06/12/2014
Bảo Bạch Long Vỹ nằm giữa vịnh Bắc bộ, thuộc TP. Hải Phòng. Trong hệ thống các đảo ven bờ Việt Nam, Bạch Long Vỹ là một trong ba đảo xa nhất, chỉ sau Hòn Hải thuộc quần đảo Phú Quý và đảo Thổ Chu. Với vị thế đặc biệt, tài nguyên phong phú, Bạch Long Vỹ là Khu bảo tồn (KBT) biển đầu tiên ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập năm 2013. Theo Quyết định thành lập, KBT biển Bạch Long Vỹ thuộc loại hình bảo tồn: “Khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh”. Với đặc thù của một huyện đảo nhỏ xa bờ, việc xây dựng và phát huy các giá trị của KBT biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm chủ quyền quốc gia trên vịnh Bắc bộ.
1. Tiềm năng bảo tồn
KBT biển nằm giữa vịnh Bắc bộ nên độ muối cao và ổn định (32 - 33%); độ trong cao (6 - 25 m); chất đáy chủ yếu là đá, đá gốc, cuội sỏi thuận lợi cho các quần xã động, thực vật đáy trú ngụ và sinh sống; chất lượng nước biển còn tương đối tốt.
Đa dạng sinh học: KBT có 4 hệ sinh thái (HST) khác nhau, đáng chú ý trong số này có HST rạn đá - san hô có vai trò rất quan trọng đối với việc duy trì tài nguyên và môi trường khu vực nên tiềm năng bảo tồn của chỉ số đa dạng HST rất lớn. Đến nay đã ghi nhận được tổng cộng 1.502 loài thuộc vùng nghiên cứu, trong đó có 1.090 loài sinh vật biển, 367 loài thực vật trên cạn và 45 loài chim, lưỡng cư, bò sát và 451 loài cá.
Xây dựng và phát triển thành công các thương hiệu biển Bạch Long Vỹ sẽ mang lại những lợi ích kinh tế
phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững
Rạn san hô: Rạn san hô của KBT thuộc loại tốt nhất ở miền Bắc, độ phủ của rạn nhiều nơi trước đây đạt đến 90%, đến nay, những điểm tốt nhất chỉ còn 30 - 50%. Với 94 loài san hô phát hiện trong một khu vực tương đối nhỏ cho thấy đa dạng sinh học của san hô rất cao, đặc biệt là khu vực Đông Bắc đảo, nơi có đến hơn 80 loài được ghi nhận.
2. Giá trị bảo tồn
KBT nằm trên một trong 8 ngư trường lớn và tốt nhất của vịnh Bắc bộ, có trữ lượng cá khoảng 78.000 tấn, khả năng khai thác khoảng 38.000 tấn/năm; trữ lượng động vật đáy khoảng 1.500 tấn và khả năng khai thác khoảng 750 tấn/năm; trữ lượng mực khoảng 5.000 tấn và khả năng khai thác khoảng 2.500 tấn/năm. KBT còn có tiềm năng lớn về nguồn lợi bào ngư, hải sâm, cá mú (hình 1) và nhiều loại đặc sản khác... có giá trị thực phẩm và sinh vật cảnh (hình 2).
Hình 1. Cá mú
Hình 2. Cá cảnh chim cờ
Giá trị bảo vệ các loài quý hiếm: Phần đất liền trên đảo và phần biển của KBT có nhiều loài động, thực vật có giá trị kinh tế cao, nhiều loài là các loài quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam đang có nguy cơ bị tuyệt chủng hoặc có giá trị về khoa học, sinh thái môi trường. Các loài cần được đặc biệt quan tâm bảo vệ gồm: Bào ngư, ốc đụn cái, ốc đụn đực, ốc hương, ốc xà cừ, ốc sứ trắng nhỏ, trai ngọc, trai ngọc nữ, vẹm xanh, vọp tím, sút, mực thước, mực nang vân hổ, tôm hùm đỏ, tôm hùm bông, sam đuôi tam giác, hải sâm trắng, cá mú, cá song, cá ngừ chấm, rong Đông, rong guột chùm.
Giá trị nơi sinh cư: Môi trường nước trong, ít ô nhiễm, các bãi đá tảng, đá gốc trên vùng triều và dưới triều, các tập đoàn san hô, các quần thể rong biển là nơi sinh cư lý tưởng của các loài động vật đáy, cá san hô do chúng có nhiều hang hốc, khe rãnh để trú ngụ, trốn tránh kẻ thù. Nền đáy cứng cũng là những giá thể lý tưởng cho rong biển, tảo biển bám và phát triển cung cấp thức ăn sơ cấp cho quần xã động vật sống trên rạn. Diện tích rạn đá - san hô rộng tạo điều kiện thuân lợi cho bảo tồn nguồn giống sinh vật cung cấp cho các vùng biển ven bờ đã bị khai thác trong những năm gần đây. Nhờ các dòng hải lưu chảy trong vịnh Bắc bộ, nguồn giống sinh vật tôm cua, cá, thân mềm sẽ được đưa vào các vùng nước ven bờ của đảo.
Giá trị phục vụ du lịch: KBT có bãi cát đẹp ở phía Tây Nam đảo, có các rạn san hô với khu hệ động, thực vật phong phú, màu sắc muôn màu ở phía Tây và Bắc đảo, các công trình kiến trúc như đường hầm xuyên đảo, nhà đèn với ngọn hải đăng trên đỉnh núi, trạm khí tượng - hải văn, âu tàu, không khí trong lành nên có tiềm năng du lịch lớn.
Giá trị phục vụ nghiên cứu khoa học: Do nằm giữa vịnh Bắc bộ nên đây sẽ là một điểm lý tưởng và cần thiết để thiết lập các trạm quan trắc về khí tượng, hải văn, môi trường không khí, nước hay một trạm nghiên cứu sinh học thực nghiệm các loài sinh vật biển, điều này sẽ giảm thiểu những chi phí không cần thiết trong việc xử lý môi trường nuôi, trồng.
3. Định hướng xây dựng thương hiệu cho KBT
Tôn vinh các giá trị tự nhiên: Bảo tồn tự nhiên, bao gồm bảo vệ cảnh quan tự nhiên và nơi cư trú của sinh vật, các kỳ quan - di sản về địa chất và sinh vật, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học... là định hướng quan trọng hướng tới xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững tại vùng biển đảo Bạch Long Vỹ. Xây dựng thương hiệu và phát triển KBT, không chỉ có ý nghĩa về bảo vệ tự nhiên và đa dạng sinh học, mà còn có ý nghĩa về kinh tế, khoa học, giáo dục và thực hiện chủ quyền quốc gia trên biển trong thời kỳ hội nhập.
Kỳ quan sinh thái: Trong danh mục đề xuất phân cấp và phương thức bảo vệ các khu vực kỳ quan sinh thái tiêu biểu ở các vùng biển đảo Việt Nam, Bạch Long Vỹ được xếp vào kỳ quan sinh thái cấp quốc gia với hình thức bảo vệ và tôn vinh là KBT biển cấp quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong danh sách 108 KBT biển ưu tiên của các nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đưa vào danh sách này 4 KBT biển là Bạch Long Vỹ, Cát Bà, Côn Đảo và quần đảo Nam Du. Rạn san hô Bạch Long Vỹ ngày càng được thế giới biết đến qua công bố của các nhà khoa học nổi tiếng. Đây là căn cứ để việc xây dựng thương hiệu và phát triển tốt KBT biển Bạch Long Vỹ.
Kỳ quan địa chất: Trong danh mục đề xuất các khu vực kỳ quan địa chất tiêu biểu ở các vùng biển đảo Việt Nam, Bạch Long Vỹ được đề xuất là một kỳ quan địa chất với hình thức tôn vinh là khu danh thắng địa chất cấp Quốc gia. Với diện tích khoảng 93 km2, rạn đá-san hô quanh đảo Bạch Long Vỹ có quy mô không gian lớn nhất ở vùng biển vịnh Bắc bộ. Đây là một đảo đá Đệ Tam duy nhất trên vịnh Bắc bộ, nằm giữa vịnh trên một khối nâng cục bộ phân cách hai bồn trũng Đệ tam là Sông Hồng phía Tây Nam và Bắc bộ phía Tây Bắc. Đảo có hình thái của một quả đồi thoải, chân đồi được viền bởi một hệ thống các bậc thềm biển cổ và hiện đại điển hình, các bãi biển xinh đẹp, cát vàng mịn nổi bật trên nền nước biển xanh trong. Vùng triều rạn đá điển hình và rộng với các lớp đá phân lớp gần nằm ngang, được tô điểm bởi các “mạch”, “tường” đá cát kết rắn chắc tạo nên nét độc đáo và cảnh quan đẹp.
Từ các định hướng tôn vinh các giá trị tài nguyên thiên nhiên, thương hiệu KBT biển Bạch Long Vỹ sẽ trở nên sáng giá với những thương hiệu hỗ trợ có tính khả thi cao như: Du lịch sinh thái Bạch Long Vỹ; Văn hóa biển đảo; Bào ngư, Hải sâm, Mực Bạch Long Vỹ… Việc xây dựng và phát triển thành công các thương hiệu này sẽ mang lại những lợi ích kinh tế và chính trị quan trọng, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững và hài hòa giữa bảo tồn và phát triển tại các vùng biển đảo Việt Nam.
TS. Trần Đình Lân
Viện Tài nguyên và Môi trường biển
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2014