Banner trang chủ

Đề xuất một số quy định về sức khỏe môi trường trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường 2005 (sửa đổi)

15/09/2015

  25% số ca bệnh và tử vong trên thế giới có nguyên nhân từ môi trường Đặt vấn đề Theo Tổ chức Y tế thế giới (WTO), sức khỏe môi trường (SKMT) đề cập đến tất cả các yếu tố vật lý, hóa học và sinh học tác động đến con người cũng như hành vi của con người, bao gồm việc đánh giá và kiểm soát các yếu tố môi trường có tiềm năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Mục tiêu của SKMT hướng đến việc ngăn ngừa bệnh tật và thiết lập môi trường sống có lợi cho sức khỏe. Định nghĩa này không bao gồm những hành vi không liên quan đến môi trường cũng như những hành vi văn hóa, xã hội và có tính di truyền[1]. Chất lượng môi trường có tác động đến sức khỏe con người và nó cũng bị chi phối bởi các hoạt động của con người. Nếu lấy môi trường làm chủ thể thì sức khỏe của con người chính là thước đo của chủ thể đó. Dựa vào tình trạng sức khỏe và bệnh tật của một nhóm người, có thể đánh giá được chất lượng môi trường mà nhóm người đó sinh sống. Vì vậy, BVMT chính là cách để con người tự bảo vệ sức khỏe. Trong tình hình chất lượng môi trường suy giảm, mối tương quan giữa sức khỏe và môi trường càng được thể hiện rõ nét. Theo ước tính, 25% số ca bệnh và tử vong trên thế giới có nguyên nhân từ các vấn đề môi trường, đặc biệt, tại châu Phi, cận hoang mạc Sahar con số này lên tới 35%. Trung bình mỗi phút, có 5 trẻ em ở các nước đang phát triển bị chết vì bệnh sốt rét hoặc tiêu chảy và cứ mỗi giờ, có 100 em chết do phải tiếp xúc với khói thuốc từ nhà máy đốt nhiên liệu rắn trong thời gian dài. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức về SKMT. Hiện tại, chưa có văn bản pháp luật chính thức nào đề cập đến SKMT; Các hoạt động liên quan đến SKMT chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Vì vậy, rất cần có cơ sở pháp lý, cụ thể là văn bản luật về SKMT. Sửa đổi Luật BVMT 2005 cũng là một cơ hội để thể chế hóa vấn đề này. Tình hình thế giới WHO cùng với các tổ chức quốc tế khác đã khởi xướng nhiều sáng kiến và hoạt động hợp tác trong lĩnh vực SKMT. Tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á, UNEP và WHO đã đồng tài trợ cho các Diễn đàn khu vực về Môi trường và Sức khỏe cấp Bộ trưởng nhằm xây dựng năng lực và giải pháp giải quyết các vấn đề SKMT; Tăng cường phối hợp giữa các Bộ trong một nước về môi trường và sức khỏe cũng như ở cấp độ khu vực, thông qua cơ chế chia sẻ thông tin và kinh nghiệm; Cải tiến chính sách và khung pháp lý ở cấp quốc gia và khu vực; Khuyến khích thực hiện các chiến lược và quy định về SKMT một cách tổng thể. Diễn đàn thu hút sự tham gia của 14 nước thành viên trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Tại Diễn đàn, các nước đã thông qua Hiến chương về môi trường và sức khỏe; Tuyên ngôn Băng Cốc và Jeju về môi trường và sức khỏe. Các nước đều đã nỗ lực trong việc ưu tiên giải quyết các vấn đề SKMT và đã ban hành chính sách và thể chế thực hiện. Ví dụ, Hàn Quốc đã ban hành Luật SKMT và thành lập Vụ SKMT thuộc Bộ Môi trường; Nhật Bản xác định rõ 1 chương về SKMT trong Kế hoạch cơ bản về môi trường; Trung Quốc đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về SKMT và quy định chức năng quản lý về SKMT trong Vụ Khoa học, Công nghệ và Tiêu chuẩn môi trường thuộc Bộ BVMT; Lào và Campuchia cũng đã ban hành kế hoạch hành động về SKMT và triển khai nhiều chương trình, dự án để thực hiện kế hoạch này. Tình hình trong nước Ở Việt Nam, SKMT chưa được đề cập một cách cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Các quy định trong Luật BVMT 2005 mới chỉ đề cập đến kiểm soát, phòng chống ô nhiễm, BVMT, chưa chú trọng đến ảnh hưởng của ô nhiễm đến sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, việc xây dựng cũng như tổ chức thực hiện các chính sách SKMT còn nhiều bất cập; Các chính sách, chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương chưa tính đến vấn đề SKMT. Các Bộ, ngành có liên quan như Bộ TN&MT và Bộ Y tế đã và đang triển khai các chương trình, hoạt động nhằm giải quyết vấn đề SKMT. Tuy nhiên, các hoạt động này tiến hành riêng rẽ, chưa gắn kết giữa BVMT với đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân, nên hiệu quả còn hạn chế. Đặc biệt, để giải quyết các vấn đề SKMT cần hệ cơ sở dữ liệu về dịch tễ, quan trắc môi trường trong nhiều năm, nhưng ở Việt Nam, các số liệu này thường không đầy đủ và không được lưu giữ một cách hệ thống. Bên cạnh đó, các số liệu quan trắc môi trường với hệ thống cơ sở dữ liệu y tế cũng chưa có sự liên kết nên việc xác định mối quan hệ nhân - quả giữa chất lượng môi trường và tình trạng sức khỏe cộng đồng rất khó khăn. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền và tổ chức, đoàn thể chưa được phát huy. Vì vậy, để giải quyết các vấn đề SKMT một cách hiệu quả, cần sửa đổi, bổ sung SKMT vào Luật BVMT. Đề xuất các quy định về SKMT trong Dự thảo Luật BVMT 2005 (sửa đổi) Xây dựng chương trình/kế hoạch hành động quốc gia về SKMT Tại Hội nghị Bộ trưởng cấp cao các nước Đông Á và Đông Nam Á, Việt Nam đã ký Tuyên bố Băng Cốc tháng 7/2007 và Tuyên bố Jeju tháng 7/2010 cam kết xây dựng một kế hoạch hay chương trình hành động tổng thể cấp quốc gia để giải quyết các vấn đề SKMT. Tại Hàn Quốc, vấn đề xây dựng một kế hoạch tổng thể về SKMT đã được quy định trong Luật SKMT, số 8946, ban hành ngày 21/3/2008. Một số quốc gia cũng đã ban hành các kế hoạch hành động quốc gia về SKMT. Lồng ghép đánh giá tác động sức khỏe (HIA) vào quy trình đánh giá tác động môi trường (EIA) Trên thế giới, nhiều quốc gia như Canađa, Ý, Thụy Sỹ, Niu-Di-Lân, Phần Lan… đã nhìn nhận được tầm quan trọng của công tác HIA và thể chế hóa trong các văn bản pháp luật về đánh giá tác động môi trường. Canađa và Ôxtrâylia đã phát triển các văn bản chính thức, hướng dẫn việc tích hợp HIA vào EIA. Tại Hoa Kỳ, một số bang cũng đã thành công trong việc sử dụng các phương pháp HIA trong EIA. Theo Luật Chính sách môi trường quốc gia 1969, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ phải cung cấp ý kiến trong phạm vi cho báo cáo phân tích môi trường do các cơ quan môi trường liên bang tiến hành thực hiện (CDC, 2008). Tại Hàn Quốc, Điều 13, Luật SKMT, các dự án cần thực hiện HIA và EIA để xác định các yếu tố môi trường có khả năng gây nguy hại đến sức khỏe, sau đó xin ý kiến chấp nhận của Bộ Môi trường hoặc người đứng đầu cơ quan môi trường địa phương. Tại Việt Nam, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nêu “Dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm chỉ được xây dựng sau khi có thẩm định của cơ quan y tế có thẩm quyền về báo cáo HIA”. Tuy nhiên, cho đến nay, mối liên kết giữa sức khỏe và môi trường chưa được giải quyết một cách thống nhất trong hệ thống pháp chế. Một số báo cáo EIA có xét đến những yếu tố rủi ro tiềm tàng cho sức khỏe nghề nghiệp và sức khỏe cộng đồng như ô nhiễm nước, không khí, tiếng ồn, phóng xạ hoặc những tác động về tâm lý. Song, số liệu trong các báo cáo này thường chỉ đề cập đến vấn đề mức độ và nguyên nhân ô nhiễm chứ không đề cập những tác động đến sức khỏe con người. Nhiều chuyên gia cho rằng, HIA không được đề cập thì các báo cáo EIA không đủ nội dung trong việc đánh giá đề xuất dự án. Việc quy định HIA là một phần của EIA có thể khắc phục được vấn đề này. Xây dựng và phát triển hệ thống giám sát, theo dõi và thống kê về SKMT Ô nhiễm môi trường làm nảy sinh các nguy cơ tiềm ẩn bất lợi cho sức khỏe cộng đồng đã và đang được thế giới đặc biệt quan tâm. Nhiều nước đã và đang xây dựng hệ thống thông tin SKMT nhằm quản lý và bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu tác động xấu của những thay đổi môi trường. Tại Mỹ, nhận thức được gánh nặng từ các bệnh mãn tính cùng với những bằng chứng cho thấy, các yếu tố môi trường có liên quan mật thiết với các bệnh mãn tính, Nghị viện Mỹ đã đưa ra một đạo luật[2] nhằm tạo cơ chế phối hợp SKMT với mục đích: Xây dựng, vận hành và duy trì một mạng lưới phối hợp SKMT - Mạng lưới SKMT cấp bang để chính quyền liên bang, các bang và các địa phương có thể giám sát, nghiên cứu, ngăn chặn tăng tỷ lệ bệnh và tỷ lệ lưu hành các bệnh mãn tính và các yếu tố rủi ro môi trường; Cung cấp thông tin thu thập được thông qua các mạng lưới phối hợp SKMT và mạng lưới SKMT cấp bang cho Chính phủ, các nhà nghiên cứu và bác sĩ y tế cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng; Mở rộng, phối hợp các hệ thống thu thập dữ liệu và giám sát hiện hành cùng với các cơ sở khác về bệnh mãn tính, các yếu tố rủi ro môi trường liên quan; Đẩy mạnh sự phối hợp giữa các lĩnh vực BVMT, y tế công cộng, hóa chất, phóng xạ và sinh học. Năm 2006, WHO đã công bố mô hình DPSEEA (Động lực - Áp lực - Hiện trạng - Sự phơi nhiễm - Tác động - Hành động), xác định các yếu tố môi trường có tiềm năng tác động tới sức khỏe con người. Mô hình đang được áp dụng phổ biến ở nhiều nước, nhằm tìm hiểu bản chất của các mối quan hệ nhân - quả trong lĩnh vực SKMT. Bên cạnh đó, mô hình tính toán gánh nặng bệnh tật do môi trường (EBD-Enviromental Burden Disease) cũng đã đưa ra khung lý thuyết và phương pháp tiến hành đánh giá tác động về mặt sức khỏe của các yếu tố nguy cơ môi trường. Một ví dụ khác về Hệ thống thông tin SKMT là Hệ thống thông tin Môi trường và Sức khỏe châu Âu (ENHIS)[3], đưa ra các thông tin làm bằng chứng hỗ trợ cho các chính sách y tế và môi trường tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Như vậy, các thông tin phục vụ công tác SKMT nói chung và đánh giá tác động SKMT nói riêng được chính quyền của rất nhiều quốc gia quan tâm và đầu tư. Một hệ thống thông tin SKMT hoàn thiện không chỉ đẩy mạnh sự hợp tác giữa các cơ quan y tế và môi trường mà còn thúc đẩy sự tham gia và trách nhiệm của các ngành, tổ chức có liên quan khác. Giao chức năng đầu mối quản lý nhà nước về SKMT cho cơ quan quản lý nhà nước về môi trường Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc giao chức năng quản lý nhà nước về SKMT cho cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ giúp triển khai các hoạt động về SKMT có hiệu quả hơn. Ví dụ như ở Nhật Bản, trước năm 2000, vấn đề SKMT do Bộ Y tế đảm nhiệm, sau đó giao cho Bộ Môi trường; Ở Hàn Quốc, Bộ Môi trường cũng là cơ quản quản lý nhà nước về SKMT. Vì vậy, để đảm bảo sự hợp tác giữa hai lĩnh vực, Việt Nam nên thành lập hoặc giao việc quản lý hệ thống thông tin SKMT cho một cơ quan có chức năng quản lý về môi trường. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể trách nhiệm xây dựng và ban hành các văn bản, quy định pháp luật về cơ chế phối hợp trong việc cung cấp các thông tin SKMT cũng như trách nhiệm của các bên có liên quan. Kết luận Với những kinh nghiệm cũng như tình hình thực tiễn tại Việt Nam, có thể thấy, việc bổ sung các quy định về SKMT vào Luật BVMT là nhiệm vụ cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển. Bên cạnh đó, cũng cần có sự phối hợp của các cơ quan quản lý, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường và y tế cộng đồng, để việc ban hành điều luật có tính khả thi và thực hiện có hiệu quả. Đỗ Nam Thắng - Nguyễn Thị Ngọc Mai Viện Khoa học quản lý môi trường Nguồn: Tạp chí MT, số 7/201   [1] http://www.who.int/topics/environmental_health/en/ [2] Coordinated Environmental Public Health Network Act of 2007 http://www.govtrack.us/congress/bills/110/hr3643/text   [3] http://www.euro.who.int/en/what-we-do/data-and-evidence/environment-and-health-information-system-enhis
Ý kiến của bạn