Banner trang chủ

Đánh giá tác động đến khu hệ chim và dơi khi thực hiện Dự án Nhà máy điện gió Cầu Đất, tỉnh Lâm Đồng

15/10/2019

     Sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất cũng như các mục đích khác là một nhu cầu tất yếu và ngày càng đòi hỏi ở mức độ cao hơn. Nhiều loại hình sản xuất điện được đầu tư xây dựng đã góp phần to lớn trong quá trình phát triển của thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, đến nay các loại hình sản xuất điện truyền thống như: nhiệt điện, thủy điện, điện hạt nhân… đều đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Do đó, việc phát triển năng lượng bền vững đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng điện lâu dài, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường.

 

Trang trại chè dự kiến sẽ lắp đặt tuabin gió

 

     Hiện nay, điện gió là nguồn năng lượng sạch, tái tạo, không phát thải khí nhà kính, không sản sinh các chất gây ô nhiễm môi trường, không làm thay đổi diện mạo chung về cảnh quan khu vực, không chiếm dụng nhiều đất đai… được lựa chọn là nguồn năng lượng cho tương lai trong Chiến lược năng lượng của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng nằm trong số đó. Mục tiêu phát triển năng lượng gió trên toàn cầu đến năm 2020 đáp ứng 12% năng lượng điện tiêu thụ trên toàn thế giới.

     Tại Việt Nam, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2020, công suất lắp đặt điện gió khoảng 1.000MW; đến năm 2030 là 6.000MW. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỉ trọng 0,7% vào năm 2020 và chiếm 2,4% vào năm 2030, trong đó khu vực tỉnh Lâm Đồng được các chuyên gia đánh giá là có tiềm năng tốt, có khả năng phát triển điện gió công nghiệp tại các địa phương như Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng và Di Linh.

     Dự án Nhà máy điện gió Cầu Đất thực hiện ở xã Trạm Hành, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, với công suất lắp đặt giai đoạn I là 28,8MW, giai đoạn II là 100-300MW sẽ đóng góp vào danh sách các nhà máy điện gió của cả nước.

     Toàn bộ khu vực dự kiến xây dựng các công trình của Dự án thuộc Công ty CP chè Cầu Đất, Đà Lạt; Công ty TNHH Thiên Sương Đà Lạt và Công ty TNHH Fusheng, với tổng diện tích nằm trong phạm vi nghiên cứu là 372,54ha. Diện tích đất Dự án sử dụng vĩnh viễn là 23,4ha (bao gồm đất làm móng tuabin, đường giao thông dùng chung, trạm biến áp, nhà điều hành, hành lang đường điện 110KV…).

     Việc triển khai Dự án không tránh khỏi những tác động ngoài ý muốn đến môi trường vật lý, môi trường sinh học và môi trường kinh tế - xã hội. Vì vậy, Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMT) của Dự án được thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Vì tính đặc thù của Dự án, đối tượng bị hại của môi trường sinh học là các loài động vật biết bay nên bài viết chỉ giới hạn đánh giá tác động của Dự án đến khu hệ chim và khu hệ dơi.

     Khi nghiên cứu tác động đến khu hệ chim cần lưu ý đến nhóm chim di cư là những loài chim hàng năm vào khoảng thời gian từ cuối mùa Thu đến cuối mùa Xuân (từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau) bay khỏi nơi cư trú cố định để bay đến phương Nam tránh rét. Hết mùa Đông chúng lại bay về nơi cư trú cũ. Các loài chim di cư có thể ở lại hoặc chỉ bay qua và lưu lại một thời gian ngắn, có loài di cư và sinh sản (làm tổ). Nhiều loài chim di cư là chim nước, nhưng cũng có loài chim di cư là chim rừng. Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, chim di cư thường dễ bị tổn thương hơn so với chim thường trú do chưa quen địa hình, địa vật nơi ở mới.

     Theo kết quả điều tra, phỏng vấn, khảo sát ở đây đã ghi nhận có khoảng 64 loài chim thuộc 23 họ của 8 bộ. Tất cả các loài đều là chim thường trú, phân bố rộng rãi ở nhiều nơi, có số lượng cá thể không nhiều. Trong 8 bộ, thì bộ Sẻ có số lượng họ nhiều nhất với 12 họ (chiếm 52,17% tổng số họ của khu hệ); 7 bộ còn lại, mỗi bộ chỉ có từ 1 đến 2 họ. Không chỉ nhiều về số họ, bộ Sẻ cũng có số loài nhiều nhất với 41 loài (chiếm 64,06% tổng số loài của khu hệ), tiếp đến là bộ Cúc cu với 7 loài (chiếm 10,9%), bộ Hạc - 5 loài (7,81%); Các bộ còn lại chỉ có từ 1-4 loài.

     Trong các loài chim ghi nhận của Dự án điện gió Cầu Đất, không có loài chim nào được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ IUCN (2017) hoặc trong Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Chỉ có 1 loài được ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ ở nhóm IIB (hạn chế khai thác sử dụng vì mục đích thương mại), đó là loài Diều hoa Miến Điện.

     Cũng như khu hệ chim, khu hệ dơi vùng Dự án điện gió Cầu Đất chưa từng được nghiên cứu. Kết quả điều tra, khảo sát trên hiện trường vào hai mùa: Mùa Thu ghi nhận được 3 loài, đó là loài Dơi chó cánh dài, Dơi nếp mũi quạ và Dơi nếp mũi xanh. Vào mùa Xuân, kết quả điều tra cho thấy, ngoài 3 loài dơi đã gặp ở mùa Thu còn ghi nhận thêm loài Dơi tai cánh ngắn. Như vậy, ở khu vực Dự án điện gió Cầu Đất có 4 loài dơi.

     Một trong những cảnh báo được lưu ý, đó là tác động bất lợi của tuabin gió đến khu hệ chim và dơi. Ở nhiều khu vực trên toàn cầu, nơi có một số trang trại gió, hàng ngàn con dơi và chim đã bị chết mỗi năm do va chạm vào cánh tuabin gió. Các nghiên cứu được tiến hành ở Mỹ ước tính 1/10 số chim tử vong không tự nhiên do các tua biên gió gây ra.

     Những thay đổi về thiết kế tua bin gió, các cánh quạt đang được xây dựng lớn hơn, số vòng quay mỗi phút ít hơn so với các tuabin nhỏ cũng góp phần giảm thiểu đáng kể số lượng chim và dơi bị tử vong do va chạm vào cánh quạt.

     Từ những cảnh báo đã nêu ở trên chính là các tiêu chí quan trọng khi đánh giá tác động của Dự án Nhà máy điện gió Cầu Đất đến khu hệ chim và khu hệ dơi. Trong báo cáo ĐTM, Dự án Nhà máy điện gió đã lựa chọn trên phạm vi diện tích 372,5ha những vị trí có nhiều gió nhất để lặp đặt 17 tuabin. Các tuabin có tháp cao 80m, đường kính cánh quạt 100m, tốc độ quay của tuabin khoảng 10-18 vòng/phút. Đây là loại tuabin có vòng quay thấp, nhờ vậy tác động của tuabin đến hoạt động của các loài chim giảm đáng kể, đồng nghĩa với việc các loài chim bị tử vong do hoạt động của nhà máy điện gió Cầu Đất cũng ít đi. Bên cạnh đó, một số loài chim đã nhanh chóng làm quen và thích nghi với hoạt động của tuabin gió, chúng tự điều chỉnh đường bay, hướng di chuyển để không va chạm vào các tuabin.

     Theo nhiều tài liệu nghiên cứu về chim cho thấy, phần lớn các loài chim thường bay lượn để di chuyển và kiếm mồi ở độ cao dưới 40m. Do vậy, tác động của tuabin đối với các loài chim là rất nhỏ.

     Tương tự như chim, dơi cũng có thể gặp rủi ro khi Nhà máy đi vào vận hành, vì loài thú biết bay này khi đi kiếm ăn có thể bị cuốn vào luồng gió của cánh quạt. Tuy nhiên, điều này cũng ít xảy ra vì dơi có khả năng định vị tiếng vang của môi trường xung quanh. Chúng cho phép dơi biết được khoảng cách các vật trong quá trình bay. Dơi có khả năng phát ra siêu âm vượt qua khả năng nghe của con người. Khi dơi đến mùa sinh sản, các siêu âm  này có thể dao động trong khoảng 12÷160 kHZ, trong khi ngưỡng nghe của con người chỉ khoảng 20 kHZ.

     Mặt khác, kết quả điều tra khu vực Dự án cho thấy, chỉ có một số ít loài dơi xuất hiện, do vậy, hoạt động của Dự án không tác động đáng kể đến nơi cư trú hoặc gây tử vong cho dơi.

     Cũng như chim, tốc độ vòng quay cũng là yếu tố góp phần gây tử vong cho dơi. Tuy nhiên, với tua bin có vòng quay khoảng 10 -18 vòng/phút thì tác động gây hại cho dơi cũng rất thấp. Chiều cao của dơi khi bay trung bình khoảng 50m so với mặt đất, vì với khoảng cách này, dơi vẫn có thể nhận biết được con mồi. Do vậy, tác động của tuabin đối với dơi là không đáng kể.

     Từ kết quả đánh giá tác động của Dự án Nhà máy điện gió Cầu Đất đến khu hệ chim và dơi trong vùng dự án cho thấy, mức độ tác động là không đáng kể, không gây suy giảm đa dạng sinh học cũng như nguy cơ diệt vong của bất kỳ loài nào. Hy vọng Nhà máy điện gió Cầu Đất không chỉ góp phần vào sự ổn định lưới điện quốc gia mà còn giúp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng, TP. Đà Lạt theo hướng kinh tế xanh và bền vững.

TS. Lê Trần Chấn

Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học

ThS. Lê Thị Thanh Hòa

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2019)

 

Ý kiến của bạn