11/03/2020
Theo nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Cardiovascular Research ngày 3/3/2020, các nhà khoa học cảnh báo "đại dịch" ô nhiễm không khí làm giảm gần 3 năm tuổi thọ trung bình của con người, đồng thời là nguyên nhân khiến 8,8 triệu người chết yểu mỗi năm.
Để đánh giá tác động của ô nhiễm không khí đối với tuổi thọ con người, các nhà khoa học Viện nghiên cứu Max Planck tại Mainz (Đức) đã sử dụng dữ liệu về Gánh nặng Bệnh tật toàn cầu, đồng thời áp dữ liệu về phơi nhiễm bụi mịn có đường kính nhỏ hơn 2,5 micrometer (PM2.5) và khí ozone từ năm 2015 lên các mẫu mô phỏng cách thức các chu trình hóa chất trong bầu khí quyển tương tác với các chất gây ô nhiễm tự nhiên và các chất ô nhiễm do con người tạo ra.
Kết quả cho thấy, so với các nguyên nhân gây chết yểu khác, ô nhiễm không khí là thủ phạm khiến số ca tử vong mỗi năm cao gấp 19 lần so với bệnh sốt rét, gấp 9 lần so với HIV/AIDS. Những người mắc bệnh mạch vành và đột quỵ chiếm gần 50% trong tổng số ca chết yểu do ô nhiễm. Bệnh phổi và các bệnh không truyền nhiễm khác, như cao huyết áp, tiểu đường chiếm hầu hết trong 50% còn lại. Chỉ có 6% các ca chết yểu do ô nhiễm liên quan tới ung thư phổi.
Ô nhiễm không khí làm giảm gần 3 năm tuổi thọ trung bình của con người
Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do ô nhiễm không khí là châu Á. Chỉ riêng ở Trung Quốc, tuổi thọ trung bình của người dân giảm 4,1 năm. Tại Ấn Độ và Pakistan, con số này lần lượt là 3,9 và 3,8 năm. Tại một số khu vực thuộc các quốc gia trên, không khí độc hại làm giảm tuổi thọ hơn nữa. Cụ thể, bang Uttar Pradesh (Ấn Độ), nơi sinh sống của 200 triệu dân, ô nhiễm bụi mịn làm giảm tới 8,5 năm tuổi thọ của người dân, trong khi tại tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc (với 74 triệu dân), con số này là gần 6 năm.
Tại châu Phi, tuổi thọ trung bình của người dân giảm khoảng 3,1 năm. Cá biệt ở một số quốc gia như Chad, Sierra Leone, Cộng hòa Trung Phi, Nigeria và Cote d'Ivoire, con số này dao động từ 4,5 - 7,3 năm.
Trong nhóm các nước Bulgaria, Hungary và Romania ghi nhận số ca tử vong do ô nhiễm không khí ở mức cao nhất. Các khu vực ít chịu tác động nhất trên thế giới là Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu và các đảo quốc nhỏ.
Trên quy mô toàn cầu, con số 8,8 triệu người chết yểu vì ô nhiễm không khí ngoài trời cao gấp đôi so với ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Riêng tại Trung Quốc, các thống kê được điều chỉnh mới đây cho thấy số ca chết yểu mỗi năm do nguyên nhân này cũng lên tới 2,8 triệu người, tăng gấp 2,5 lần so với ước tính của WHO.
Nhà hóa học Jos Lelieveld thuộc Viện Max Planck, tác giả của công trình nghiên cứu nhấn mạnh, ô nhiễm không khí có nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn hơn nhiều so với việc hút thuốc lá. Ông cho rằng tác động của vấn đề này đối với các bệnh về tim mạch và các bệnh không truyền nhiễm khác đang bị xem nhẹ. Theo ông, có thể tránh được nhiều tác động tiềm tàng do ô nhiễm không khí bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo thay thế các nhiên liệu hóa thạch.
Nhà khoa học Thomas Munzel, đồng tác giả nghiên cứu trên cho biết, kết quả của nhóm nghiên cứu cho thấy một "đại dịch ô nhiễm không khí." Cả ô nhiễm không khí và việc hút thuốc lá đều có thể ngăn chặn được, nhưng nhiều thập kỷ qua vấn đề ô nhiễm không khí không được chú ý đúng mức, đặc biệt trong giới bác sỹ chuyên khoa tim, so với việc hút thuốc lá.
Theo ông Munzel, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng hơn 60% số ca chết yểu liên quan tới ô nhiễm do con người tạo ra, chủ yếu từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tỷ lệ này thậm chí còn lên tới 80% tại các quốc gia có thu nhập cao. Theo ông, có thể tránh được 5,5 triệu ca tử vong trên thế giới mỗi năm nếu sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, một số nhà khoa học cảnh báo một tỷ lệ lớn số ca tử vong không tránh được cũng xuất phát từ nguyên nhân bão bụi tự nhiên, như tại Trung Á hay Bắc Phi, cùng với cháy rừng và cả hai hiện tượng này đang ngày càng diễn biến nghiêm trọng hơn bởi tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Phương Tâm (Theo vietnamplus.vn)