Banner trang chủ

Đà Nẵng: Tập trung giải quyết ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn

30/09/2019

     Khánh Sơn là bãi rác duy nhất của Đà Nẵng, bình quân mỗi ngày tiếp nhận 1.100 tấn rác thải sinh hoạt, chưa tính rác thải y tế và công nghiệp. Sau gần 30 năm tồn tại, đến nay, bãi rác đã tiếp nhận 3,2 triệu tấn rác và dự tính chỉ còn hoạt động gần 200 ngày nữa là phải đóng cửa vì không còn khả năng tiếp nhận rác. Thời gian gần đây (từ ngày 6 - 8/7/2019), người dân Khánh Sơn đã chặn xe chở rác, để phản đối việc vận chuyển rác vào bãi rác, khiến 2.000 tấn rác bị ùn ứ. Trước tình hình đó, chính quyền TP đã có nhiều cuộc đối thoại với người dân và cuối cùng đưa ra chủ trương nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn (CTR) với công nghệ hiện đại, tiên tiến để giải quyết tổng thể bài toán về rác của TP.

Thực trạng quản lý và xử lý CTR ở TP. Đà Nẵng

     Những năm gần đây, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của TP tăng nhanh cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đến năm 2019, khối lượng CTRSH đã được thu gom của toàn TP khoảng 1.100 tấn/ngày (chiếm 95%), được vận chuyển đến Khu xử lý chất thải (XLCT) Khánh Sơn để chôn lấp. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), dự báo lượng CTRSH của TP đến năm 2025 sẽ tăng lên 1.800 tấn/ngày; đến năm 2030 là 2.400 tấn/ngày và đến năm 2040 là 3.000 tấn/ngày.

 

Trung bình mỗi ngày bãi rác Khánh Sơn tiếp nhận 1.100 tấn rác

 

     Khu XLCT Khánh Sơn bắt đầu hoạt động từ ngày 1/1/2007, đến nay đã chôn lấp hơn 3,2 triệu tấn rác thải. Các ô rác số 1, 2 đã được phủ bạt; đang vận hành ô rác số 3, 4, 5 với cao trình hiện tại là +41m, +45m, +45m. Với lượng CTRSH phát sinh như hiện nay, đến cuối năm 2019 - đầu năm 2020 nếu không thực hiện các giải pháp nâng cấp, cải tạo, các ô rác sẽ đạt cao trình thiết kế. Khi đó, TP sẽ phải đối mặt với vấn đề an ninh rác rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, mỹ quan đô thị và hình ảnh của TP.

     Bãi rác Khánh Sơn đang vận hành công trình xử lý CTR đô thị với công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, trong thời gian khai thác, bãi rác Khánh Sơn là một trong những điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc cho người dân. Mặc dù chính quyền TP đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng bãi rác Khánh Sơn vẫn chưa bảo đảm tiêu chuẩn của một bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh. Việc thực hiện chôn lấp rác chưa bảo đảm đúng quy trình, quy chuẩn; việc phun chế phẩm, lấp đất ngay sau khi đổ rác cũng thực hiện chưa tốt nên phát tán mùi hôi. Ngoài ra, một số điều kiện khác như khoảng cách giữa bãi rác và khu vực dân cư, việc thu gom xử lý nước rỉ rác… vẫn chưa bảo đảm, gây nên những bức xúc trong nhân dân.

     Để giải quyết tổng thể vấn đề rác thải, UBND TP đã thống nhất định hướng triển khai nâng cấp, cải tạo bãi rác Khánh Sơn, bảo đảm các tiêu chuẩn về XLCT và khôi phục môi trường tại khu vực, trong đó bao gồm các hạng mục đầu tư các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến; nâng cấp, cải tạo các hạng mục hiện hữu, quy hoạch lại khu vực bãi rác, nghiên cứu đền bù, giải tỏa các hộ dân không bảo đảm khoảng cách an toàn; đưa Dự án Khu Liên hợp xử lý CTR tại xã Hòa Nhơn vào quy hoạch dự phòng tương lai...

     Một số giải pháp về quản lý, xử lý CTRSH của TP. Đà Nẵng đến năm 2025

     Trước thực trạng quản lý CTRSH của TP, ngày 19/12/2018, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 204/NQ-HĐND về việc quản lý CTRSH trên địa bàn TP, trong đó đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là 95% tổng lượng CTRSH phát sinh được thu gom và xử lý hợp vệ sinh; Tỷ lệ CTRSH tái chế, tái sử dụng đạt 12% năm 2020 và 15% năm 2025; Tất cả các phường, xã tổ chức phân loại CTRSH tại hộ gia đình, đảm bảo 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức thực hiện phân loại CTR; Đảm bảo tất cả các khu dân cư, khu đô thị có điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH được quy hoạch, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về BVMT; trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt ở quận nội thành có công nghệ tiên tiến, kết hợp công năng phân loại rác sinh hoạt; Đáp ứng đủ phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và đạt yêu cầu kỹ thuật; không để rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, rò rỉ nước rỉ rác tại điểm tập kết và trên đường vận chuyển; Việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 25%; Đến năm 2020 dừng hoạt động chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh tại bãi chôn lấp; đầu tư xây dựng mới nhà máy xử lý chất thải rắn và nâng cấp các công trình đảm bảo xử lý triệt để các nguồn thải phát sinh từ bãi chôn lấp rác Khánh Sơn, quận Liên Chiểu;  Khuyến khích, vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn thành phố không dùng túi nilon khó phân hủy; khuyến khích, vận động các nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố không dùng sản phẩm nhựa khó phân huỷ, sử dụng một lần để đựng thức ăn, đồ uống cho khách hàng; khuyến khích việc đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thay thế.

 

Hộc rác số 3 được xử lý phủ bạt, hạn chế ô nhiễm sau nhiều phản ánh của người dân Khánh Sơn

 

     Với các mục tiêu đề ra, UBND TP đang triển khai lập kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 204/NQ-HĐND của HĐND TP và đồng thời đã ban hành các Kế hoạch và Quyết định đầu tư Dự án Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn; Dự án Nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước rỉ rác (giai đoạn 2); Dự án Trạm trung chuyển rác tại khu vực đường Lê Thanh Nghị; Kế hoạch thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn đến năm 2025.

     Thực hiện Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định khu xử lý CTR Khánh Sơn là địa điểm xử lý CTR tập trung của TP, có diện tích 100 ha; UBND TP đã thống nhất triển khai đầu tư nâng cấp Khu XLCT Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý CTR nhằm giải quyết kịp thời vấn đề xử lý CTR đang rất cấp bách, có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, xã hội, ô nhiễm môi trường; Phù hợp với quy hoạch chung của TP. Đà Nẵng; Đáp ứng Chiến lược quốc gia về quản lý CTRSH; Khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực; Cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân xung quanh.

     Đối với yêu cầu công nghệ - môi trường - kinh tế, các hạng mục, dự án đầu tư xử lý CTR của TP phải đảm bảo công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên tại khu vực; Phù hợp với thành phần, tính chất rác thải của TP để xử lý hiệu quả, an toàn và không gây ô nhiễm môi trường; Công nghệ, thiết bị XLCT phải được tổ chức, đơn vị có chức năng chứng nhận, thẩm định công nghệ theo quy định của Việt Nam; Tận thu những giá trị của CTR để tái tạo tài nguyên, hạn chế tối đa việc sử dụng nhiều nguyên, nhiên liệu phục vụ hoạt động sản xuất (điện, nước…); Chi phí xử lý rác thải phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách TP.

     Có thể nói, việc nâng cấp, cải tạo bãi rác Khánh Sơn là yêu cầu cấp bách của TP Đà Nẵng. Do vậy, việc định hướng quy hoạch nâng cấp bãi rác Khánh Sơn trong giai đoạn hiện nay là hướng đi đúng, gắn với quy hoạch chung và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP. Tuy nhiên, ngoài việc giải quyết bài toán về xử lý CTR, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, thì việc nâng cấp bãi rác Khánh Sơn cũng cần gắn liền với lợi ích, cuộc sống và sinh hoạt của người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, dân cư khu vực.

 

Xuân Ngọ

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2019)

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn