Banner trang chủ

Đầu tư xử lý chất thải nhựa ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức

08/10/2018

     Việc Chính phủ tăng cường các giải pháp để BVMT, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian qua đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp (DN) ngành nhựa, đặc biệt là lĩnh vực nhựa tái chế, buộc các DN phải có các giải pháp công nghệ - kỹ thuật thân thiện môi trường hoặc tạo ra sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy.

     Trên thực tế, ngành nhựa dù có rất nhiều DN tham gia sản xuất nhưng các cơ sở tái chế nhựa hiện nay chưa phát triển mạnh, bên cạnh một số nhà máy sản xuất quy mô trung bình rải rác ở một vài địa phương, hầu hết các cơ sở đều nhỏ lẻ, công nghệ thô sơ lạc hậu, chủ yếu tập trung tại các làng nghề nên hiệu quả thấp, giá thành rẻ, chất lượng không cao, có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường không khí, nước và đất.

 


Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo

 

     Tại Hội thảo “Đầu tư xử lý chất thải nhựa ở Việt Nam, cơ hội và thách thức” do Quỹ BVMT Việt Nam phối hợp với Hiệp hội nhựa tổ chức ngày 5/10/2018 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng đến năm 2020 và định hướng tới năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 1292/QĐ-TTg ngày 1/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ) đặt mục tiêu xây dựng các nhà máy tái chế chất thải nhựa thành dầu nhiên liệu hoặc các sản phẩm khác.

     Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt cũng xác định, phấn đấu đến năm 2020 thu gom, tái sử dụng 50% túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt. Tuy nhiên, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa ở Việt Nam vẫn chưa phát triển, tỷ lệ phân loại chất thải nhựa tại nguồn rất thấp, chủ yếu dựa vào lực lượng thu mua phế liệu và một số cơ sở xử lý chất thải rắn có công đoạn phân loại tách nhựa khỏi chất thải rắn.

     Theo số liệu thống kê, chất thải nhựa chiếm 8 - 16% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và Việt Nam thuộc Top các quốc gia xả nhiều rác thải biển nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn/năm.

     Ngoài ra, túi ni lông chiếm khối lượng khá lớn trong thành phần nhựa thải và hiện diện ở khắp nơi trong đời sống xã hội, từ đô thị đến nông thôn. Ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi ni lông/năm. Riêng khu vực đô thị, nhựa là túi ni lông chiếm khoảng 10,48 - 52,4 tấn/ngày. Đồng thời, chỉ khoảng 17% số túi ni lông được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

     Vì vậy, cần thiết phải có các giải pháp công nghệ - kỹ thuật thân thiện môi trường trong tái chế tái sử dụng, hoặc tạo sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy dùng trong đời sống, khuyến khích, đầu tư tạo điều kiện để có được các kết quả áp dụng vào thực tế. Đây là khó khăn và cũng là cơ hội lớn cho các DN đầu tư vào lĩnh vực này.

     Theo ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, dư địa trong ngành nhựa tại Việt Nam rất lớn, nhưng 80% nguyên liệu nhựa nhập khẩu, vì thế Nhà nước cần chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư và DN nội địa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nguyên vật liệu trong nước. Lý do được ông Lam chỉ ra là hiện tại các đơn vị sản xuất tại Việt Nam chỉ làm nguyên liệu đầu cuối nên dẫn đến phục thuộc nước ngoài. Vấn đề thứ hai là Nhà nước phải tập trung thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm tái chế, tạo ra thói quen sử dụng và phân loại đầu nguồn, để tận dụng hiệu quả nguồn phế liệu trong nước.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Thứ Trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, trong các công cụ BVMT, Quỹ BVMT là công cụ kinh tế linh hoạt, với vai trò cơ bản cung cấp nguồn tài chính dài hạn, ổn định cho các dự án, chương trình BVMT.

     Ở Việt Nam, hệ thống các quỹ BVMT được thành lập và hoạt động theo Luật BVMT, gồm Quỹ BVMT Việt Nam (VEPF), quỹ BVMT địa phương, các quỹ môi trường khác do tổ chức hoặc DN thành lập.

     Đến nay, nhiều dự án, chương trình, hoạt động BVMT đã triển khai thành công và hiệu quả nhờ vào chính sách ưu đãi của Nhà nước, tiếp nhận hỗ trợ tài chính từ Quỹ BVMT Việt Nam, sự trợ giúp từ các tổ chức quốc tế.

     Liên quan đến hỗ trợ từ VEPF, ông Trần Kiên đại diện VEPF cho biết, trên thực tế, 8 lĩnh vực ưu tiên mà VEPF tập trung cho vay trong thời gian vừa qua gồm: Xử lý nước thải công nghiệp tập trung; nước thải sinh hoạt tập trung trên 2500 m3/ngày; Xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp tập trung; Xử lý rác thải sinh hoạt… Các tiêu chí để Quỹ lựa chọn DN được vay vốn là tính cấp thiết và hiệu quả môi trường; tính kinh tế và khả năng tài trợ; quy mô và tính đặc thù… Ông Kiên cho rằng, các DN ngành nhựa khi có dự án đúng tiêu chí sẽ được VEPF hỗ trợ vốn để đầu tư dự án.

 

Quỳnh Như

Ý kiến của bạn