Banner trang chủ

Ô nhiễm khói, bụi: Ẩn họa với cư dân đô thị

27/09/2016

     Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cảnh báo, các thành phố lớn ở Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là Hà Nội, có nồng độ bụi mịn (PM 2,5) lên tới 90 - 105 microgam và ở mức nguy hiểm. Tuy nhiên, kiểm soát ô nhiễm không khí lại đang là khoảng trống đáng báo động và khói, bụi đang trở thành nguyên nhân gây ra các bệnh đường hô hấp, mắt, da… là ẩn họa đối với người dân khu vực đô thị.

 

Người tham gia giao thông khu vực ngã tư Nguyễn Văn Cừ - Quốc lộ 5 khổ vì bụi

do các công trình đang thi công gây ra (Ảnh: Anh Tuấn)

 

     Thiếu kiểm soát nguồn gây ô nhiễm bụi

     Có nhiều nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí tại Hà Nội, nhưng nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ hoạt động giao thông, xây dựng và thói quen đốt rơm rạ của người dân ngoại thành.

     Chị Nguyễn Việt Nga, nhân viên Ngân hàng Thương mại CP Á Châu chia sẻ: “Tôi ở quận Thanh Xuân nên thường xuyên di chuyển qua tuyến đường Nguyễn Xiển, Linh Đàm tới cơ quan. Nếu trước đây, tuyến đường này sạch sẽ, phong quang bao nhiêu thì nay bụi mù mịt bấy nhiêu. Bùn, đất từ các công trường thi công trong khu bán đảo Linh Đàm và các chung cư gần đó tự do rơi vãi trên đường do xe chở không che đậy cẩn thận. Trời hanh khô, bụi cuốn theo gió hoặc sau những xe chạy nhanh, táp thẳng vào mặt người đi đường. Còn ngày mưa, bùn, đất nhớp nháp bám chặt vào xe…”

     Với khu vực ngoại thành, ven đô tình trạng ô nhiễm khói, bụi từ việc đốt rơm rạ sau mỗi vụ gặt đã nhiều lần được cảnh báo. Bà Nguyễn Thị Hạnh (xã Phương Quan, huyện Hoài Đức) cho biết: “Bây giờ ít nhà nuôi trâu bò, đất cũng không nhiều mà tích rơm rạ như trước, nên sau mỗi vụ gặt người dân thường đốt để lấy tro bón ruộng. Do thói quen này mà nhiều năm nay, cứ đến mùa gặt, người dân nội thành, nhất là khu vực ven đô lại sống trong cảnh “sương mù” vì khói, bụi”. Về tác động của khói rơm, rạ, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cảnh báo: “Đốt rơm rạ gây nên ô nhiễm bụi mịn. Đây là loại ô nhiễm rất đáng lo ngại, có sử dụng khẩu trang cũng vô ích, bụi có thể lọt sâu vào phổi, gây các bệnh về hô hấp”.

     Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Mai Thanh Dung thừa nhận, việc kiểm soát ô nhiễm môi trường mới chỉ chú ý đến chất thải rắn, nước thải mà chưa quan tâm đến kiểm soát ô nhiễm không khí. Báo cáo tổng kết tại Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV cũng chỉ rõ, trong 10 năm tới, nếu GDP của Việt Nam tăng gấp đôi mà không quan tâm đúng mức đến công tác BVMT thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng lên 3 lần. Trung bình GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP.

     Nâng cao năng lực quan trắc, tuyên truyền thay đổi thói quen

     Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 985a/QĐ-TTg, ngày 1/6/2016, phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí, với tiêu chí xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; Đề ra nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2017; Tăng cường năng lực hệ thống quan trắc của ngành để kiểm soát được khí thải của các ngành sản xuất, các nhà máy nhiệt điện, xi măng, sắt thép, phân bón, hóa chất… là những nguồn xả thải gây ô nhiễm quy mô lớn. Đồng thời, kiểm kê khí thải ở Hà Nội, nơi có tỷ lệ xe máy, ô tô nhiều, dân cư đông đúc.

     Về lâu dài, ngành TN&MT đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 sẽ kiểm soát chặt các nguồn khí thải, tập trung vào khí thải công nghiệp, năng lượng và giao thông; Bảo đảm 80 - 90% các cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học xử lý bụi và khí thải nguy hại như SO2, NOx, CO… đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

     Không khí trong lành là nhu cầu số một đối với sự sống con người, cũng như vậy sự ảnh hưởng của ô nhiễm không khí là không có sự phân biệt về quốc gia, dân tộc, lứa tuổi, giàu nghèo. Giữ cho không khí trong lành cũng là một chỉ số quan trọng xác định chất lượng sống của con người, nhất là tại các thành phố lớn - nơi chịu áp lực cao về đô thị hóa. Vì vậy, người dân mong mỏi kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí phải bao gồm các giải pháp tổng thể. Trong đó, bên cạnh giải pháp lâu dài thì cũng rất cần những hành động khẩn trương, giải quyết ngay vấn đề trước mắt.

     Cụ thể, như chia sẻ của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng, tại Hà Nội, trước mắt cần kiểm soát chặt việc thực hiện quy định BVMT tại các công trình xây dựng. Phương tiện chở phế thải, vật liệu ra vào công trường phải được rửa sạch sẽ, che đậy kín, hạn chế phát tán bụi bẩn. Chủ đầu tư, chủ phương tiện vi phạm quy định phải bị xử phạt nghiêm. Đối với nguồn phát thải khói, bụi do đốt rơm, rạ, chính quyền địa phương phải tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay đổi thói quen.


Theo Thanh Hải - Báo Hà Nội mới

 

Ý kiến của bạn