Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 21/11/2024

Lộ trình và giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu Net Zero của Việt Nam

02/11/2023

    Ngày 2/11/2023, tại Hà Nội, Viện Địa lí nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Lộ trình và giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu Net Zero của Việt Nam”. Hội thảo thuộc khuôn khổ nhiệm vụ truyền thông, nâng cao nhận thức về BVMT do Bộ TN&MT đặt hàng theo quy định.

    Theo cảnh báo của Liên hợp quốc, các hệ sinh thái trên Trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người, chạm ngưỡng không thể đảo ngược, ảnh hưởng đến việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).

Toàn cảnh Hội thảo

    Để ngăn chặn biến đổi khí hậu, hướng tới sự phát triển bền vững, tại Hội nghị COP26, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong đó, chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang ưu tiên năng lượng sạch, tái tạo là trọng tâm. Tuy nhiên, theo nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ Ellen Macarthur, chuyển đổi năng lượng, cùng với sử dụng hiệu quả năng lượng chỉ đóng góp được 55% cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, còn 45% nằm ở các giải pháp kinh tế tuần hoàn.

    Trong bối cảnh đó, kinh tế tuần hoàn được nhận định là nền tảng tạo ra “chìa  khóa vàng” giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero như đã cam kết, cũng như góp phần chống lại biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, để phát triển bền vững.

    Mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích như giúp giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi giá trị; tận dụng được nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác và tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa việc phát thải khí thải, chất thải rắn ra môi trường. Cùng với đó, xã hội sẽ được hưởng lợi nhờ giảm chi phí trong quản lý, BVMT, tạo ra thị trường mới, cơ hội mới, việc làm mới, nâng cao sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam bước đầu sẽ gặp khó khăn nhất định, trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy và nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng còn hạn chế.

    Tại Hội thảo, các nhà khoa học, đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận về lộ trình và giải pháp, các nguồn lực tài chính cho thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam; vai trò của kinh tế tuần hoàn trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0; thông tin các nội dung cơ bản về Hội nghị COP28...

Chương trình “đổi rác lấy cây xanh” bên lề Hội thảo

    Cũng tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế cacbon thấp hướng tới phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam bước đầu sẽ gặp khó khăn nhất định, trong bối cảnh nước ta còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy và nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng còn hạn chế. Do đó, các kiến nghị chính được đưa ra bao gồm: (1) xây dựng cơ chế khuyến khích việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn; (2) thúc đẩy và tham gia hợp tác quốc tế hiệu quả trong các hiệp định và cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu và phát triển xanh; (3) tập trung xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn ở một số ngành, lĩnh vực thành công để làm cơ sở phổ biến, nhân rộng; (4) hỗ trợ tiếp cận theo phương thức đầu tư hợp tác công tư nhằm huy động tối đa nguồn lực các bên liên quan; (5) đầu tư nâng cao năng lực và vai trò của các tổ chức đại diện doanh nghiệp để tăng cường khả năng tập hợp, đối thoại, góp ý hoàn thiện thể chế, chính sách kinh tế, phổ biến chính sách pháp luật, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế với các tiêu chuẩn cao…

Vũ Nhung

Ý kiến của bạn