Áp dụng thí điểm cơ chế giải quyết tranh chấp môi trường thông qua hòa giải
15/09/2015
Ngày 4/8/2015, Quỹ châu Á, Viện Chiến lược Chính sách TN&MT (Bộ TN&MT) đã phối hợp với Sở TN&MT TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo tham vấn kế hoạch thực hiện Dự án nghiên cứu áp dụng thí điểm cơ chế giải quyết tranh chấp môi trường thông qua hòa giải.
Thủy điện Đắk Mi 4 xả nước vào mùa lũ nhưng lại gây hạn hán vào mùa khô
cho TP. Đà Nẵng, là nguyên nhân của xung đột môi trường giữa 2 bên
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT Nguyễn Trung Thắng cho biết, việc hòa giải sẽ tiến hành theo 6 bước: tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, thiết lập các điều kiện cần thiết của việc giải quyết tranh chấp môi trường; Đối thoại giữa các bên gây hại và bị hại; Điều tra, khảo sát vụ việc; Xây dựng các phương án hòa giải; Thương lượng đạt hiệu quả phương án hòa giải và tổ chức phương án hòa giải, góp phần tiết kiệm thời gian, án phí và linh hoạt về thủ tục. Bên cạnh đó, giảm nhẹ căng thẳng giữa các bên tranh chấp cũng như đảm bảo sự tham gia của các bên vào quá trình hòa giải và bảo mật được thông tin, bảo vệ uy tín cho các bên. Thời gian tới, Viện Chiến lược Chính sách TN&MT sẽ chọn một số vụ xung đột về môi trường để tiến hành thí điểm, rút kinh nghiệm trước khi áp dụng rộng trên cả nước.
Trong thập kỷ qua, suy thoái môi trường đã gây những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, sinh kế và sức khỏe của người dân. Tuy nhiên đang tồn tại một nghịch lý là cộng đồng dân cư rất ít có cơ hội được tham vấn, tham gia trong các vấn đề liên quan đến BVMT, dẫn đến tình trạnh xung đột, tranh chấp môi trường ngày càng gia tăng. Để giải quyết thực trạng trên, năm 2013 Quỹ châu Á và Viện Chiến lược Chính sách TN&MT đã tiến hành nghiên cứu, học tập phương pháp giải quyết tranh chấp môi trường thông qua hòa giải tại mộtsố nước tiên tiến trên thế giới để áp dụng với Việt Nam.
Vũ Hồng