Banner trang chủ

Đã xác định được nguyên nhân cây chết, đất ngập úng, nước nhiễm mặn ở xã Vĩnh Tân, Bình Thuận

27/10/2017

     Ngày 25/10/2017, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho biết, đã có kết quả xác định nguyên nhân cây chết, đất ngập úng, nước nhiễm mặn của các hộ dân sinh sống tại khu vực sân xe chùa Linh Sơn Tự, thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (gần bãi thải xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2).

     Trước đó, từ cuối năm 2016, nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây trôm trên địa bàn thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân bị chết hàng loạt, ảnh hưởng lớn đến đời sống của các hộ dân trồng cây trôm ở địa phương. UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các Sở TN&MT, NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, xác định nguyên nhân.

     Ngày 15/5/2017, UBND tỉnh Bình Thuận chọn Viện MT&TN, thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là đơn vị độc lập để xác định nguyên nhân cây chết, đất ngập úng nước, nhiễm mặn và phạm vi ảnh hưởng, mức độ thiệt hại tại khu vực này.

     Sau thời gian tiến hành thu thập các thông tin, tài liệu có liên quan và kế thừa các kết quả phân tích mẫu từ các cơ quan hữu quan, dự án đầu tư trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; Lấy mẫu khảo sát bổ sung; Điều tra, khảo sát thực tế tại khu vực nghiên cứu; Tổng hợp các kết quả, phân tích, Viện MT&TN kết luận: Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cây trôm bị chết ở khu vực sân xe chùa Linh Sơn Tự, thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân là do bị ngập úng, không phải do nhiễm mặn.

 

Cán bộ khoa học Viện MT&TN lấy mẫu nước trong khu vực bị ngập úng, nhiễm mặn để kiếm tra

 

     Nguyên nhân gây ngập úng cục bộ ở khu vực này là năm 2016, lượng mưa tại khu vực gia tăng đột biến so với các năm 2012 - 2015 trong khi hệ thống tiêu thoát nước ở khu vực kém. Hệ thống cống thoát nước bề mặt ngang qua tuyến đường sắt Bắc - Nam không được duy tu bảo dưỡng tốt, cây cối mọc nhiều phía trước miệng cống làm cản trở dòng chảy, giảm năng lực thoát nước, từ đó làm gia tăng mức độ ngập úng tại khu vực. Bên cạnh đó, do chưa có tuyến kênh thoát lũ ngoại lai ở phía Bắc bãi thải xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nên nước mưa từ trên sườn núi cao đổ xuống không có đường tiêu thoát, thấm hết xuống đất làm gia tăng dòng chảy ngầm và mực nước ngầm tầng nông; Sự hình thành bãi thải xỉ làm thay đổi địa hình tự nhiên, thay đổi chế độ dòng chảy bề mặt, dòng chảy ngầm ngang qua khu bãi xỉ, dẫn đến sự dồn đọng nước tập trung về khu vực trũng thấp phía Tây bãi xỉ, gây ra tình trạng ngập úng.

     Về nguyên nhân gây nhiễm mặn đất và nguồn nước ở khu vực xung quanh bãi xỉ, hoàn toàn không có nguồn gốc nào từ tự nhiên mà chủ yếu là do tác động của con người. Kết quả phân tích cho thấy, có sự suy giảm rõ rệt nồng độ clorua trong nước ngầm từ khu vực cách bãi xỉ 37 m (ven đường mòn dọc theo đê phía Tây bãi xỉ - nơi có những đống đất nhiễm mặn được đổ bừa bãi), càng xa bãi xỉ thì nồng độ clorua càng thấp dần. Điều này chứng tỏ có sự lan truyền mặn từ các đống đất đổ bị nhiễm mặn.

     Theo đó, phạm vi cây trôm bị chết hoặc bị ảnh hưởng là 4,63 ha; đất bị ngập úng 13,2 ha; nước dưới đất bị lợ 12,4 ha; thời gian bị thiệt hại từ tháng 12/2016.

     Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận Hồ Lâm cho biết, căn cứ vào kết quả, Sở đã chủ trì phối hợp các ngành chức năng, Viện MT&TN, UBND huyện Tuy Phong, UBND xã Vĩnh Tân tổ chức công bố kết luận nguyên nhân cây chết, nước giếng nhiễm mặn, đất bị ngập úng và nhiễm mặn tại khu vực xung quanh bãi xỉ với sự tham dự của 13 hộ dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng; Đại diện Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân, Ban Quản lý Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân.

     Trên cơ sở kết luận này, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và đề nghị Tổng Công ty Phát điện 3 thực hiện các giải pháp để hạn chế tình trạng ngập úng, ngăn ngừa việc nhiễm mặn nước dưới đất, nước mặt trong khu vực; Triển khai thực hiện kiểm kê, xác định mức độ thiệt hại của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng và đề xuất biện pháp hỗ trợ để sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân.


 An Vi

Ý kiến của bạn