16/12/2019
Ngày 30/5/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chỉ thị đã đặt ra mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian tiến hành Đại hội đảng các cấp, một trong những nội dung quan trọng trong mỗi đại hội đảng là báo cáo chính trị. Chỉ thị của Bộ Chính trị yêu cầu: Các Đảng bộ “phải đánh giá khách quan, trung thực, sát tình hình thực tế; làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm trên các lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại... nhất là việc thực hiện 3 đột phá chiến lược và 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XII của Đảng đã xác định; chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, toàn diện, sát thực tế; đồng thời, quán triệt quan điểm, chủ trương, định hướng lớn trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và của cấp trên, cũng như điều kiện thực tế địa phương, đơn vị đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và với tầm nhìn xa hơn”.
Vừa qua, Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng (Khóa XII) đã thảo luận, cho ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, trong đó có báo cáo chính trị. Đây là văn kiện trung tâm của Đại hội, là căn cứ cơ bản để xây dựng các văn kiện khác. Báo cáo chính trị xứng tầm, đề ra được những chủ trương, quyết sách đúng đắn để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo. Kết quả Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng (Khóa XII) là một bước để triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị.
Theo tinh thần Chỉ thị của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng, việc đánh giá tình hình môi trường ở nước ta nói chung và ở từng Đảng bộ, cấp ủy, địa phương... như thế nào trong những năm qua để đóng góp chung vào Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng là rất quan trọng. Tác giả bài viết xin có một số ý kiến bước đầu xung quanh việc đánh giá hiện trạng môi trường nước ta hiện nay trong mỗi lĩnh vực, ở từng địa phương, cơ sở, nhằm góp phần xây dựng báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng.
Đánh giá môi trường là việc khó khăn, phức tạp, có những đặc điểm riêng, không giống các lĩnh vực khác. Điều này thể hiện ở một số khía cạnh sau:
Vấn đề môi trường, đánh giá về hiện trạng môi trường ở từng lĩnh vực, địa phương, cơ sở và đánh giá thành tích trong lĩnh vực này có những điểm không đồng nhất. Bởi vì, những thành tích hay hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong công tác BVMT, chống biến đổi khí hậu (BĐKH)... có yếu tố chủ quan và nhiều yếu tố khách quan chi phối, không dễ một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở có thể nhận ra và giải quyết ngay được. Chẳng hạn, hiện tượng lũ lụt hay hạn hán, bão, nước mặn xâm nhập, sạt lở bờ biển, bờ sông ở nhiều nơi do nguyên nhân “khách quan”, “thiên tai”, “BĐKH” làm Trái đất nóng lên, nước biển dâng. Việc các khu công nghiệp, làng nghề ở Hà Nội, lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy hay các địa phương lưu vực sông Cầu gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, các vùng lân cận, hạ lưu bị ảnh hưởng cũng khó đánh giá doanh nghiệp nào gây ra hậu quả và mức độ gánh chịu thiệt hại của người dân khu vực lân cận. Nhưng nếu nhìn tổng thể bức tranh về môi trường của khu vực ngày càng xấu đi, các thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải hứng chịu nhiều hơn.
Hiện nay, ở nước ta, khác với những đánh giá thành tích, hạn chế, khuyết điểm ở nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng... trong khi đó, việc đánh giá tốt, xấu, tích cực hay tác hại về môi trường sinh thái là khó khăn, phức tạp, không rõ ranh giới, thậm chí khó quy kết cho một chủ thể nào đó. Ví dụ như việc đánh giá mức độ ô nhiễm không khí ở Thủ đô Hà Nội thời gian qua như thế nào, cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Dù mỗi tổ chức, đơn vị đưa ra những chỉ số ô nhiễm không khí ở Thủ đô khác nhau và có nhiều ý kiến lý giải khác nhau, nhưng không tổ chức, cá nhân nào dám khẳng định, không khí ở Hà Nội hiện nay là trong lành, không bị ô nhiễm. Sau vụ cháy ở Công ty Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau, cơ quan, tổ chức cho rằng, mức độ độc hại “trong ngưỡng cho phép”, “trong giới hạn an toàn”, người phát ngôn của đơn vị khác thì lại công bố những chỉ số làm cho người dân phải sở tán khỏi vùng bị ảnh hưởng. Vậy các cơ quan, đơn vị, ban, ngành khác nhau có liên quan đánh giá thành tích, hạn chế, khuyết điểm qua các vụ việc này ra sao? Nhưng chắc chắn là môi trường sống của người dân ít nhiều đều bị ảnh hưởng. Nói tóm lại, vấn đề đánh giá môi trường không dễ dàng một chút nào.
Yêu cầu của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng là khi đánh giá những vấn đề, nội dung kinh tế, xã hội, trong đó có hiện trạng môi trường cũng như những thành tích, hạn chế trong công tác BVMT ở mức độ, thời kỳ khác nhau. Theo đó, những đánh giá về thực trạng môi trường cũng như công tác BVMT, phòng chống BĐKH ở cả bốn cấp độ: Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; kết quả 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; thành tựu 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Việc đánh giá môi trường khác xa với nhiều vấn đề kinh tế, xã hội khác. Nhiều vấn đề kinh tế, xã hội có sự kế thừa và phát triển theo hướng tích cực, với những kết quả đo, đếm được, nhìn bằng mắt, thấy tận tay như tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển thiết chế hạ tầng văn hóa, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Không phải môi trường sinh thái giai đoạn hiện nay tốt hơn, trong lành hơn giai đoạn cách đây 20 - 30 năm, nhưng những cố gắng, thành tích trong lĩnh vực BVMT lại có nhiều thành tích nổi bật hơn các thời trước. Song có một điều rõ ràng rằng, thực trạng môi trường ở nhiều nơi trên đất nước ta ngày càng xấu đi, bị suy thoái trầm trọng hơn. Không phải nơi nào công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh, kinh tế tăng trưởng cao cũng làm tốt BVMT, phát triển bền vững. Thực tế chứng minh, ở nhiều nơi, tuy kinh tế phát triển nhưng môi trường lại xuống cấp trầm trọng; người ta sẵn sàng đánh đổi kinh tế lấy môi trường, sự sống của chính mình và của cộng đồng, với những người không mảy may được hưởng một tý lợi ích trực tiếp nào từ thành quả kinh tế đó. Không phải cứ phát triển nhanh du lịch, thu hút được nhiều khách đến tham quan là giữ gìn được cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp mà ở nhiều nơi hai loại hoạt động này ngày càng mâu thuẫn với nhau, xung đột nhau.
Trong quá trình chuẩn bị văn kiện Đại hội, có một xu hướng khá phổ biến ở nhiều nơi là bệnh thành tích, thậm chí “tô hồng” báo cáo, nói chung chung về thực trạng môi trường cũng như công tác BVMT, chống BĐKH ở lĩnh vực, địa phương, cơ sở. Điều này không phản ánh đúng sự thật về hiện trạng môi trường và công tác BVMT, chống BĐKH.
Trước một số khó khăn, phức tạp nói trên, thiết nghĩ, trong Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng, các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở cần quán triệt sâu sắc Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Đảng về xây dựng báo cáo chính trị trình đại hội; có quan điểm duy vật biện chứng, tính lịch sử cụ thể trong đánh giá thực trạng môi trường và công tác BVMT, chống BĐKH trong phạm vi cả nước cũng như ở từng lĩnh vực, địa phương, cơ sở; trong quá trình đánh giá cần phân biệt hai mảng rõ ràng: Thực trạng tình hình môi trường ở lĩnh vực, địa phương, cơ sở với những thành tích, hạn chế, khuyết điểm trong công tác BVMT, chống BĐKH ở nơi đó.
Bên cạnh đó, cần định lượng hóa những thành tích trong công tác BVMT, chống BĐKH cũng như những hạn chế, yếu kém; nêu đích danh địa chỉ những tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở; chỉ rõ đâu là nguyên nhân chủ quan, đâu là nguyên nhân khách quan trong công tác này; trong đánh giá môi trường để đưa vào báo cáo chính trị thì cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy có vị trí, vai trò quan trọng. Vì vậy, cần nhìn thẳng, nói rõ, đánh giá đúng sự thật, tránh bệnh thành tích, tô hồng Báo cáo. Đồng thời, trong quá trình xây dựng Báo cáo chính trị liên quan đến thực trạng môi trường và công tác BVMT, chống BĐKH, cấp ủy cần nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia và mọi tầng lớp nhân dân bằng các hình thức thích hợp, hiệu quả.
Vũ Lân
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)