Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 20/11/2024

Hội thảo khoa học quốc gia: “Môi trường Nông nghiệp, Nông thôn và Phát triển bền vững”

08/04/2024

    Nhằm tạo diễn đàn trao đổi về những kết quả nghiên cứu ứng dụng công nghệ môi trường, quản lý môi trường trong đào tạo, chuyển giao công nghệ; Kết nối nhà khoa học, nhà quản lý và đơn vị hoạt động trong lĩnh vực môi trường, ngày 6/4/2024, tại Hà Nội, Học viện Nông nghiệp (HVNN) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Môi trường Nông nghiệp, Nông thôn và Phát triển bền vững (PTBV)”. Tham dự Hội thảo có ông Quàng Văn Hương, ĐBQH Khoá XV, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; GS. Toru Wantanabe, Trưởng khoa Nông nghiệp, Đại học Yamagata, Nhật Bản; TS. Nguyễn Thị Phương Mai, phó Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo (Bộ TN&MT); GS.TS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, HVNN Việt Nam; PGS.TS. Trần Trọng Phương, Trưởng Khoa TN&MT, HVNN Việt Nam; đại diện các Bộ, ban ngành, Sở TN&MT một số địa phương; đại diện lãnh đạo các Học viện, Trường Đại học, Viện Nghiên cứu; cán bộ, giảng viên bộ môn các khoa thuộc HVNN Việt Nam và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí đến tham dự, đưa tin về sự kiện.

PGS.TS. Trần Trọng Phương, Trưởng Khoa TN&MT, HVNN Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Trọng Phương, Trưởng Khoa TN&MT, HVNN Việt Nam cho biết, với khoảng 62% dân số cả nước sống tại khu vực nông thôn và trên 27,6% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp - nông thôn Việt Nam đang trên đà đổi mới, có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chương trình được triển khai đã mang lại những thay đổi lớn lao về đời sống, hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan môi trường cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế - xã hội là sức ép lên môi trường, đe doạ sự PTBV của khu vực nông nghiệp, nông thôn.

    Không những chịu sức ép trực tiếp từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn, môi trường nông nghiệp, nông thôn còn chịu tác động từ hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu vực đô thị lân cận. Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi; nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản; chế biến nông sản, thực phẩm; phát triển làng nghề và tiểu thủ công nghiệp; chất thải rắn sinh hoạt nông thôn cộng với tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn biến phức tạp, khó lường đã đe doạ trực tiếp tới chất lượng môi trường, cảnh quan thiên nhiên cũng như sự PTBV nông nghiệp, nông thôn nước ta.

    PGS.TS. Trần Trọng Phương nhấn mạnh, trước thực trạng nêu trên, BVMT là con đường tất yếu để PTBV nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh và để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiệt huyết với công cuộc BVMT và PTBV nông nghiệp, nông thôn. Đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực BVMT nông nghiệp nông thôn; trang bị kiến thức, nâng cao trách nhiệm bảo môi trường cho người nông dân và dân cư nông thôn là nhiệm vụ quan trọng của các Trường Đại học, Học viện, Viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong thời gian tới. Vì vậy, PGS.TS. Trần Trọng Phương cho rằng, Hội thảo khoa học quốc gia: “Môi trường Nông nghiệp, Nông thôn và PTBV là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn, góp phần đưa ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý với lĩnh vực BVMT nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông nghiệp sinh thái, nông dân thông minh và nông thôn hiện đại.

GS.TS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, HVNN Việt Nam phát biểu

    Theo GS.TS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, HVNN Việt Nam, Việt nam là quốc gia có tính tổn thương cao với BĐKH (BĐKH). BĐKH đã tác động nghiêm trọng đến moi mặt đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thể hiện trên nhiều khía cạnh như: Suy thoái chất lượng đất; khan hiếm nguồn nước; gia tăng hạn hán và ngập lụt; giảm năng suất cây trồng... đặt an ninh lương thực của Việt Nam vào tình trạng báo động. Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp tổng hợp để chuyển đổi nền nông nghiệp sang hướng sinh thái, bền vững, phát thải các-bon thấp với mục tiêu tăng trưởng xanh và đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam cần kiên trì thực hiện các chính sách quốc gia về tăng trưởng xanh và thích ứng với BĐKH đã đề ra; tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết các vấn đề liên quan đến BĐKH; đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững và phát thải các-bon thấp.

Quang cảnh Hội thảo

    Hội thảo chia làm 2 phiên: Phiên toàn thể do GS.TS. Trần Đức Viên và PGS.TS. Nguyễn Thanh Lâm chủ trì với các nội dung chính: Đào tạo nguồn nhân lực TN&MT thời kỳ 4.0; Hiện trạng môi trường nông nghiệp nông thôn; Công tác quản lý môi trường nông nghiệp, nông thôn tại địa phương. Phiên chuyên môn với chủ đề “Hiện trạng môi trường nông nghiệp, nông thôn và BĐKH”, trong đó các đại biểu tham dự đã được lắng nghe tham luận về: Chất lượng nguồn nước cấp vùng nuôi tôm nước lợ khu vực phía Bắc năm 2023; Truyền thông phi đại chúng về khoa học công nghệ trong nông nghiệp trước bối cảnh BĐKH; Hiện trạng phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và giải pháp thực hiện trong thời gian tới; Tổng quan đặc điểm sản xuất và tác động môi trường của các trang trại chăn nuôi lợn ở Việt Nam; Thực trạng và giải pháp quản lý chất lượng môi trường các mô hình nuôi tôm nước lợ trên địa bàn huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; Đánh giá mức độ ô nhiễm nước và trầm tích sông Cầu đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Tiềm năng ứng dụng chế phẩm sinh học trong cải tạo đất nhiễm mặn, thích ứng với BĐKH.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

    Trong phần thảo luận, các đại biểu đã tập trung chia sẻ, bàn luận xoay quanh nội dung về: Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong BVMT; Thực trạng nhu cầu nguồn nhân lực môi trường; Quản lý môi trường nông nghiệp, nông thôn, làng nghề; Quản lý rủi ro môi trường và BĐKH; Khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường; Triển lãm giới thiệu các sản phẩm khoa học công nghệ và đào tạo lĩnh vực môi trường… 

Khoa Tài nguyên và Môi trường cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao

    Khoa Tài nguyên và Môi trường, HVNN Việt Nam được thành lập năm 1976, là Khoa có số lượng cán bộ đông nhất Học viện với 102 người. Khoa có 11 bộ môn, đào tạo 5 chuyên ngành Đại học (Quản lý đất đai, Quản lý Bất động sản, Quản lý Tài nguyên Môi trường, Kz Khoa học Môi trường và Khoa học đất). Khoa có nguồn nhân lực chất lượng cao, thầy cô được đào tạo bài bản ở các nước nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

    Bên cạnh đó, về khoa học công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Khoa đã chủ trì, tham gia trên 36 đề tài cấp Nhà nước, dự án hợp tác quốc tế; chủ trì trên 100 đề tài cấp Bộ, tỉnh; hàng trăm đề tài cấp cơ sở, chuyển giao KHCN vào sản xuất ở hầu hết các tỉnh, thành trên toàn quốc cũng như các nước và tổ chức quốc tế.

    Theo PGS.TS. Trần Trọng Phương, Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường, chiến lược đào tạo của khoa hướng đến tính đa ngành, cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng tốt, có tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng cao, có trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực tài nguyên và bảo vệ môi trường...

    Chiến lược phát triển khoa học công nghệ gắn với giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu trong quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường lồng ghép với các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của đất nước và những vấn đề môi trường toàn cầu.

    Hoạt động khoa học công nghệ của Khoa Tài Nguyên và Môi Trường tập trung nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật trong quản lý tài nguyên và môi trường; ứng dụng nguyên lý trong thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển công nghệ, giải pháp phục vụ cho phát triển bền vững.

    Trải qua 48 năm xây dựng và phát triển, nhiều lớp thế hệ sinh viên của Khoa Tài nguyên và Môi trường đã trưởng thành và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, địa phương. Không ít sinh viên tài năng của Khoa đã trở thành Lãnh đạo tại các cơ quan của Bộ Tài nguyên Môi trường, các tỉnh, thành phố... Trong đó, cựu sinh viên của khoa cũng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng của đất nước. Với bề dày lịch sử và truyền thống tốt đẹp, khoa tiếp tục đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của đất nước.

    * Năm 2024, Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển sinh 260 chỉ tiêu đại học gồm 5 ngành:

    - HVN15 có 210 chỉ tiêu cho 3 ngành: Quản lý đất đai, Quản lý Bất động sản, Quản lý Tài nguyên và Môi trường;

    - HVN16 có 40 chỉ tiêu ngành Khoa học môi trường;

    - HVN03 có 10 chỉ tiêu ngành Khoa học đất (Khoa học đất và Quản trị tài nguyên đất);

    * Tổ hợp xét tuyển nhóm ngành HVN03: A00 (Toán, Vật lí, Hóa học), A09 (Toán, Địa lí, GDCD), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh).

    Tổ hợp xét tuyển nhóm ngành HVN15, HVN16 gồm: A00 (Toán, Vật lí, Hóa học), A01 (Toán, Vật lí, Tiếng Anh), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học) và D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh).

    Khoa Tài nguyên và Môi trường sẽ có 4 phương thức tuyển sinh gồm:

    - Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển

    - Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024

    - Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (Xét học bạ)

    - Xét tuyển kết hợp

    * Để được tư vấn đầy đủ về thông tin tuyển sinh năm 2024, liên hệ với số điện thoại: 02462617578 hoặc 0961926639 / 0961926939.

    * Địa chỉ liên hệ: Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Thị trấn Trâu Quỳ, Huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội.

    Website: https://vnua.edu.vn; https://tuyensinh.vnua.edu.vn

    Website: https:// https://tnmt.vnua.edu.vn/

    Facebook: https://facebook.com/tuyensinhvnua.edu.vn

Thu Hằng

Ý kiến của bạn