Banner trang chủ

Đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong công tác bảo vệ môi trường

08/10/2019

     Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa, vật lý, sinh học và sự đột phá của internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.

     Hiện nay, Việt Nam đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc CMCN 4.0. Cuộc CMCN 4.0 đã tác động tích cực tới lĩnh vực môi trường nhờ các công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, công nghệ thông tin (CNTT), kỹ thuật số cũng mang hiệu quả cao cho công tác quản lý, điều hành và tác nghiệp trong lĩnh vực môi trường. Các công nghệ giám sát môi trường đang phát triển nhanh với sự hỗ trợ bởi internet kết nối vạn vật, giúp thu thập và xử lý thông tin liên tục 24/7 theo thời gian thực.

     Thực trạng một số ứng dụng CNTT trong quản lý môi trường

     Trong thời gian qua, thực hiện chiến lược của ngành TN&MT, Tổng cục Môi trường (TCMT) đã xây dựng tổ chức hệ thống ngành từ Trung ương đến địa phương để thống nhất quản lý và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược ứng dụng CNTT trong ngành TN&MT với các nhiệm vụ chính: Thực hiện chiến lược, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL), tin học hóa phục vụ cải cách hành chính; có tầm nhìn và cách tiếp cận hệ thống trong công tác ứng dụng CNTT, đánh giá đúng vai trò của CNTT; xây dựng, xác định rõ các định hướng và bước đi cụ thể trong ứng dụng CNTT; tham mưu cho lãnh đạo các cấp về sự cần thiết, cũng như triển vọng và lợi ích của ứng dụng CNTT, kiện toàn bộ máy quản lý chuyên trách về CNTT các cấp nhằm tạo nền tảng cho ứng dụng CNTT của ngành trong thời gian tới.

     Năm 2012, Cổng Thông tin điện tử của TCMT (VEA Portal) được công nhận đứng thứ 3 châu Á, giải thưởng Chính phủ điện tử xanh; Năm 2013, TCMT đứng thứ 2, cơ quan cấp Tổng cục ứng dụng CNTT hiệu quả; Năm 2017, TCMT được xếp hạng là đơn vị đứng đầu về ứng dụng CNTT trong ngành TN&MT. Việc ứng dụng CNTT tại TCMT được đẩy mạnh nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo TCMT và Lãnh đạo các cấp với mong muốn thúc đẩy ứng dụng CNTT vào mọi hoạt động của TCMT và là phương tiện quan trọng đối với các hoạt động quản lý, điều hành và tác nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi và tiên quyết trong ứng dụng CNTT hiệu quả tại một đơn vị. Mặt khác, TCMT đã nhận được sự hỗ trợ về tài chính, cơ sở hạ tầng, cũng như đào tạo, chuyển giao CNTT của nước ngoài, như: Dự án CSDL đa dạng sinh học quốc gia (NDBS) góp phần tích cực cho công tác quản lý nhà nước và triển khai các văn bản pháp luật về đa dạng sinh học ở Việt Nam, đồng thời là cơ sở giúp cho việc thực hiện tốt hơn các thỏa thuận quốc tế; Xây dựng và đưa hệ thống E-manifest vào sử dụng như một công cụ quản lý chính thống trong lĩnh vực quản lý nhà nước về chất thải nguy hại và là bước tiến quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính và áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.

     Bộ TN&MT nói chung và Tổng cục Môi trường nói riêng đã và đang đẩy mạnh việc hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền. Đến hết quý I/2018, Bộ TN&MT đã hoàn thành và đưa vào triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cho 82 thủ tục hành chính (TTHC), trong đó có 67 DVC mức độ 3, 15 DVC mức độ 4. Ngoài ra, Bộ đã hoàn thành triển khai đối với 11 TTHC dưới hình thức DVCTT mức độ 4 và kết nối với Cổng thông tin Một cửa quốc gia.

     Tính đến tháng 7/2018, VEA Portal đã đạt khoảng 62 triệu lượt truy cập khai thác sử dụng; Tổng cục đã xây dựng và duy trì hệ thống thông tin môi trường đầu mạng phục vụ mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia; đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường trong mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và địa phương. Hệ thống Thư điện tử của Tổng cục (Mail.vea.gov.vn) đã có hơn 600 tài khoản sử dụng, trong đó có khoảng 300 tài khoản thường xuyên sử dụng. Bên cạnh đó, TCMT đã triển khai Chương trình phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường mạng.

     Công nghệ viễn thám kết hợp với GIS cũng được đẩy mạnh ứng dụng vào công tác quản lý và BVMT như: Đánh giá tác động môi trường để giám sát và dự báo sự cố môi trường về lũ lụt, trượt đất, sự cố địa chấn, đánh giá và quản lý rủi ro vùng biển, kiểm soát ô nhiễm không khí, giám sát sự phân bố và định lượng chất gây ô nhiễm nước.

     Như vậy, có thể nói việc nâng cao nhận thức về ứng dụng và đào tạo nguồn nhân lực CNTT để đáp ứng nhu cầu phát triển của TCMT là việc làm có tính chất then chốt, quyết định trực tiếp đến kết quả của việc ứng dụng CNTT một cách có hiệu quả. Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, TCMT đã có những cơ chế, chính sách cụ thể trong việc ứng dụng CNTT như thường xuyên mở các khóa đào tạo ứng dụng về CNTT phục vụ quản lý và nghiệp vụ chuyên môn. Từ làm việc bàn giấy đến nay trên 90% cán bộ, công nhân viên chức trong TCMT đã có thể sử dụng máy vi tính thành thạo trong công việc như soạn thảo văn bản, tìm kiếm thông tin trên mạng internet, gửi và nhận thông tin qua hệ thống thư điện tử...

     Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục như việc triển khai chưa đồng bộ, chồng chéo, trùng lặp, sự phối hợp giữa các đơn vị còn hạn chế; Hạ tầng CNTT chưa ổn định và nguồn nhân lực còn thiếu; Chưa xây dựng các chuẩn về cơ sở hạ tầng, chuẩn dữ liệu chuyên ngành các ứng dụng CNTT chính thức làm cơ sở áp dụng trong toàn ngành.

     Mục tiêu CMCN 4.0 trong công tác BVMT

     Quyết định số 192/2017/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 đã đề ra mục tiêu: Phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng của thế giới; đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ.

     Phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu BVMT trong nước, từng bước tiến tới xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế và năng lực cạnh tranh; năng lực sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý nước cấp và nước thải, 60 - 70% nhu cầu thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn, 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý khí thải, khoảng 50 - 60% nhu cầu thiết bị thu gom, vận chuyển và phân loại chất thải, 40 - 50% nhu cầu thiết bị quan trắc môi trường; 60 - 70% nhu cầu sản phẩm BVMT; 40 - 50% thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo; 60 - 70% thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; 20 - 30% thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo; xuất khẩu được 20 - 30% các sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường.

     Hoàn thành kiến trúc Chính phủ điện tử, tăng cường ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử phục công tác quản lý, điều hành tác nghiệp trong quản lý môi trường, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, rút ngắn các quy trình thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.

     Xây dựng cở sở dữ liệu quốc gia về môi trường đồng bộ, thống nhất kết nối giữa trung ương và địa phương, đảm bảo khai thác hiệu quả, phục vụ yêu cầu quản lý, nghiên cứu trong công tác BVMT.

     Đẩy mạnh cuộc CMCN 4.0 trong công tác BVMT

     Ứng dụng CNTT, chuyển đổi công nghệ số BVMT: CNTT là yếu tố quan trọng triển khai CMCN 4.0 nói chung và ngành TN&MT nói riêng. Để đảm bảo điều kiện triển khai, cần hình thành, hoàn thiện và vận hành hạ tầng cơ bản của ngành TN&MT, tuân thủ kiến trúc Chính phủ điện tử ngành, bảo đảm an toàn thông tin gồm: hạ tầng kỹ thuật công nghệ; hạ tầng dữ liệu; hạ tầng tri thức. CSDL đóng vai trò trung tâm, là tiền đề, điều kiện cần và đủ để đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT, thích ứng với BĐKH, phát triển bền vững đất nước.

     Ứng dụng công nghệ trong giám sát các hoạt động môi trường: Công nghệ 4.0 tập trung chủ yếu phát triển công nghệ điện tử, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, với sự hỗ trợ của internet kết nối vạn vật, việc thu thập thông tin, xử lý thông tin một cách chính xác, nhanh chóng và hiện đại. Có thể ứng dụng các sản phẩm của công nghệ 4.0 trong các lĩnh vực như quan trắc tự động môi trường ở các điểm xả thải, đo tự động mức độ ô nhiễm đối với các yếu tố môi trường như nước thải, không khí, áp dụng trong dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn kết nối mặt đất với vệ tinh… từ đó có hệ thống dữ liệu rất tốt và chính xác để phục vụ công tác quản lý.

     Sử dụng và phát triển các nguồn năng lượng sạch thay thế các nguồn tài nguyên hóa thạch: CMCN 4.0 đem lại các công nghệ để phát triển nguồn năng lượng sạch (năng lượng tái tạo) để thay thế nguồn năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường. Việt Nam với đường bờ biển dài 3.260 km, có tổng bức xạ năng lượng mặt trời khoảng 5kW/h/m2/ngày ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, khoảng 4kW/h/m2/ngày ở các tỉnh miền Bắc với trị số tổng xạ khá lớn từ 100-175 kcal/cm2.năm, năng lượng gió ước tính khoảng 500-1000 kWh/m2/năm. Năng lượng mặt trời được xác định là một trong các nguồn năng lượng dồi dào tại Việt Nam, việc khai thác và tận dụng có hiệu quả công nghệ của cuộc CMCN 4.0 sẽ mang lại nguồn năng lượng thân thiện với môi trường này.

     Sử dụng công nghệ sạch, BVMT, thúc đẩy công nghệ các sản phẩm thân thiện với môi trường: Việc ứng dụng công nghệ thông minh của CMCN 4.0 làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ, giảm tiêu hao nhiên liệu, chi phí sản xuất. CMCN 4.0 đem lại nhiều công nghệ sạch, được các doanh nghiệp sử dụng để cải thiện môi trường.

     Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý các nguồn tài nguyên đất, nước, khoáng sản, rừng và đa dạng sinh học: Với công nghệ 4.0 thực chất là sự kết nối giữa không gian thực và không gian số, tận dụng kết hợp với công nghệ không gian vũ trụ, vệ tinh để giám sát mặt đất, nhất là các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ứng dụng ảnh chụp vệ tinh, kết hợp hệ thống thông tin địa lý (GIS) và số hóa nắm bắt chính xác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, từ đó sẽ có biện pháp quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và BVMT.

     Ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển xanh trong chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh”: Công nghệ 4.0 phải được ứng dụng trong giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng chất thải công nghiệp và sinh hoạt trong kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải bằng không. Đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học trong khôi phục, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên.

     Với mục tiêu là quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, BVMT, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó BĐKH; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Bộ TN&MT đã xác định, việc nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ trong giai đoạn CMCN 4.0 được ưu tiên là những công nghệ về quan trắc môi trường, khí tượng thủy văn, tài nguyên nước; những công nghệ sản xuất giảm thiểu ô nhiễm, giảm chất thải… được đặc biệt ưu tiên.

     Do đó, một số nội dung trọng tâm về ứng dụng CMCN 4.0 trong công tác quản lý, BVMT thời gian tới của Tổng cục Môi trường là: Ứng dụng công nghệ 4.0 để giám sát, cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường; Thực hiện số hóa CSDL về môi trường phục vụ công tác quản lý;  tiếp tục chỉ đạo, điều hành thông qua hệ thống Chính phủ điện tử, tiến tới thực hiện giải quyết công việc không giấy; Thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường trong các dự án đầu tư mới, trong các dự án xử lý chất thải, BVMT; Phát triển các công nghệ ít phát thải, các sản phẩm thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo.

 

ThS. Nguyễn Xuân Thủy - Phó Giám đốc

Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2019)

 

Ý kiến của bạn