Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 20/11/2024

Hai điều luật về đất đai có hiệu lực sớm

15/04/2024

    Từ ngày 1/4/2024, Điều 190 và Điều 248 Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực, thể hiện sự quyết liệt trong việc quản lý đất đai, lâm nghiệp và lấn biển từ đó góp phần đảm bảo sự phát triển toàn diện, bền vững của đất nước.

 (Ảnh minh hoạ)

    Cụ thể, Điều 190 Luật Đất đai năm 2024 quy định về hoạt động lấn biển, trong đó, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển theo quy định của pháp luật dựa trên 5 nguyên tắc:

    Thứ nhất, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; phù hợp với quy định của luật khác có liên quan và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên

    Thứ hai, dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, đa dạng sinh học, các yếu tố tự nhiên, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng;

    Thứ ba, phù hợp với quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch đô thị;

    Thứ tư, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển; bảo đảm hài hòa lợi ích của tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động lấn biển và tổ chức, cá nhân khác có liên quan; bảo đảm quyền tiếp cận với biển của người dân, cộng đồng;

    Thứ năm, hoạt động lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

    Bên cạnh nội dung về hoạt động lấn biển, Điều 248 quy định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cũng bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2024, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2023/QH15. Theo đó, việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải dựa vào các căn cứ sau: Kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của UBND cấp huyện được UBND cấp tỉnh phê duyệt hoặc kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Diện tích rừng, đất quy hoạch để trồng rừng; Nhu cầu sử dụng rừng thể hiện trong dự án đầu tư đối với tổ chức; đề nghị giao rừng, thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; Năng lực quản lý rừng bền vững của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

    Ngoài ra, việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải đảm bảo các điều kiện sau: Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; Có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế.

Hoàng Đàn

Ý kiến của bạn