Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Tác động của ô nhiễm ánh sáng đối với môi trường

09/09/2024

    Trong những thế kỷ gần đây, việc sử dụng ánh sáng nhân tạo vào ban đêm đã được con người mở rộng, tăng cường với những tiến bộ của công nghệ LED. Công nghệ đã cho phép con người đẩy lùi biên giới của bóng tối, kéo dài thời gian làm việc, giải trí của con người mà quên rằng hệ sinh thái và các loài hoang dã đã tiến hóa để đối phó, phụ thuộc, tận dụng bóng tối tự nhiên. Ánh sáng nhân tạo đã ảnh hưởng đến mô hình di cư của các loài, mối quan hệ giữa động vật ăn thịt và con mồi, nhịp sinh học của nhiều sinh vật. Do đó, bầu trời đêm không có ánh sáng nhân tạo rất quan trọng đối với hoạt động của hệ sinh thái tự nhiên.

Ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên

Ô nhiễm ánh sáng

    Ô nhiễm ánh sáng là sự thay đổi do con người tạo ra ánh sáng ngoài trời so với mức độ của ánh sáng tự nhiên. Trên thực tế, ô nhiễm ánh sáng là sự hiện diện của ánh sáng nhân tạo không mong muốn, không phù hợp hoặc quá mức. Ô nhiễm ánh sáng có thể gây ra một số tác động tiêu cực. Ánh sáng xâm nhập vào nơi ở của con người dẫn đến rối loạn giấc ngủ và góp phần gây ra một số vấn đề về sức khỏe con người. Ánh sáng chói trực tiếp từ đèn đường và đèn tòa nhà gây ảnh hưởng đến an ninh bằng cách giảm khả năng nhìn vào bóng tối của con người.

    Đối với hệ sinh thái, ô nhiễm ánh sáng gây trở ngại cho mối quan hệ giữa động vật ăn thịt/con mồi và vật lý thực vật; làm mất phương hướng của các loài chim di cư và rùa biển mới nở, cùng nhiều loài khác; và thu hút côn trùng đến ánh sáng nhân tạo khiến chúng dễ trở thành con mồi của chim hơn... Động vật có thể bị nhầm lẫn về mặt thời gian khi có quá nhiều ánh sáng nhân tạo vào ban đêm, ảnh hưởng đến hành vi chi phối việc giao phối, ngủ, tìm kiếm thức ăn và có khi trở thành thức ăn của loài khác. Ánh sáng nhân tạo quá mức cũng có thể cản trở sự cộng sinh rất quan trọng đối với quá trình thụ phấn và sinh sản của thực vật, và có thể tác động tiêu cực đến thói quen kiếm ăn và sinh sản của động vật lưỡng cư. Nhìn chung, ô nhiễm ánh sáng đe dọa, phá vỡ hoạt động của các hệ sinh thái và những lợi ích mà chúng mang lại cho con người.

    Ô nhiễm ánh sáng cũng gây trở ngại cho thiên văn học, nghiên cứu, trải nghiệm thiên nhiên hoang dã và vẻ đẹp cảnh quan, gây nguy hiểm cho sức khỏe, sự an toàn của con người và lãng phí năng lượng. Do đó, việc giảm ô nhiễm ánh sáng cũng mang lại lợi ích về mặt tài chính cho người tiêu dùng năng lượng và giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách giảm lượng khí thải liên quan đến sản xuất năng lượng.

    Có nhiều yếu tố gây ra tình trạng ô nhiễm ánh sáng ngày càng gia tăng. Đó là sự phát triển nông thôn và ngoại ô vẫn tiếp tục diễn ra nhanh chóng ở nhiều quốc gia. Cùng với sự gia tăng dân số, người dân mong muốn có mức sống cao hơn, dẫn đến nhiều đường sá, nhà cửa, trung tâm mua sắm và đèn đường hơn. Theo DarkSky International, một tổ chức thúc đẩy hạn chế ô nhiễm ánh sáng, một phần ba lượng ánh sáng ở các nước phát triển bị lãng phí do đèn không có tấm chắn hoặc định hướng kém. Bên cạnh đó, loại đèn chiếu sáng được sử dụng cũng đã thay đổi. Đèn LED giúp tiết kiệm chi phí để có nhiều ánh sáng hơn nhưng chúng lại tăng lượng ánh sáng phát ra ngoài trời. Nhìn chung, ô nhiễm ánh sáng không có tác dụng có lợi đối với các thành phần sinh học của môi trường. Tác động của nó đối với các thành phần sinh học của môi trường thường tiêu cực nghiêm trọng hoặc thậm chí gây chết các loài, vì vậy cần phát triển các phương án chiếu sáng để giảm thiểu những tác động của ô nhiễm ánh sáng.

    Một số nguyên tắc để giảm ô nhiễm ánh sáng

    Các cá nhân, tổ chức và chính phủ nên áp dụng hệ thống chiếu sáng ngoài trời thân thiện với thiên nhiên dựa trên các nguyên tắc:

    Nhu cầu: Chỉ sử dụng ánh sáng khi cần thiết. Cân nhắc cách sử dụng ánh sáng sẽ tác động đến khu vực, bao gồm tương tác với động vật hoang dã và môi trường sống. Thay vì đèn cố định, hãy sử dụng sơn phản quang hoặc đèn tự phát sáng cho biển báo, lề đường và bậc thang. Không nên sử dụng đèn ngoài trời cho mục đích thẩm mỹ.

    Độ sáng: Sử dụng lượng ánh sáng ít nhất cần thiết cho hoạt động đang diễn ra. Lưu ý đến điều kiện bề mặt vì một số bề mặt phản chiếu nhiều ánh sáng lên bầu trời.

    Màu sắc: Giảm thiểu các thành phần quang phổ màu xanh lam và tím, tức là sử dụng ánh sáng trắng ấm, vàng hoặc hổ phách. Điều này hỗ trợ thị lực ban đêm của tất cả các loài động vật, bao gồm cả con người.

    Che chắn: Sử dụng che chắn để ánh sáng không tràn ra ngoài nơi cần thiết. Để giảm độ chói của bầu trời, không sử dụng đèn chiếu sáng chiếu bất kỳ ánh sáng nào lên trên đường ngang. Giảm độ chói bằng cách hạn chế chùm tia xuống các hình nón hướng xuống. Điều này cải thiện khả năng nhìn vào bóng tối của người lái xe và người đi bộ.

    Thời gian: Chỉ sử dụng đèn khi cần thiết. Tắt đèn sau khi sử dụng hoặc sử dụng các điều khiển chủ động như bộ hẹn giờ và cảm biến chuyển động để đèn chỉ bật khi cần thiết.

    Khuyến khích hàng xóm giảm ô nhiễm ánh sáng bằng cách tuân thủ các nguyên tắc này, đặc biệt là để giảm độ chói và ánh sáng chiếu vào nhà bạn.

Tạ Thị Kiều Anh

Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

Nguyễn Hằng

          

Ý kiến của bạn