Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Thừa - Thiên Huế: 50 cơ sở cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã

22/07/2024

    Ngày 19/7/2024, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức buổi phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã cho 50 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn. Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật, kêu gọi các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh cùng chung tay hành động để bảo vệ các loài động vật hoang dã.

    Thừa - Thiên Huế là một trong những tỉnh có tính đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái đặc trưng, có sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu không những của Việt Nam mà còn cả khu vực và thế giới. Rừng và đa dạng sinh học tại Thừa Thiên Huế có giá trị nhiều mặt về kinh tế và môi trường, giúp cân bằng hệ sinh thái, duy trì môi trường sống trong lành cho con người... góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, mua bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã ngày càng gia tăng, điều này đã đẩy nhiều loài động vật hoang dã đến bên bờ tuyệt chủng.

    Theo kết quả thống kê từ Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 74 cơ sở gây nuôi các loài động vật hoang dã với mục đích thương mại với tổng số 1.437 cá thể các loại. Trong đó có 44 cơ sở gây nuôi các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB (cầy vòi hương và cầy vòi mốc); 13 cơ sở gây nuôi cả hai nhóm động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB và động vật rừng thông thường; 17 cơ sở chỉ nuôi động vật rừng thông thường. Các cơ sở này được phân bố nhiều ở các huyện như Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Nam Đông, A Lưới và Quảng Điền. Các loài động vật hoang dã được nuôi phổ biến là cầy vòi hương, cầy vòi mốc, heo rừng và một số loài dúi.

    Với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp, WWF-Việt Nam cùng với các đối tác đã và đang đồng hành triển khai các chương trình, sáng kiến về bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm hoàn thiện khung chính sách và thực thi chính sách liên quan, phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ở các vùng đệm của các vườn quốc gia và khu bảo tồn, cũng như tăng cường truyền thông thay đổi hành vi, giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật rừng và chim hoang dã.

    Trong khuôn khổ sự kiện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan ban ngành cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế và WWF-Việt Nam, 50 chủ cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh (chủ yếu là chủ các nhà hàng, quán nhậu có kinh doanh thịt động vật hoang dã) đã ký cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã.

    Trước đó, ngày 16/3/2024, tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, UBND TP. Huế phối hợp cùng với Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên - WWF Việt Nam và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ phát động Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú, góp thiện cho đời”, qua đó kêu gọi tất cả mọi người cùng hành động vì động vật hoang dã. Tại sự kiện, thông qua kế hoạch xây dựng “Thành phố Huế - nói không thịt động vật hoang dã”, UBND TP. Huế kêu gọi cán bộ, công chức của các cơ quan/đơn vị làm gương bằng cam kết không tiêu thụ thịt thú rừng và các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép; các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn cam kết không buôn bán thịt thú rừng và các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép; tất cả người dân không tham gia vào hoạt động săn, bắt, nuôi nhốt, kinh doanh, vận chuyển, quảng cáo và tiêu thụ động vật hoang dã trái phép...

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn