12/02/2020
Rác thải nhựa (RTN) đang ngày càng gia tăng và là một trong những thách thức về môi trường đối với toàn cầu. Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế, trong đó có ô nhiễm RTN hay còn gọi là “ô nhiễm trắng”. Có thể nói, chính sự tiện lợi, giá thành rẻ của các sản phẩm bằng nhựa đã góp phần hình thành thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam và tạo nên khối lượng RTN khổng lồ. Trong khi đó, việc xử lý RTN và hệ thống tái chế đồ nhựa ở Việt Nam nói riêng hay trên thế giới nói chung chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.
Nghiên cứu tổng quan về chất thải rắn (CTR), RTN tại Việt Nam
Tổ chức Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) đã có nghiên cứu quốc gia về CTR, RTN với mục tiêu đưa ra nghiên cứu tổng quan về công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; xác định các tỉnh, thành phố (TP), khu vực ở Việt Nam có tiềm năng trở thành mô hình tiên phong về Đô thị giảm nhựa và thu thập dữ liệu nền về tình hình phát sinh chất thải nhựa tại các TP được lựa chọn. Để thực hiện mục tiêu đề ra, nghiên cứu đã xác định phạm vi và nhiệm vụ cần thực hiện là đánh giá, phân tích hiện trạng, chính sách và thực tiễn quản lý CTR, RTN hiện nay với phạm vi trên toàn quốc; sàng lọc, lựa chọn các tỉnh, TP tiềm năng tham gia Dự án Đô thị giảm nhựa của WWF Việt Nam (28 tỉnh, TP); thu thập thông tin từ 10 tỉnh được sàng lọc và điều tra cơ bản về tình hình phát sinh chất thải nhựa tại 5 tỉnh, TP tiềm năng tham gia Dự án trong năm 2019 - 2020.
Nghiên cứu là một trong những hoạt động được WWF triển khai thông qua Dự án “Đô thị giảm nhựa” nhằm mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại một số tỉnh/TP tại Việt Nam từ nay đến năm 2021. Dự án bao gồm 4 nhóm hoạt động: Khảo sát hiện trạng và hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động giảm ô nhiễm RTN tại các TP được lựa chọn; hỗ trợ liên kết các ngành có liên quan đến sử dụng và thải loại nhựa; hỗ trợ thực hiện các mô hình thí điểm giảm nhựa tại những khu vực được lựa chọn tại các TP; truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Dự án nằm trong chương trình “Đô thị giảm nhựa” cấp toàn cầu với mục tiêu không có RTN trong thiên nhiên vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, Dự án mong muốn tạo ra mạng lưới kết nối 25 đô thị không RTN tại Đông Nam Á vào năm 2025; là bước đệm để đạt được con số 1.000 đô thị không RTN trên toàn thế giới vào năm 2030.
Hơn 50% các hộ kinh doanh quy mô nhỏ thiếu hiểu biết về bản chất của nhựa
Trong thời gian qua, nghiên cứu của WWF đã đánh giá về công tác quản trị CTR tại cấp Trung ương và địa phương; khảo sát nhận thức, quan điểm, thói quen thải RTN của gần 400 hộ gia đình, trên 300 hộ kinh doanh quy mô nhỏ, 300 đối tượng thu gom rác tại những khu vực ven biển và kênh rạch ở 3 tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh.
Các bạn trẻ tham gia Lễ phát động phong trào toàn quốc chống RTN tại Hà Nội
Kết quả nghiên cứu cho thấy, công tác quản trị CTR còn nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của các cấp, ngành. Dù khung pháp lý của Việt Nam về quản lý CTR tương đối đầy đủ so với các nước trong khu vực và đang từng bước được kiện toàn, tuy nhiên nguồn lực, năng lực thực thi, cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan vẫn còn nhiều vướng mắc cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp chính quyền.
Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng chưa cao, có hơn 50% các hộ kinh doanh quy mô nhỏ thiếu hiểu biết về bản chất của nhựa, tác động của RTN và tình trạng rò rỉ RTN ra môi trường. Đối với những người thu gom rác thải, mặc dù chưa hiểu biết rõ về bản chất của nhựa, nhưng phần lớn nhận thức được tác động của nhựa đối với sức khỏe con người; bởi họ tiếp xúc trực tiếp với rác thải hàng ngày và nhận thức được những mối nguy hại đối với sức khỏe của chính mình. Như vậy, hiểu biết về bản chất của nhựa sẽ giúp người dân hiểu tác động của nhựa với môi trường, khả năng phân hủy của chúng theo thời gian, cũng như biết cách sử dụng đúng cách, đảm bảo sức khỏe của chính mình.
Cũng theo kết quả nghiên cứu, có trên 60% cộng đồng nói chung không biết và chỉ biết 1 quy định về quản lý rác thải và BVMT là bỏ rác đúng nơi quy định. Đối với hộ gia đình, các quy định được biết đến nhiều nhất bao gồm: 56% biết bỏ rác đúng nơi quy định, 19% biết nội dung phân loại rác, 30% biết tổng vệ sinh khu vực định kỳ. Hiện vẫn còn khoảng 5 - 9% các hộ dân đổ thải trực tiếp ra môi trường dẫn đến tỷ lệ RTN thất thoát ra môi trường ước tính khoảng từ 8 -10%, tương đương 0,4 - 0,7 triệu tấn vào năm 2019. Ước tính khoảng 25% RTN tại Việt Nam được quay lại thị trường tái chế thông qua con đường phi chính thức. Kết quả này phù hợp với những nghiên cứu trước đây về lượng RTN thất thoát ra môi trường và tỷ lệ tái chế tại Việt Nam của các tổ chức quốc tế.
Mặt khác, nghiên cứu đã đánh giá những cảm nhận của cộng đồng về hiện trạng xả thải và thu gom CTR. Kết quả cho thấy, có sự khác biệt rõ rệt giữa hộ gia đình, hộ kinh doanh và đối tượng thu gom rác. 34% hộ gia đình có cảm nhận không tốt về tình hình phát sinh RTN và xả thải bừa bãi xung quanh nơi ở của họ. 50% hộ gia đình đánh giá phương tiện thu gom thô sơ hoặc không hợp vệ sinh. Tuy nhiên, đối tượng thu gom có xu hướng “ít phàn nàn” về tình trạng vệ sinh môi trường (từ 10 - 18% phàn nàn về việc phát sinh nhiều rác, tình trạng xả rác, tần suất thu gom hay phương tiện thu gom), trong khi hộ kinh doanh có thái độ “thờ ơ” đến vấn đề môi trường. Sự “thờ ơ” này có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sử dụng nhiều đồ nhựa, hoặc thải RTN ra môi trường. Đây cũng là một trong những lý do cần có những chiến dịch truyền thông hoặc các giải pháp, công cụ chính sách nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp và hộ kinh doanh với môi trường hơn nữa.
Đồng thời, nghiên cứu đánh giá sự ủng hộ của người dân với 14 chính sách tiềm năng về giảm RTN, theo đó người dân đặc biệt ủng hộ 3 chính sách: Cấm và phạt với hành vi xả thải bừa bãi (63%); truyền thông giáo dục về RTN (gần 50%); hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần (41%).
Căn cứ vào những kết quả nghiên cứu hiện trạng phát sinh và quản lý rác thải, WWF cùng chuyên gia sẽ hỗ trợ các tỉnh xây dựng kế hoạch hành động giảm ô nhiễm RTN theo mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia về Giảm RTN đại dương; hỗ trợ liên kết các ngành có liên quan đến sử dụng và thải loại nhựa; hỗ trợ thực hiện các mô hình thí điểm nhằm giảm 30% lượng RTN ra môi trường tại những khu vực được lựa chọn tại các TP.
Trong thời gian tới, WWF sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường hoạt động hợp tác nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen của cộng đồng, đặc biệt các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống về RTN; hỗ trợ địa phương ban hành chính sách được người dân ủng hộ, như mô hình hạn chế túi ni lông ở Bắc Ninh, Quảng Trị; Tiếp tục đầu tư chương trình giám sát và đánh giá dòng thải nhựa ra môi trường, tại các điểm trung chuyển, bãi chôn lấp kết hợp với khoa học công dân.
Phú Hà
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2020)