Banner trang chủ

Ðánh giá môi trường Biên Hòa và 10 việc cần làm

04/10/2014

     Xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa có thể được coi là nhiệm vụ chủ yếu của khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin đối với môi trường ở Việt Nam.

     Đối với khu ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), năm 2016, dự án xử lý dioxin tại đây sẽ kết thúc. Gần một nửa khối lượng công việc đã được hoàn thành. Tuy nhiên, một số câu hỏi vẫn chưa được trả lời, ví dụ, có bao nhiêu tấn than hoạt tính hấp phụ dioxin từ khí thải, nước thải, nhất là lượng dioxin từ khí thải cao hơn so với thực nghiệm trước đây, và lượng than hoạt tính đã hấp phụ dioxin này sẽ được xử lý bằng công nghệ nào, ở đâu và chi phí là bao nhiêu?

     Đối với việc xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, có nhiều câu hỏi đã được trả lời nhưng cần phải bổ sung và còn không ít câu hỏi chưa được trả lời. Trả lời bổ sung và trả lời những câu hỏi này về thực chất là những nội dung cơ bản của đánh giá môi trường khu vực ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa.

     Đánh giá môi trường (EA) là cơ sở có tính khoa học và pháp lý theo quy định của Hoa Kỳ khi phê duyệt dự án xử lý, cải tạo môi trường. Quy định này có những điểm giống và những điểm khác so với quy định pháp lý của Việt Nam. Đối với Việt Nam, đánh giá tác động môi trường (EIA hay ĐTM) là cơ sở pháp lý để phê duyệt dự án xử lý, cải thiện môi trường hay các dự án có tác động đến môi trường. Nội dung của hai loại báo cáo này có những điểm giống nhau nhưng vị trí của các báo cáo lại khác nhau. EA có trước và là điều kiện để dự án có sau. Dự án có trước, EIA có sau (có thể tác động ngược lại điều chỉnh dự án) và là điều kiện để dự án được phê duyệt. Những nội dung cơ bản của EA của dự án xử lý dioxin tại Đà Nẵng (do USAID thực hiện thông qua CDM) được sử dụng trong EIA do Bộ Quốc phòng Việt Nam thực hiện. Hai hệ thống luật pháp về môi trường đã được kết hợp trong dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng.

 

Xử lý đất nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng

 

     Vì vậy, làm rõ những vấn đề cơ bản có liên quan đến môi trường ô nhiễm và xử lý ô nhiễm dioxin tại Biên Hòa sẽ giải quyết được nội dung cơ bản của EA và EIA theo quy định pháp lý của Hoa Kỳ và của Việt Nam.

     1. Lịch sử ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa: Ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa là do lưu giữ, vận chuyển, tẩy rửa phương tiện sau khi phun rải trong chiến dịch Ranch Hand; tiêu hủy các phương tiện lưu giữ, vận chuyển trong chiến dịch Pacer Ivy và đặc biệt là sự chảy tràn chất diệt cỏ do vỡ các bể chứa chất diệt có có thể tích rất lớn.
     2. Đánh giá sự tồn lưu của dioxin tại sân bay Biên Hòa: Với các kết quả nghiên cứu của Bộ Quốc phòng và Văn phòng Ban chỉ đạo 33 (có sự kết hợp với các nghiên cứu của Dự án xử lý dioxin tại các vùng nóng do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua UNDP, Chương trình nghiên cứu nhà nước về dioxin, Công ty tư vấn Hatfield, Quỹ Ford), cho thấy dự kiến có khoảng 200.000 m3 đất và 40.000 m3 bùn bị nhiễm dioxin vượt ngưỡng cần xử lý. Lưu ý độ thấm sâu và lan tỏa của dioxin trong sân bay Biên Hòa phức tạp hơn nhiều so với ô nhiễm dioxin trong sân bay Đà Nẵng vì các sự cố chảy tràn trong thời gian chiến tranh và vì vậy khối lượng đất cần xử lý có thể vượt xa so với dự kiến trên.
     3. Đánh giá sự lan tỏa của dioxin từ sân bay Biên Hòa: Hệ thống ao hồ trong sân bay Biên Hòa rất phức tạp và sự chảy tràn ra khu vực xung quanh kéo dài hàng chục năm trước đây. Vì vậy, ngoài khu vực sân bay vẫn có những vùng có nồng độ dioxin vượt ngưỡng xử lý. Cần phải đặt vấn đề kiểm soát, xử lý các điểm ô nhiễm trong và ngoài sân bay trong EA và EIA.
     4. Dự án Z1 (Dự án đã chôn lấp khoảng 94.000 m3 đất nhiễm dioxin do Bộ Tư lệnh hóa học thực hiện 2006-2008), sự bền vững và tác động của dự án này đối với môi trường Biên Hòa: Hồ sơ kỹ thuật, tiến trình và đánh giá kết quả dự án Z1 phải là một trong nội dung của EA và EIA. Cần xem xét kỹ đến khả năng phải xử lý đất nhiễm tại khu chôn lấp Z1 nếu muốn xử lý triệt để ô nhiễm dioxin tại đây.
 
 
Khu vực phát hiện nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa
 
     5. Dự án Z2 (Dự án dự định chôn lấp đất và bùn nhiễm dioxin gần khu vực Z1 đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt), quy mô, công nghệ, tiến độ, sự bền vững, sự liên quan đến kế hoạch chung và tác động đến môi trường xung quanh: Nội dung này có thể làm đảo lộn kế hoạch hiện nay của Bộ Quốc phòng đối với dự án Z2 song vẫn cần xem xét dựa trên tính khoa học và thực tiễn của việc xử lý tổng thể dioxin tại Biên Hòa.

     6. Lựa chọn công nghệ xử lý đất, bùn tại sân bay Biên Hòa: Có lẽ phương án chôn lấp không nên đặt ra đối với việc xử lý dioxin tại Biên Hòa, bởi vì ít nhất là do phương pháp này không triệt để và không thể tồn tại 3 hay hơn 3 “nấm mồ” chôn lấp dioxin tại trong một khu vực không xa dân cư. Hoặc sử dụng phương pháp hấp giải nhiệt như đã sử dụng tại sân bay Đà Nẵng, hoặc tích hợp một số phương pháp nhằm giải quyết triệt để và hạn chế kinh phí.

     7. Đánh giá môi trường, sức khỏe môi trường và sức khỏe cộng đồng các khu vực lân cận khu ô nhiễm và chịu tác động của dự án: Đã có khá nhiều nghiên cứu về sự tồn lưu của dioxin tại các khu vực lân cận, hàm lượng dioxin trong một số thực phẩm, máu và mỡ của những người bị phơi nhiễm và tình hình bệnh tật tại đây song vẫn cần hệ thống, bổ sung và có những đánh giá toàn diện.
     8. Quan trắc môi trường phải được xây dựng thành kế hoạch chung và dài hạn, triển khai ngay trong quá trình thực hiện dự án và sau dự án. Quan trắc dioxin trong không khí, nước thải và nước ngầm phải được coi là trọng tâm của chương trình quan trắc.
     9. Sự cố môi trường và xử lý: Sự cố môi trường cần được chú ý nhất là sự chảy tràn mang theo đất bùn nhiễm dioxin xảy ra khi gặp bão, lũ trong quá trình xử lý.
     10. Quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch phục hồi môi trường đất đã xử lý: Nội dung này liên quan đến việc có hay không mở rộng sân bay quân sự Biên Hòa thành sân bay quốc tế và khi đó hệ thống đường băng, khu vực an toàn bay được mở rộng. Về lâu dài, một sân bay quân sự quá gần khu đô thị lớn như Biên Hòa là một điều không hợp lý và khi đó phải tính đến việc phục hồi môi trường đất cho kế hoạch sử dụng đất đô thị hay thương mại.

     Những vấn đề nêu trên rất phức tạp, đặc biệt là quy mô, mức độ ô nhiễm, xử lý Z1 và Z2, xử lý những điểm ô nhiễm lân cận, lựa chọn công nghệ hợp lý nhưng dù khó cũng vẫn phải trả lời thì EA hay EIA mới bảo đảm yêu cầu khoa học, pháp lý và thực tiễn.

 

PGS.TS Lê Kế Sơn

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 9/2014

 

 

Ý kiến của bạn