05/10/2016
LTS: Ô nhiễm môi trường đã và đang trực tiếp đe dọa tới sự phát triển bền vững, ảnh hưởng trực tiếp và để lại di họa lâu dài đến đời sống con người, giống nòi dân tộc. Những vụ xả thải của Vedan trước kia và Formosa gần đây càng cho thấy mức độ tác hại ghê gớm của ô nhiễm môi trường khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vi phạm pháp luật. Thời gian tới, báo Đại Đoàn Kết sẽ dành 1 trang trên các số báo để điểm lại những gì đã và đang diễn ra trong lĩnh vực môi trường; cũng như những nỗ lực đấu tranh với sai phạm, nhằm góp phần đem lại màu xanh cho cuộc sống.
Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ TN&MT công bố ngày 29/9/2016 đã phác họa bức tranh tổng thể môi trường Việt Nam với mối hiểm họa ô nhiễm đến từ mọi hướng: đất, nước, không khí, rác thải, biến đổi khí hậu và thiên tai. Báo cáo dài 244 trang với 10 chương gồm các vấn đề: Phát triển kinh tế - xã hội và sức ép đối với môi trường; Biến đổi khí hậu, thiên tai; Phát sinh và xử lý chất thải rắn; Môi trường nước; Ô nhiễm không khí; Môi trường đất; Quản lý môi trường và Những thách thức môi trường và định hướng bảo vệ môi trường trong 5 năm tới. Trong đó, sự cố ô nhiễm môi trường biển do Cty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế vào tháng 4/2016 được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng.
Vụ việc được xếp cuối cùng trong số các sự cố điển hình được đề cập trong báo cáo gồm: Sự cố tràn dầu do chìm tàu Trường Hải Star tháng 4/2012; sự cố bục lò đốt chất thải của Cty CP phốt pho vàng Lào Cai tháng 2/2012; vụ cháy lò than tại Cty than Đồng Vông thuộc Cty Than Uông Bí (Quảng Ninh) tháng 1/2014; sự cố vỡ bể chứa bùn thải chì thuộc Nhà máy chế biến chì kẽm của Cty TNHH CKC tại Lạng Cá, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng; vụ xả thải của Nhà máy Mía đường Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) gây ô nhiễm sông Bưởi tháng 3-4/2016...
Thanh tra toàn diện dự án khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo
Dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo được triển khai từ năm 2005, là một trong những dự án về khoáng sản lớn nhất Việt Nam do Cty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo thực hiện. Tuy nhiên, năm qua, các cấp, các ngành huyện Đại Từ và tỉnh Thái Nguyên đã nhận được rất nhiều đơn của người dân thuộc xóm 2, 3, 4, 5, 6, 7, 9 (xã Hà Thượng) sát khu vực mỏ Núi Pháo phản ánh Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo gây ô nhiễm môi trường. Theo người dân địa phương, từ ngày hoạt động, Cty TNHH khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo đã xả thải khí độc ra môi trường gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và đất đai. Người dân phải sống ngắc ngoải trong ô nhiễm và bệnh tật gia tăng. Nguồn nước thải của nhà máy xả ra khu vực xóm 3 và xóm 4, xã Hà Thượng đen ngòm, hôi tanh, sủi bọt khiến cây cối bị chết. Theo kết quả quan trắc môi trường của cơ quan chức năng huyện Đại Từ, chất lượng nước mặt tại khu vực cầu Sắt xã Hà Thượng bị ô nhiễm nặng, nồng độ asen vượt gấp 7 lần mức cho phép; thủy ngân vượt 6,54 lần; xyanua vượt 10 lần…
Ngày 28-9, Lãnh đạo Bộ TN&MT đã công bố Quyết định số 2191/QĐ-BTNMT về việc thanh tra toàn diện chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, khoáng sản, đất đai và tài nguyên nước đối với Cty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo.
Nước rỉ rác chảy về đâu?
Kể từ giữa năm 2014, TP Cần Thơ phê duyệt kế hoạch mở rộng diện tích bãi rác Đông Thắng từ 1,1ha lên 6,2ha, để tiến hành thu gom rác từ các quận Ninh Kiều, Cái Răng, huyện Phong Điền và Cờ Đỏ về đây, mỗi ngày có hơn 300 tấn rác. Cao điểm có ngày tới gần 500 tấn rác. Thế nhưng, khi mở rộng bãi rác từ 1,1ha lên 6,2 ha không hề có đánh giá tác động môi trường cũng không thiết kế đường ống xả nước thải qua hệ thống xử lý nước thải. Điều đáng nói ở đây là bãi rác Đông Thắng hiện đang quá tải, bốc mùi hôi thối khiến người dân quanh đây sống dở, chết dở. Hiện nay nguồn nước rỉ rác còn tồn đọng tại bãi rác Đông Thắng qua các năm lên đến khoảng 20.000 m3.
Bãi rác Cẩm Hà (Hội An, Quảng Nam)
Tại các báo cáo gần nhất của Phòng TN&MT huyện Cờ Đỏ cho thấy: Trong những ngày mưa nhiều và kéo dài, lượng nước tồn đọng tại các ô xử lý nước rỉ rác chênh lệch so với mực nước ruộng bên ngoài là rất lớn (khoảng 2,5m). Điều này cho thấy áp lực nước từ bên trong bãi rác là rất lớn. Trong khi đó, các đơn vị vận hành khâu xử lí nước rỉ rác vẫn không thể xử lí đủ tiêu chuẩn để xả thải ra môi trường một mét khối nước nào. Vậy lượng nước rỉ rác tích tụ tại bãi rác Đông Thắng trong mấy năm qua đã đi về đâu?
Sống trong ô nhiễm
Người dân thôn Bầu Ốc Thượng, P.Cẩm Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, phản ánh, nhiều năm qua, họ phải sống trong cảnh bị ô nhiễm không khí, nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt. Tất cả do bãi rác Cẩm Hà gây nên.
Bãi rác này đã có từ rất lâu, xây dựng trên diện tích khoảng 2 ha là nơi tập kết rác từ 13 xã, phường của TP Hội An. Do vậy mà lượng rác tập trung về đây rất nhiều, trong khi công nghệ chôn lấp rác cũ không thể nào xử lý hết số lượng rác lớn trong một ngày được. Chính vì vậy mà rác tồn đọng tại đây ngày một nhiều, dâng cao như núi. Hàng nghìn tấn rác thải hỗn tạp, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm cho hàng trăm hộ dân sinh sống gần bãi rác. Bãi rác Cẩm Hà được xây dựng trên một khu đất rộng lớn, xung quanh có xây tường rào cao 4-5m, ở bên trong hàng nghìn tấn rác cao vượt khỏi tường rào.
Ông Mai Kim Phương- Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Hà cho biết, sau khi người dân phản ánh về tình trạng bãi rác Cẩm Hà ô nhiễm, chính quyền phường đã kiến nghị lên UBND TP Hội An và cấp trên đã cho xây dựng một nhà máy xử lý rác, với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng nhưng đến giờ vẫn còn đang vận hành thử nghiệm nên chưa đưa vào hoạt động.
Thoi thóp bên nhà máy rác
Khu xử lý rác thải của Cty cổ phần Môi trường Ba An ngự trị trên diện tích đất rộng hàng nghìn mét vuông tại thung Đám Gai, thôn Đồng Ao, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam hàng chục năm nay trở thành nỗi ám ảnh của các hộ dân nơi đây. Bãi rác này đang lưu cữu hàng chục nghìn tấn rác cộng với mỗi ngày tiếp tục tiếp nhận lượng rác mới khổng lồ của tỉnh Hà Nam nên càng trở nên quá tải, thành “núi rác” lộ thiên khổng lồ.
Đã vậy, công nghệ xử lý rác ở đây chỉ đơn giản là đổ chất đống rồi châm lửa đốt thủ công khiến môi trường xung quanh cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Không chỉ đầu độc không khí, hàng ngày lượng lớn nước rỉ rác độc hại rò rỉ, chảy ra mương máng, ngấm vào mạch nước ngầm khiến nguồn nước cũng bị ô nhiễm nặng. Nguồn nước từ bãi rác chảy thẳng ra sông Đáy khiến nguồn lợi thủy sản ở sông Đáy bị suy giảm đáng kể.
Theo người dân, nhiều năm trở lại đây, số lượng người mắc các bệnh hiểm nghèo, ung thư phổi, vòm họng, dạ dày… tăng lên đột biến. Người dân kêu cứu nhưng chưa cơ quan chức năng nào xuống kiểm tra. Kêu cứu mãi không được quan tâm giải quyết, cực chẳng đã, có lần nhiều hộ dân còn dựng lều trước cổng Công ty CP Môi trường Ba An để ngăn chặn không cho các xe rác vào đổ rác với mục đích phản ứng và ngăn tình trạng gây ô nhiễm ngày càng gia tăng. Đại đa số người dân thôn Đồng Ao đều có nguyện vọng là ngành chức năng nhanh chóng chuyển khu xử lý rác ra xa khu dân cư hoặc hỗ trợ di chuyển những hộ dân bị ảnh hưởng ra khu vực khác.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Hà Nam lại cho rằng, không thể di rời nhà máy rác ra chỗ khác vì nhà máy rác nằm trong quy hoạch đã được các ngành chức năng xem xét rất kỹ lưỡng, đồng thời cũng thừa nhận tình trạng bãi rác cũ tồn tại từ 2006 đến nay chưa được xử lý triệt để và bản thân nhà máy rác Ba An chưa thực hiện đúng tiến độ... nên đã gây ô nhiễm môi trường.
Khói bụi điện than
Quy hoạch điện phê duyệt ngày 18/3/2016, đến năm 2030, ĐBSCL có 14 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 18.270 MW, chiếm 32,38% tổng công suất điện than cả nước; gấp khoảng 40 lần miền Đông Nam Bộ, lớn hơn cả vùng Đông Bắc Bộ cộng với Đồng bằng sông Hồng. Bây giờ, khói bụi điện than đã gây ra nhiều tác hại và đang ngày một lan rộng. Cách mấy cây số đã thấy khói đen cuồn cuộn ngược trời của Trung tâm Điện lực Duyên Hải, ở xã Dân Thành (thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh).
Trung tâm có 4 nhà máy, hiện chạy thương mại Nhà máy Duyên Hải 1, đang chạy thử Nhà máy Duyên Hải 3 và xây dựng Nhà máy Duyên Hải 3 mở rộng. Từ ngày có nhà máy điện, muối bị bụi rơi xuống phải bán rẻ, nuôi tôm thì tôm chết. Theo Chủ tịch UBND xã Dân Thành Đào Văn Chính, xã đã di dời hơn 500 hộ dân để dành 553,33ha đất cho Trung tâm Điện lực Duyên Hải. Kinh tế của xã trước đây nuôi trồng thủy sản và làm muối là chính, nay chuyển sang thương mại - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng.
Tuy nhiên, đến nay 127 hộ làm muối ở ấp Cồn Cù và Đông Cao, với 183ha muối bị khói bụi nhà máy bay đến làm cho đen, bán giá chỉ bằng một nửa so với bình thường. Phó chủ tịch UBND xã Đông Hải Lữ Minh Tâm cho biết, đầu tháng 3, tổ công tác liên ngành gồm đại diện Sở TNMT, NN&PTNT, Công thương, Công an và chính quyền các cấp đã xuống xã kiểm tra. Sau đó, tổ liên ngành “đề nghị Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải có chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người sản xuất muối” và “có biện pháp hạn chế thấp nhất việc phát thải gây ảnh hưởng đến các hộ dân sản xuất muối”. Nhưng đến nay, diêm dân chưa được hỗ trợ.
Theo Hoàng Anh - Báo Đại đoàn kết