Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 20/11/2024

Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

08/05/2024

    Tại Việt Nam, mạng lưới quan trắc môi trường đã được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước sau khi Luật BVMT đầu tiên ra đời năm 1993. Ngày 7/3/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 224/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là Quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, tiếp nối các quy định trước đây tại Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 90/QĐ-TTg để tiếp tục hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia.

Trạm quan trắc tự động chất lượng không khí tại Quảng Nam

1. Hướng tới xây dựng hệ thống quan trắc môi trường quốc gia đồng bộ, hiện đại

    Với quan điểm, mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia được quy hoạch phải đáp ứng quy định của Luật BVMT, phù hợp với hệ thống quy hoạch quốc gia và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đảm bảo thực hiện quan trắc môi trường nền và môi trường tác động các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới, góp phần đánh giá được sức chịu tải của môi trường, ưu tiên  nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo môi trường quốc gia. Đặc biệt, mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia được quy hoạch trên cơ sở kế thừa nội dung quan trắc môi trường trong quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030,   có sự lồng ghép giữa các lĩnh vực, đồng thời tận dụng cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ quan trắc viên hiện có, đặc biệt, phải khắc phục được những bất cập trong các quy hoạch trước đây, tăng cường hơn nữa các công    cụ, thiết bị quan trắc tiên tiến, hiện đại, chuyển đổi số và tập trung nguồn lực cho hoạt động xử lý, đánh giá dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường. Đây là một hệ thống mở, thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu về dữ liệu quan trắc phục vụ cho công tác đánh giá chất lượng môi trường tại các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới.

    Nhằm xây dựng hệ thống quan trắc môi trường quốc gia đồng bộ, tiên tiến, hiện đại, giám sát được các khu vực trọng yếu có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và thực hiện quan trắc đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao; tăng cường tính liên kết với các hệ thống quan trắc môi trường cấp tỉnh; bảo đảm theo dõi diễn biến chất lượng môi trường; đáp ứng yêu cầu về cung  cấp, công bố, công khai thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường và nâng cao năng lực cho công tác cảnh báo, dự báo môi trường, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    Theo Quy hoạch, giai đoạn 2021 - 2030 sẽ duy trì 19 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục đã được  vận hành; hoàn thành đầu tư, lắp đặt 18 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục đang được triển khai tại các vị trí quan trắc được kế thừa từ quy hoạch trước; Tiếp tục đầu tư, bổ sung mới để hoàn thiện 31 trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục trên cả nước, trong đó bao gồm 6 trạm quan trắc tự động, liên tục chất lượng không khí nền tại 6 vùng kinh tế - xã hội; Thiết lập, hoàn thiện mạng lưới quan trắc tự động, liên tục chất lượng môi trường nước sông, hồ liên tỉnh tại các vị trí đầu nguồn, xuyên biên giới và các vị trí giáp ranh giữa các tỉnh; Xây dựng các mạng lưới quan trắc chất lượng nước mặt định kỳ tại dòng chính của các sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, BVMT. Đồng thời, duy trì, mở rộng quan trắc tại các điểm cửa sông, ven biển theo quy hoạch trước đây; Thiết lập mạng lưới quan trắc chất lượng nước biển tại các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam; Đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, trạm quan trắc chất lượng môi trường hiện có; hoàn thành đầu tư, xây dựng phòng thí nghiệm  thuộc Trạm quan trắc môi trường vùng Đông Nam bộ; Thiết kế, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường quốc gia, tích hợp toàn bộ hệ thống dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường trong một hệ thống chung trên cả nước…

    Mục tiêu Quy hoạch đến năm 2050: Tăng cường đầu tư, mở rộng các trạm quan trắc chất lượng không khí và    chất lượng nước tự động, liên tục, áp dụng công nghệ quan trắc mới hướng   tới thay thế dần các điểm quan trắc chất lượng không khí, nước mặt định kỳ bằng các trạm quan trắc chất lượng không khí, chất lượng nước tự động, liên tục; Tổ chức thực hiện quan trắc đa dạng sinh học tại các hành lang đa dạng sinh học và khu vực đa dạng sinh học cao được thành lập. Ngoài ra, đến năm 2050 sẽ nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ hiện đại, mô hình xử lý thông tin có sử dụng trí tuệ nhân tạo, triển khai toàn diện mô hình chuyển đổi số trong việc quản lý, phân tích dữ liệu quan trắc môi trường phục vụ cho hoạt động dự báo chất lượng môi trường; Tăng cường công tác xã hội hóa đối với việc triển khai thực hiện quy hoạch, xây dựng cơ chế ưu tiên, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư các trạm quan trắc chất lượng môi trường tự động, liên tục và tham gia chương trình quan trắc môi trường định kỳ nhằm tận dụng nguồn lực, cơ sở vật chất của các đơn vị bên ngoài Nhà nước.

2. Hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường

    Quy hoạch đã chỉ rõ vị trí các điểm, hình thức, tần suất quan trắc. Đối với mạng lưới quan trắc chất lượng không khí: Tiếp tục duy trì và mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng không khí xung quanh tại 216 điểm quan trắc chất lượng không khí trên cơ sở tiếp tục duy trì quan trắc theo 106 điểm đã có trong quy hoạch kỳ trước đây và mở rộng mới thêm 110 điểm quan trắc chất lượng không khí. Trong số 216 điểm được quy hoạch sẽ bao gồm 103 điểm quan trắc đang được thực hiện, 98 điểm quan trắc quy hoạch thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030 và 15 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục được tiếp tục xây dựng mới sau năm 2030. Đồng thời, mở rộng và xây dựng 68 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục với 6 trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí nền và 62 trạm quan trắc chất lượng không khí tác động. Các trạm quan trắc chất lượng không khí nền đại diện cho 6 vùng phát triển kinh tế - xã hội đặt tại 6 địa phương bao gồm: Lai Châu, Hải Phòng, Quảng Nam, Đắk Nông, Đồng Nai và Đồng Tháp. Đối với điểm quan trắc chất lượng không khí định kỳ: Thực hiện quan trắc tác động tại 148 điểm quan trắc tập trung vào các tỉnh/thành phố thuộc các khu vực và thành phố có ý nghĩa quan trọng về chính trị - xã hội.

    Với mạng lưới quan trắc chất lượng nước mặt: Tiếp tục duy trì và mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng nước mặt tại 499 điểm quan trắc chất lượng nước mặt trên cơ sở tiếp tục duy trì quan trắc theo 368 điểm đã có trong quy hoạch kỳ trước đây và mở rộng mới thêm 131 điểm quan trắc chất lượng nước mặt. Trong số 499 điểm quan trắc chất lượng nước mặt được quy hoạch bao gồm 260 điểm quan trắc đang được thực hiện, 216 điểm quan trắc quy hoạch thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030 và 23 trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục được tiếp tục xây dựng mới sau năm 2030; Mở rộng và xây dựng 59 trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục với 6 trạm quan trắc nền và 53 trạm quan trắc tác động, liên tục, sử dụng 4 trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục cho mục đích quan trắc tác động xuyên biên giới; thực hiện quan trắc tác động tại 440 điểm quan trắc tại dòng chính của các dòng sông lớn, sông liên tỉnh, xuyên biên giới và có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng…

    Liên quan đến mạng lưới quan trắc chất lượng nước biển ven bờ: Tiếp tục duy trì và mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng nước biển ven bờ tại 70 điểm quan trắc trên cơ sở tiếp tục duy trì quan trắc theo 43 điểm hiện có và mở rộng mới thêm 27 điểm quan trắc được quy hoạch thực hiện cho giai đoạn năm 2021 - 2030. Đối với trạm quan trắc chất lượng nước biển tự động, liên tục: Bổ sung vào quy hoạch 6 trạm quan trắc chất lượng nước biển ven bờ tự động, liên tục đang vận hành tại các khu vực biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; Thực hiện quan trắc tác động tại 64 điểm quan trắc chất lượng nước mặt định kỳ ven bờ thuộc địa bàn các tỉnh ven biển; Tiếp tục duy trì lồng ghép quan trắc nước biển ven bờ với 6 trạm quan trắc hải văn hiện có.

    Bên cạnh đó, căn cứ mục tiêu chương trình quan trắc, các thông số và tần suất quan trắc được khuyến khích mở rộng để tăng dày chuỗi số liệu quan trắc, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về BVMT và cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường. Quy hoạch cũng chỉ ra mạng lưới đơn vị thực hiện quan trắc và định hướng phát triển là tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống các phòng thí nghiệm tiên tiến, hiện đại với đầy đủ năng lực và nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình quan trắc môi trường quốc gia.

3. Các giải pháp chính thực hiện Quy hoạch

    Thứ nhất, giải pháp về chính sách pháp luật, kiện toàn tổ chức bộ máy: Hoàn thiện và ban hành các quy trình, quy phạm, chỉ tiêu quan trắc môi trường đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của lĩnh vực quan trắc môi trường; Xây dựng các chính sách tăng cường công tác xã hội hóa đối với công tác quan trắc môi trường, huy động sự tham gia của các nguồn lực xã hội đầu tư vào việc triển khai thực hiện mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia; Xây dựng quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động quan trắc môi trường phù hợp với hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội; Rà soát, xây dựng bổ sung các tiêu chuẩn hướng dẫn phương pháp kỹ thuật thực hiện hoạt động quan trắc môi trường; Kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc mạng lưới quan trắc môi trường đảm bảo đáp ứng việc thực hiện Quy hoạch.

    Thứ hai, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cho hoạt động quan trắc môi trường: Tăng cường ứng dụng công nghệ, thiết bị quan trắc tự động đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để bổ sung vào mạng lưới quan trắc môi trường, nâng cao năng lực xử lý và lưu trữ dữ liệu quan trắc môi trường nhằm tạo ra hiệu quả ứng dụng dữ liệu; đẩy mạnh cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị hiện trường, công cụ, công nghệ phục vụ hoạt động quan trắc đa dạng sinh học; ưu tiên hệ thống thông tin địa lý, bản đồ và ảnh viễn thám, thiết bị bẫy ảnh, bẫy âm thanh, thiết bị định vị vệ tinh... và các giải pháp công nghệ mới trong thu nhận, truyền dẫn, xử lý dữ liệu thông minh nhằm tối ưu hóa truyền dẫn, khai thác, sử dụng dữ liệu quan trắc đa dạng sinh học...; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ quan trắc mới theo hướng sử dụng các thiết bị quan trắc di động gắn với các phương tiện di chuyển trên sông, trên biển đối với việc quan trắc chất lượng nước…

    Thứ ba, đẩy mạnh đầu tư, huy động nguồn lực tài chính: Đầu tư xây lắp, trang thiết bị: huy động tối đa nguồn tài chính từ các thành phần kinh tế để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và công nghệ hiện đại cho hoạt động quan trắc môi trường. Mạng lưới các trạm quan trắc tự động, liên tục cần tiếp tục được mở rộng đầu tư theo quy hoạch mới đảm bảo mật độ dữ liệu quan trắc truyền về mạng lưới dữ liệu quốc gia đáp ứng yêu cầu kịp thời cảnh báo, dự báo diễn biến chất lượng môi trường; Bố trí kinh phí đầu tư mạng lưới hạ tầng/phần mềm kết nối và truyền/nhận, xử lý, quản lý dữ liệu.

    Thứ tư, mở rộng hợp tác quốc tế: Hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, các mạng lưới quan trắc quốc tế để đưa các chương trình trao đổi kinh nghiệm, thông tin, dữ liệu quan trắc theo tiêu chuẩn quốc tế về thực hiện phân tích môi trường và các nội dung liên quan đến thực hiện quy hoạch quan trắc môi trường, ví dụ mạng lưới quan trắc mưa axit Đông Á, mạng lưới không khí sạch, các chương trình quan trắc ô nhiễm xuyên biên giới (nước, không khí…); Đẩy mạnh, ưu tiên xây dựng, thực hiện chương trình, dự án nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực, kinh nghiệm cho công tác quan trắc đa dạng sinh học; Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực nghiên cứu, cải thiện công nghệ, kỹ thuật quan trắc môi trường với các tổ chức có kinh nghiệm trong khu vực và các quốc gia tiên tiến.

    Thứ năm, tăng cường công tác đào tạo: Tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại ở trong nước và nước ngoài nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quan trắc và phân tích có chuyên môn cao, đảm bảo lực lượng cán bộ kế cận; Nghiên cứu, đổi mới chương trình đào tạo quan trắc viên môi trường theo hướng có chọn lọc, bảo đảm quan trắc viên được đào tạo có thể thực hiện được nhiều loại hình quan trắc, một số được đào tạo chuyên sâu thành kỹ thuật viên; Đẩy mạnh đào tạo lại để nâng cao nghiệp vụ, tay nghề cho đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên và quan trắc viên hiện có, chú trọng nâng cao năng lực thực hành của quan trắc viên đáp ứng yêu cầu vận hành của từng trạm, điểm quan trắc và của toàn bộ mạng lưới…

Trương Mạnh Tuấn

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2024)

Ý kiến của bạn