Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Một số nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước năm 2023

15/07/2024

    Luật Tài nguyên nước năm 2023, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024 với nhiều nội dung mới liên quan đến bốn nhóm chính sách (Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra). Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT xây dựng, trình ban hành các văn bản (Nghị định, Thông tư) quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật.

    Nhằm bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho các ngành, các cấp, các cơ quan và đặc biệt là các tổ chức cá nhân khai thác sử dụng nước trong thực thi quy định Luật Tài nguyên nước năm 2023, ngày 16/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Bộ TN&MT ban hành Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

Bảo vệ, phân phối, điều hòa, sử dụng bền vững tài nguyên nước

    Nghị định số 53/2024/NĐ-CP bao gồm 7 Chương, 98 Điều: Quy định chung (từ Điều 1 - Điều 3). Chương II: Điều tra cơ bản tài nguyên nước và lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành về tài nguyên nước (từ Điều 4 - Điều 20). Chương III: Lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước và ngưỡng khai thác nước dưới đất, khoanh vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất (từ Điều 21 - Điều 39). Chương IV: Điều hòa, phân phối tài nguyên nước (từ Điều 40 - Điều 55). Chương V: phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra và hạch toán tài nguyên nước (từ Điều 56 - Điều 75). Chương VI: Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và quy định về quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước, chất lượng nước (từ Điều 76 - Điều 94). Chương VII: Trách nhiệm thực hiện và hiệu lực thi hành (từ Điều 95 - Điều 98).

    Phạm vi điều chỉnh của Nghị định quy định chi tiết Điều 7, khoản 5 Điều 9, Điều 10, khoản 5 Điều 17, Điều 19, khoản 9 Điều 23, Điều 30, khoản 5 Điều 31, Điều 35, khoản 3 Điều 37, khoản 10 Điều 38, khoản 3 Điều 51, khoản 10 Điều 63, khoản 6 Điều 66, khoản 5 Điều 71, khoản 5 Điều 81 của Luật Tài nguyên nước năm 2023. Sau đây là một số nội dung chính của Nghị định:

    Hoạt động điều tra cơ bản và điều tra đánh giá, kiểm kê tài nguyên nước (quy định tại khoản 3 Điều 9 của Luật Tài nguyên nước): Các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước được thực hiện theo đề án, dự án và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, nghiệm thu và phê duyệt kết quả thực hiện theo quy định. Căn cứ mục tiêu phạm vi, quy mô của đề án, dự án và đặc điểm cụ thể của từng vùng điều tra, cơ quan phê duyệt đề án, dự án quyết định các nội dung công việc, khối lượng, sản phẩm cụ thể của từng đề án, dự án trên nguyên tắc bảo đảm tính kế thừa và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kinh phí đề án, dự án. Nội dung, định mức, đơn giá điều tra cơ bản tài nguyên nước được thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ TN&MT; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và đáp ứng được các mục tiêu của đề án, dự án. Thông tin dữ liệu, kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước phải được rà soát, cập nhật vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo quy định.

    Đối với hoạt động điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt được thực hiện trên sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá tự nhiên và nhân tạo gồm một hoặc một số hoạt động sau đây: Điều tra, đánh giá đặc trưng hình thái sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá; điều tra, đánh giá số lượng, chất lượng nước mặt; Điều tra, đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước mặt; Điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của nguồn nước mặt; Điều tra, xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối; điều tra, phân vùng chức năng nguồn nước mặt…

    Về hoạt động kiểm kê tài nguyên nước được thực hiện định kỳ 5 năm một lần. Đây là hoạt động thống kê, đo đạc, tính toán, tổng hợp theo các chỉ tiêu kiểm kê về số lượng, chất lượng nước, khai thác sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước tính đến thời điểm thực hiện kiểm kê. Kiểm kê tài nguyên nước được thực hiện đối với các nguồn nước tự nhiên, nhân tạo; nước mưa; các công trình khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất và nước biển; các công trình xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi cả nước và được tổng hợp theo lưu vực sông (LVS), theo đơn vị hành chính.

    Khi đến kỳ kiểm kê, căn cứ nguồn lực, hiện trạng biến động nguồn nước trong kỳ kiểm kê trước đó, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tổ chức kiểm kê tài nguyên nước theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc kiểm kê một số chỉ tiêu có biến đổi lớn so với kỳ kiểm kê trước đó hoặc đề xuất sử dụng kết quả kỳ kiểm kê liền kề trước đó.

    Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, các địa phương, các tổ chức LVS (nếu có) xây dựng đề án, kế hoạch kiểm kê tài nguyên nước trên phạm vi cả nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức kiểm kê tài nguyên nước; tổng hợp, công bố kết quả kiểm kê…

    Ngoài ra, Nghị định cũng quy định, 16 LVS liên tỉnh phải lập quy hoạch tổng hợp LVS liên tỉnh, bao gồm: Bằng Giang - Kỳ Cùng và vùng phụ cận; Hồng - Thái Bình và vùng phụ cận; Mã và vùng phụ cận; Cả và vùng phụ cận;  Hương và vùng phụ cận; Vu Gia - Thu Bồn và vùng phụ cận; Trà Khúc và vùng phụ cận; Ba và vùng phụ cận; Kôn - Hà Thanh và vùng phụ cận; Sê San và vùng phụ cận; Srêpốk và vùng phụ cận; Đồng Nai và vùng phụ cận; Cửu Long và vùng phụ cận;ven biển Quảng Ninh; ven biển Quảng Bình và Quảng Trị; ven biển Nam Trung bộ.

    Lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước và ngưỡng khai thác nước dưới đất, khoanh vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất: Nghị định quy định nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 23 Luật Tài nguyên nước bao gồm: hồ, ao, đầm, phá trong Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp có diện tích mặt nước từ 2 ha trở lên.

    Phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi và hồ chứa khác trên sông, suối được Nghị định cụ thể: Phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các hồ, ao, đầm phá được xác định trong Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp và các nguồn nước khác; Lập, công bố, điều chỉnh Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; Cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi; Xác định ngưỡng khai thác nước dưới đất; Phân loại vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; Lập Danh mục và bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; Trách nhiệm của Bộ TN&MT, UBND các cấp và các tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất…

 Các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, điều hoà, phân phối tài nguyên nước

    Điều hòa, phân phối tài nguyên nước: Nghị định quy định về xây dựng kịch bản nguồn nước, kế hoạch, phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước. Theo đó, điều hòa, phân phối tài nguyên nước phải căn cứ vào quy hoạch về tài nguyên nước, kịch bản nguồn nước, hiện trạng, nhu cầu và hạn ngạch khai thác tài nguyên nước có tính đến tác động của biến đổi khí hậu, kết quả hạch toán tài nguyên nước (nếu có) và bảo đảm các nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật Tài nguyên nước.

    Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định về chuyển nước ra khỏi LVS phải lấy ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Các dự án có hoạt động chuyển nước phải được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước theo quy định của Điều 37 Luật Tài nguyên nước bao gồm các Dự án có hoạt động chuyển nước ra khỏi LVS mà ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và đời sống của nhân dân thuộc địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố hoặc 2 quốc gia trở lên…

    Ngoài ra, Nghị định cũng quy định chi tiết về các nội dung khác như phòng, chống khắc phục tác hại do nước gây ra và hạch toán tài nguyên nước; Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và quy định về quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước, chất lượng nước….

    Về trách nhiệm thực hiện, Bộ TN&MT trường ban hành hướng dẫn kỹ thuật, định mức, đơn giá về quy hoạch, điều tra cơ bản tài nguyên nước, lập hành lang bảo vệ nguồn nước; hướng dẫn kỹ thuật thực hiện hạch toán tài nguyên nước; quy định kỹ thuật về cấu trúc, chuẩn dữ liệu đối với các thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; hướng dẫn kỹ thuật về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm và cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên nước của hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia...

    Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các Nghị định của Chính phủ sau đây hết hiệu lực thi hành: (1) Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi; (2) Nghị định số 120/2008/NĐ-CP ngày 1/12/2008 của Chính phủ quy định về quản lý LVS; (3) Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước (trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 97 Nghị định này); (4) Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất.

Phân vùng chức năng nguồn nước và bảo vệ nước dưới đất

    Ngày 16/5/2024, Bộ TN&MT ban hành Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Thông tư quy định chi tiết thi hành khoản 4 Điều 22, khoản 9 Điều 24, điểm b khoản 2 Điều 26, khoản 8 Điều 31, khoản 3 Điều 39 của Luật Tài nguyên nước về phân vùng chức năng nguồn nước mặt; xác định, điều chỉnh dòng chảy tối thiểu; xác định và tổ chức việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật Tài nguyên nước; lập, điều chỉnh kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

    Thông tư gồm 5 Chương, 36 Điều. Cụ thể, Chương I: Quy định chung; Chương II: Phân vùng chức năng nguồn nước mặt; xác định và tổ chức việc công bố vùng bảo vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; Chương III: Xác định, điều chỉnh dòng chảy tối thiểu; Chương IV: Bảo vệ nước dưới đất; Chương V: Điều khoản thi hành.

    Các nội dung chính của Thông tư  bao gồm: Quy định về nguyên tắc phân vùng chức năng nguồn nước; Trình tự thực hiện phân vùng chức năng nguồn nước sông, suối, kênh, mương, rạch yêu cầu về kết quả phân vùng chức năng nguồn nước; Nguyên tắc xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; Nguyên tắc xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt; yêu cầu và vị trí xác định dòng chảy tối thiểu; bảo vệ nước dưới đất; các điều khoản thi hành.

    Đối với nguyên tắc phân vùng chức năng nguồn nước, Thông tư quy định phải đảm bảo tính hệ thống trong lưu vực sông, phù hợp với ranh giới hành chính cấp tỉnh; Phù hợp với hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước và nhu cầu khai thác, sử dụng nước được xác định trong quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Việc phân vùng chức năng nguồn nước phải được xem xét tổng thể về giá trị, lợi ích mà nguồn nước mang lại, mức độ ưu tiên phải bảo vệ và thuận lợi trong việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ nguồn nước; Hài hòa lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước giữa các khu vực, các địa phương, giữa thượng lưu và hạ lưu, giữa các đối tượng khai thác, sử dụng nước; bảo đảm việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, duy trì sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh.

    Về xác định các vị trí, khu vực phục vụ phân vùng chức năng nguồn nước, Thông tư quy định, cụ thể: Vị trí các điểm nhập lưu, phân lưu;ranh giới hành chính cấp tỉnh; đường biên giới quốc gia; Vị trí các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải, công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi, công trình điều tiết nước; vị trí, khu vực có các hoạt động kinh doanh, dịch vụ; khu vực có hoạt động giao thông đường thủy; Khu vực dự kiến có các công trình, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước được xác định trong quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Vị trí, khu vực có công trình, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, khu cảnh quan sinh thái quan trọng, khu vực có đa dạng sinh học cao liên quan đến nguồn nước sông suối, kênh, mương, rạch; Khu vực trữ, tiêu thoát lũ…

    Yêu cầu về kết quả phân vùng chức năng nguồn nước được quy định: Kết quả phân vùng chức năng nguồn nước sông, suối, kênh, mương, rạch phải được tổng hợp, lập thành danh mục. Trong đó, từng đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch được phân vùng chức năng phải thể hiện các nội dung chủ yếu sau: Tên của sông, suối, kênh, mương, rạch; tên lưu vực sông; Chiều dài, vị trí hành chính, tọa độ điểm đầu và điểm cuối của đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch được phân vùng chức năng (hệ tọa độ VN2000, múi chiếu 30); Chức năng nguồn nước của đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch.

    Kết quả phân vùng chức năng nguồn nước hồ, ao, đầm, phá phải được lập thành danh mục và phải thể hiện các nội dung chủ yếu sau: Tên của hồ, ao, đầm, phá; tọa độ đại diện cho vị trí của hồ, ao, đầm, phá (hệ tọa độ VN2000, múi chiếu 30), vị trí hành chính; tên tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành (nếu có). Đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên sông, suối thì nêu rõ tên của sông, suối; Diện tích mặt nước của hồ, ao, đầm, phá được xác định chức năng; Chức năng nguồn nước của hồ, ao, đầm, phá…

    Về nguyên tắc xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt,  phảm bảo ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước của công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt và các chức năng khác của nguồn nước. Phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, địa chất thủy văn, chế độ dòng chảy, đặc điểm nguồn nước, quy mô khai thác, sơ đồ bố trí công trình và các đặc điểm khác liên quan đến việc bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Phù hợp với hiện trạng sử dụng đất và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của khu vực có công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt.

    Đối với công trình khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt hoặc cấp nước cho nhiều mục đích, trong đó có cấp nước cho sinh hoạt (sau đây gọi chung là công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt) của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì phải xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, bao gồm: (1) Công trình khai thác nước mặt có quy mô trên 100 m3/ngày, đêm; (2) Công trình khai thác nước dưới đất có quy mô trên 10m3/ngày, đêm.

    Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước mặt trên sông, suối, kênh, mương, rạch để cấp cho sinh hoạt là vùng thượng lưu, hạ lưu tính từ vị trí khai thác nước của công trình (bao gồm cả phần phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước sông, suối, kênh, mương, rạch mà công trình đó khai thác), được quy định như sau:

    Trường hợp công trình khai thác nước có quy mô trên 100 m3/ngày, đêm đến dưới 50.000 m3/ngày, đêm thì phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt không nhỏ hơn 1.000 m về phía thượng lưu và không nhỏ hơn 100 m về phía hạ lưu đối với khu vực miền núi; không nhỏ hơn 800 m về phía thượng lưu và không nhỏ hơn 200 m về phía hạ lưu đối với khu vực đồng bằng, trung du;

    Trường hợp công trình khai thác nước có quy mô từ 50.000 m3/ngày, đêm trở lên thì phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt không nhỏ hơn 1.500 m về phía thượng lưu và không nhỏ hơn 100 m về phía hạ lưu đối với khu vực miền núi; không nhỏ hơn 1.000 m về phía thượng lưu và không nhỏ hơn 200 m về phía hạ lưu đối với khu vực đồng bằng, trung du.

    Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước mặt từ hồ chứa, đập dâng để cấp cho sinh hoạt được tính từ vị trí khai thác nước của công trình và được quy định như sau: Không nhỏ hơn 1.500 m từ vị trí khai thác nước đối với trường hợp công trình khai thác nước từ hồ chứa, đập dâng trên sông, suối và không vượt quá chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa, phạm vi bảo vệ đập…

    Ngoài ra, Thông tư quy định yêu cầu về giá trị dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu đập, hồ chứa có giá trị trong phạm vi từ lưu lượng tháng nhỏ nhất đến lưu lượng trung bình của 3 tháng nhỏ nhất (m3/s). Trường hợp có yêu cầu khác với giá trị lưu lượng nêu trên, thì phải căn cứ vào các quy định tại khoản 4 Điều 24 của Luật Tài nguyên nước để xác định giá trị dòng chảy tối thiểu tại từng vị trí, nhưng mức tăng tối đa không vượt quá lưu lượng trung bình mùa cạn và phải phù hợp với khả năng thực tế của nguồn nước, năng lực vận hành điều tiết nước của đập, hồ chứa; mức giảm tối đa không vượt quá 50% lưu lượng của tháng nhỏ nhất, nhưng phải bảo đảm an toàn cấp nước, an sinh xã hội, môi trường, hệ sinh thái thủy sinh…

    Vị trí xác định dòng chảy tối thiểu, đối với sông, suối: Vị trí xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối được xác định tại một hoặc một số vị trí, cụ thể: vị trí trên sông, suối trước khi nhập lưu với sông, suối khác; vị trí tại trạm thủy văn, trạm quan trắc tài nguyên nước…

    Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định cụ thể về phương pháp tính toán các đặc trưng dòng chảy phục vụ xác định dòng chảy tối thiểu; Yêu cầu về thông tin, số liệu và kết quả xác định dòng chảy tối thiểu; Phê duyệt, công bố dòng chảy tối thiểu; Rà soát, điều chỉnh dòng chảy tối thiểu.

    Cùng với đó, Thông tư cũng quy định về yêu cầu của kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; Nội dung kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; Trình tự lập kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; Ban hành kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; Rà soát, điều chỉnh kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; Yêu cầu bổ sung nhân tạo nước dưới đất…Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Trần Thị Thanh Tâm

Cục Quản lý tài nguyên nước

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2024)

Ý kiến của bạn