Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Hiện trạng và giải pháp bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp vùng ven biển tỉnh Quảng Nam

16/07/2024

1. Thực trạng phát triển và một số vấn đề về môi trường các khu công nghiệp vùng ven biển tỉnh Quảng Nam

1.1. Thực trạng phát triển các KCN

    Quảng Nam là một trong các tỉnh nằm trong khu kinh tế trọng điểm miền Trung, có nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành khu công nghiệp (KCN), tính đến năm 2022 có 14 KCN thành lập, trong đó có 10 KCN đã đi vào hoạt động chính thức. Các KCN góp phần quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế, với tỷ lệ thu ngân sách Nhà nước chiếm khoảng trên 60% tổng thu ngân sách nhà nước của địa phương năm 2021 [7]. Theo định hướng phát triển và Quyết định số 2298/QĐ-UBND ngày 26/7/2023 của tỉnh Quảng Nam về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Quảng Nam đến 2020, có xét đến 2025 đã xác định tập trung nguồn lực để đầu tư quy hoạch phát triển các KCN thuộc Khu kinh tế (KKT) mở Chu Lai, đẩy mạnh công tác đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư lấp đầy diện tích vào các KCN Điện Nam - Điện Ngọc, Đông Quế Sơn, Thuận Yên, Phú Xuân; nâng cấp 7 cụm công nghiệp lên thành các KCN chuyên ngành.

    Trong số 14 KCN đã được thành lập với tổng diện tích 3.670 ha, có 11 KCN thuộc KKT mở Chu Lai (tổng diện tích là 2.954 ha) và 3 KCN nằm ngoài KKT mở Chu Lai (tổng diện tích là 716 ha).10/14 KCN đã đi vào hoạt động và 4 KCN đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Các KCN đã thu hút 241 dự án đầu tư (81 dự án FDI), tổng vốn đăng ký đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN khoảng 8.925 tỷ đồng [1]. Hầu hết các KCN tỉnh Quảng Nam đều nằm ở vùng ven biển, có 13/14 KCN (chiếm 92,8%) thuộc vùng ven biển tỉnh Quảng Nam. Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay tập trung vào các nhóm phẩm chính như: ô tô lắp ráp, may mặc, giày dép các loại, chế biến thủy sản, bia các loại, dăm gỗ, gạch men, gạch nung các loại…

2.2. Một số vấn đề môi trường tại các KCN ven biển tỉnh Quảng Nam

    Bên cạnh những đóng góp tích cực, quá trình phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang gây ra nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, nước thải và khí thải công nghiệp. Bên cạnh đó, sự thiếu hợp lý trong quy hoạch các cụm, KCN, gây khó khăn trong công tác quản lý các ngành nghề sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao…

    Về công tác Quy hoạch: Quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt là một số khu, CCN được xây dựng mang tính phong trào, chưa hiệu quả.Việc lập quy hoạch, công bố quy hoạch, quản lý quy hoạch chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, một số quy hoạch ngành hàng, quy hoạch ưu tiên phát triển ngành nghề chưa thực hiện được. Vốn bố trí cho đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp còn quá ít. Công tác thẩm định đầu tư, đặc biệt thẩm định về môi trường và công tác kiểm tra, quản lý về doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ. Một số KCN tại các địa phương chua có biện pháp triệt để về môi trường gây ô nhiễm về khí thải, chất thải. Nhiều doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết đã đăng ký về tiêu chuẩn môi trường, chưa đầu tư hệ thống xử lý môi trường; có tình trạng đối phó đối với công tác BVMT. Một số nhà máy thủy điện ở phía Tây mặc dù đạt hiệu quả phát điện nhưng lại tạo ra những hệ lụy cho sản xuất nông nghiệp và nguy cơ lũ lụt trong mùa mưa bão (Nguyễn Quang Thử, 2018).

    Về môi trường môi trường không khí và bụi: Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường tỉnh Quảng Nam năm 2021, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung vào các nhóm phẩm chính như: ô tô lắp ráp, may mặc, giày dép các loại, chế biến thủy sản, bia các loại, dăm gỗ, gạch men, gạch nung các loại…Các hoạt động sản xuất công nghiệp này gây ra 2 vấn đề ô nhiễm chính đối với môi trường không khí là khí thải và mùi hôi. Trong đó, các ngành phát sinh khí thải nhiều nhất là sản xuất xi măng, nhiệt điện than, sản xuất gạch nung (gạch men, gạch tuynel) và việc sử dụng lò hơi tại các cơ sở sản xuất; các ngành gây ô nhiễm mùi cho các địa phương là sản xuất thức ăn chăn nuôi và cao su. Các ngành còn lại hầu như chỉ gây tác động đến môi trường không khí ở mức độ nhỏ lẻ, không đáng kể, chủ yếu ảnh hưởng đến môi trường làm việc trong phạm vi nhà máy là chính, ít ảnh hưởng đến khu vực xung quanh. Theo phản ánh của người dân, bụi, khói từ hoạt động của các KCN có quanh năm và điển hình là mùa khô thì ảnh hưởng nhiều hơn mùa mưa. Điều này cũng thống nhất với kết quả quan trắc chất lượng không khí của Sở TN&MT Quảng Nam (2023), vào mùa khô thì hàm lượng bụi lơ lửng nhiều hơn vào mùa mưa.

    Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, trong những năm gần đây, hầu hết các cơ sở sản xuất có phát sinh khí thải đều đã lắp đặt và vận hành thiết bị thu gom, xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường, gần như không có tình trạng thải trực tiếp. Tuy nhiên, công nghệ xử lý tại một số cơ sở còn thô sơ, chưa phù hợp với quy mô và công nghệ sản xuất nên tình trạng ô nhiễm môi trường không khí vẫn diễn ra. Đơn cử như các Công ty còn phát sinh nhiều mùi hôi ra môi trường xung quanh là: Công ty Uni - Presidend; Việt Hoa; Nguồn lợi Thủy Sản (thuộc KCN Đại Nam - Điện Ngọc…[5].

    Bên cạnh đó, ô nhiễm bụi do các phương tiện vận chuyển trong KCN ảnh hưởng đến người dân. Điển hình như tại nút giao đường Quang Trung - Nguyễn Văn Linh tại Thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, chất lượng đường sá xuống cấp, cộng với hoạt động vận chuyển phục vụ thi công hạ tầng thoát nước tại khu vực này đã làm phát tán lượng bụi đáng kể vào môi trường không khí gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và cảnh quan khu vực (Hình 1).

Đường Quang Trung tại thị trấn Núi Thành ảnh hưởng của sự phát triển KCN tới môi trường nước

    Về nước thải: Hiện nay, một số KCN đã có hệ thống thu gom, xử lý nước thải (XLNT) tập trung, góp phần giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ KCN vẫn gia tăng. Cụ thể, Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Bộ TN&MT cho thấy, số nguồn thải phát sinh nước thải >1.000 m3/ngày, đêm tại khu vực ven biển Quảng Nam là 12 nguồn thải, tổng lượng nước thải của khu vực này là 234.810 m3/ngày, đêm cao hơn rất nhiều so với một số tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ như Khánh Hòa 973.950 m3/ngày, đêm; Ninh Thuận là 8.837 m3/ngày, đêm [11]. Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng dự báo lượng nước thải công nghiệp phát sinh tại tỉnh Quảng Nam năm 2030 là 72.967,41 m3/ngày, khối lượng CTR công nghiệp thông thường phát sinh là 793,37 tấn/ngày xếp thứ 3/5 trong số các tỉnh này trong khi khối lượng CTR công nghiệp nguy hại phát sinh là 528,92 tấn/ngày đứng thứ 2/5 trong số các tỉnh khu vực này.

    Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường các KCN tỉnh Quảng Nam năm 2023 cho thấy, công tác quy hoạch và vận hành hệ thống XLNT ở một số KCN Quảng Nam chưa đúng quy định, hiệu quả chưa cao; chưa đạt 100% các KCN có hệ thống XLNT. Tại một số KCN, mặc dù có hệ thống XLNT tập trung nhưng quá trình vận hành chưa hiệu quả, mạng lưới thu gom và hệ thống nước không được duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Nhiều KCN dù đã xây dựng hệ thống XLNT tập trung, nhưng lượng nước thải thu gom quá ít, không đủ để vận hành thường xuyên. Một số KCN chưa có công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường (KCN Thuận Yên, KCN Tâm Anh, KCN Cảng và hậu cần cảng Chu Lai Trường Hải) theo quy định của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP và Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT [5].

    Ngoài ra, phản ánh của người dân qua các phương tiện truyền thông cũng cho thấy, nhiều vụ việc nước thải từ các KCN gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh như: Nước thải từ cống xả thải của KCN Bắc Chu Lai gây ô nhiễm ở khu vực mương Cầu; nước thải từ KCN Tam Thăng thải ra sông, ngòi dẫn ra cánh đồng, đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Đặc biệt là giếng khoan của hộ dân xung quanh KCN có mùi và nhớt, người dân không sử dụng được.

    Về chất thải rắn (CTR): Theo Ban Quản lý các Khu kinh tế (KKT) và KCN tỉnh Quảng Nam, tất cả các KCN đang hoạt động trên địa bàn đều không bố trí trạm trung chuyển CTR, chất thải nguy hại (CTNH). Các doanh nghiệp hoạt động trong KCN tự phân loại, thu gom, lưu giữ tạm thời và hợp đồng với các công ty xử lý chất thải mang đi xử lý theo quy định. CTR tại một số cơ sở sản xuất trước khi ra khỏi nhà máy đươc phân loại, thu gom, xử lý bằng hệ thống công nghệ cũ, thô sơ với vốn đầu tư thấp, do đó, không bảo đảm yêu cầu. Tại một số doanh nghiệp trong KCN tình trạng không phân loại chất thải công nghiệp mà để chung cùng rác thải sinh hoạt là rất phổ biến tại các KCN hiện nay. Nguyên nhân do ý thức của các cơ sở sản xuất cùng với kinh phí xử lý rác thải công nghiệp tương đối cao và một phần do cơ quan quản lý chưa quản lý chặt chẽ tình trạng này.

    Tổng lượng rác thải phát sinh trong các KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ước khoảng 586.574,01 tấn/năm (trong đó chất thải công nghiệp thông thường 569.396,12 tấn/năm, chất thải rắn sinh hoạt 17.177,889 tấn/năm). KCN Bắc Chu Lai là KCN có lượng chất thải công nghiệp thông thường phát sinh lớn nhất với 491.112,5 tấn/năm, chiếm 86,25% tổng lượng chất thải rắn thông thường phát sinh. Thành phần chủ yếu là rác hữu cơ, thủy tinh, kim loại, thức ăn thừa, bao bì…

   Đối với chất thải nguy hại (CTNH) với tổng khối lượng phát sinh khoảng 2.331.737,98 kg/năm. Trong đó, KCN Điện Nam - Điện Ngọc phát sinh khối lượng CTNH lớn nhất 980.569,9kg/năm, chiếm 42,1%. Thành phần CTNH chủ yếu là bóng đèn, mực in, giẻ lau dính dầu mỡ ắquy thải, bùn thải, cặn sơn, thùng sơn…[1].

2. Một số giải pháp phát triển KCN nhằm giảm thiểu đến động đến môi trường vùng ven biển Quảng Nam

    Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy và cơ chế chính sách:

    (i) Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực BVMT đang có hiệu lực thi hành, kiến nghị việc sửa đổi bổ sung, bảo đảm sự thống nhất, phù hợp với với các quy định của Luật BVMT năm 2020 và văn bản hướng dẫn, thi hành Luật, trong đó có nội dung sửa đổi bổ sung quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quy định về trách nhiệm BVMT trên địa bàn tỉnh; đưa các nội dung BVMT tích hợp vào quy hoạch tỉnh Quảng Nam theo quy định của Luật Quy hoạch…; (ii) Xây dựng quy định phân vùng xả thải trên địa bàn tỉnh; (iii) Xây dựng cơ chế khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trong KCN áp dụng các mô hình công nghệ tiên tiến trong sản xuất giảm phát thải và công nghệ tiên tiến xử lý chất thải; sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Hướng dẫn các cơ sở thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn; (iv) Xây dựng Quy chế phối hợp, thực hiện ký kết liên tịch giữa các cơ quan QLNN về môi trường với Ủy ban mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh trong công tác vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia BVMT KCN.

    Thứ hai, hoàn thiện hạ tầng BVMT tại các KCN tỉnh Quảng Nam:

    Tập trung nguồn lực, chỉ đạo đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Thuận Yên và KCN hậu cần cảng Trường Hải và công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP và Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT. Chỉ đạo, yêu cầu 4 KCN (KCN Thuận Yên, KCN Cảng và hậu cần cảng Chu Lai Trường Hải, KCN Tam Thăng 2, KCN Tam Anh - Hàn Quốc) nhanh chóng hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động kết nối truyền dữ liệu quan trắc về Sở TN&MT và xây dựng hồ sự cố nước thải để việc xả nước thải ra môi trường tại các KCN này được kiểm soát chặt chẽ.

    Việc đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có Công ty Cổ phần Sô đa Chu Lai nằm trong KCN Tam Hiệp không đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom chung do xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng. Công ty nhiều lần vi phạm về việc nước thải thải ra môi trường chưa đạt quy định, đây là cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn tỉnh. Do đó, thời gian tới Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh, BQL các KKT, KCN cần tập trung chủ đạo yêu cầu Công ty Cổ phần sô đa Chu Lai xây dựng công trình xử lý nước thải đảm bảo đạt yêu cầu về xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.

    Các chủ nguồn thải khí thải công nghiệp thuộc danh mục các nguồn khí thải lưu lượng lớn quy định tại Phụ lục của Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các chủ thể về BVMT trong các KCN tỉnh Quảng Nam:

    Để giảm thiểu các tác động của phát triển các KCN đến môi trường có hiệu quả, giải pháp đầu tiên là phải nâng cao ý thức của người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức và các cơ quan Nhà nước các cấp về BVMT, bởi lẽ BVMT là nhiệm vụ của toàn xã hội. Muốn nâng cao nhận thức của các chủ thể về BVMT trong các KCN là phải làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục pháp luật môi trường để các chủ thể có đầy đủ các thông tin từ đó chủ động trong việc phòng ngừa ô nhiễm và xử lý ô nhiễm trong quá trình sản xuất.

    Bên cạnh đó, việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, ý thức về BVMT đến mọi người dân, cộng đồng nhằm nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật BVMT trong cuộc sống hàng ngày để ngăn ngừa và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật môi trường. Ngoài việc tuân thủ ý thức tự giác chấp hành việc thực hiện luật BVMT, cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc phát hiện kịp thời đối với các doanh nghiệp trong các KCN có hành vi vi phạm quy định về BVMT, kiến nghị tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý.

Thứ tư, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT trong các KCN ven biển ở tỉnh Quảng Nam

    Việc tăng cường kiểm soát các nguồn chất thải trong các KCN là việc làm hết sức cần thiết thông qua kiểm tra, giám sát các hệ thống quản lý và xử lý chất thải tại các doanh nghiệp. Kiên quyết không cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất nếu chưa thực hiện đúng và đầy đủ các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Thực tế cho thấy khi hành vi vi phạm mà không được phát hiện và xử lý kịp thời thì sẽ có nguy cơ xảy ra những vi phạm nghiêm trọng. Kiểm tra là công cụ sau tuyên truyền nhằm để đánh giá ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác BVMT, phát hiện và xử lý những nguy cơ xảy ra vi phạm, thông qua đó cơ quan quản lý nhà nước về môi trường có thể phát hiện ra những yếu kém, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về BVMT trong các KCN để có những biện pháp nhằm bảo đảm sự tôn trọng và thực hiện pháp luật của các chủ thể. Thông qua kiểm tra, giám sát BVMT nhằm kiểm soát ô nhiễm tại các doanh nghiệp và xử lý những vi phạm và răn đe, giáo dục doanh nghiệp thực hiện đúng và đầy đủ pháp luật BVMT.

Nguyễn Thị Bích Nguyệt

Viện Địa lí nhân vvăn - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

(Nguồn: Bài đang trên Tạp chí Môi trường số 6/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Ban Quản lý các KKT và KCN tỉnh Quảng Nam (2023), Báo cáo tình hình đầu tư và công tác BVMT tại KKT mở Chu Lai và các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

2. Ban Quản lý các KKT và KCN tỉnh Quảng Nam (2021), Báo cáo tình hình thực hiện công tác quản lý và BVMT tại KKT mở Chu Lai và các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2021.

3. Ban Quản lý các KKT và KCN tỉnh Quảng Nam (2023), Báo cáo Tình hình triển khai xây dựng và hoạt động của các KCN tỉnh Quảng Nam.

4. Nguyễn Thị Bích Nguyệt và CS (2024). Ảnh hưởng của phát triển các khu công nghiệp đến môi trường vùng ven biển tỉnh Quảng Nam. Đề tài cấp bộ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam 2023 - 2024.

5. Sở TMN&MT Quảng Nam (2023), Báo cáo số 118/BC-STNMT ngày 15/3/2023 về Kết quả công tác bảo vệ môi trường năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, tr 8-9.

6. Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam (2021), Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Quảng Nam năm 2021 "Chất lượng môi trường không khí - Thực trạng và giải pháp”, UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1795/QĐ-UBND ngày 6/7/2022.

7. Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam (2022), Báo cáo số 24/BC-STNMT ngày 14/1/2022, về Hiện trạng cá chết tại khu vực cầu Tân Thái, xã Tam Thăng, TP. Tam Kỳ

8. UBND tỉnh Quảng Nam (2021), Báo cáo số 216/BC-UBND ngày 29/11/2021 về Tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và nhiệm vụ năm 2022

9. Liên danh tư vấn Lập quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2023), Báo cáo nội dung đề xuất “Phương án bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm gắn với phát triển kinh tế biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

10. Bộ TN&MT (2023) Đề án BVMT vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

    11. Bộ TN&MT (2020) Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020.

 

Ý kiến của bạn