơn mưa rào “giải nhiệt” cho cư dân Thủ đô.
Dự án hồ điều hòa Nhân Chính sẽ góp phần cải thiện môi trường sinh thái trong khu vực
Theo quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ ở Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP cần diện tích không gian xanh bình quân 2,43 m2/người. Tuy nhiên, con số được nhiều kiến trúc sư đưa ra về hiện trạng năm 2017 ở Hà Nội mới chỉ dừng lại ở mức 1,7 m2/người. Do đó, việc xây dựng, cải tạo hồ điều hòa có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ trong việc tái tạo cảnh quan, môi trường mà còn là điểm đến vui chơi hấp dẫn của người dân vào dịp cuối tuần. Ngoài ra, khi nguồn nước ngọt ngày càng bị hạn chế bởi ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính và sự nóng lên toàn cầu, hồ điều hòa sẽ có thêm nhiệm vụ cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất. Vì vậy, với các hồ điều hòa ở vùng đất nông nghiệp, nơi đây không chỉ có nhiệm vụ trữ nước cho sản xuất trong mùa khô, mà vào mùa mưa hồ còn ngăn nước tràn vào các vùng đô thị.
Hà Nội đã lên kế hoạch đến năm 2025, tiến hành xây dựng 25 dự án công viên cây xanh, hồ điều hòa tại các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông… nhưng hiện tại cũng mới chỉ một số dự án sắp hoàn thành. Dự án Đầu tư xây dựng Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, quận Thanh Xuân do UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 299 tỷ đồng, có diện tích đất xây dựng khoảng 13,23 ha đang dần hoàn thiện và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong quý III/2018. Dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần điều hòa không khí, tạo cảnh quan thoáng mát tại khu vực vốn đang bị bóp nghẹt bởi những dãy nhà cao tầng. Ngoài ra, một số dự án hồ điều hòa cũng đang triển khai như Công viên giải trí CXCV1 thuộc khu vực tháp dầu khí; Công viên - hồ điều hòa Mai Dịch; Công viên - hồ điều hòa Yên Hòa, Cầu Giấy và Công viên giải trí Mễ Trì, Nam Từ Liêm cũng đang được triển khai xây dựng. Đặc điểm chung của các công viên này là không gian xanh và diện tích mặt nước rộng, có khả năng cân bằng sinh thái, mang đến môi trường sống trong lành và cảnh quan hiện đại, nâng cao chất lượng sống cho cư dân khu vực.
Thu Hà